Quỹ Học bổng Đồng hành được sáng lập bởi một nhóm du học sinh tại Pháp vào năm 2001 với mong muốn giúp đỡ các sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hiếu học ở Việt Nam. Anh đã đưa Quỹ đến Singapore như thế nào?
Tôi biết đến Quỹ Đồng hành từ năm 2009 khi may mắn là một trong những sinh viên được Quỹ hỗ trợ. Sau đó, khi trở lại làm cộng tác viên trong ban đại diện của Đồng hành Pháp tại Tp. Hồ Chí Minh, tôi đã có cơ hội trò chuyện, chia sẻ nhiều hơn với các bạn sinh viên. Qua các buổi phỏng vấn, lễ trao học bổng, buổi picnic offline (dã ngoại) của Đồng hành, tôi biết rằng vẫn còn rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh cực kì khó khăn: mồ côi cha, mẹ thì bị bệnh hiểm nghèo, bản thân các em phải chật vật làm đủ mọi thứ từ 6-8 tiếng mỗi ngày để tự kiếm tiền đi học…, nhưng sau đó với nỗ lực không ngừng cùng sự hỗ trợ của Đồng hành, các bạn đã vượt qua trở ngại và trở thành những sinh viên ưu tú, trong đó nhiều bạn đã viết tiếp ước mơ đi du học nước ngoài... Những hoàn cảnh như vậy đã thôi thúc tôi rất nhiều.
Huỳnh Nam Khoa tại Trường Đại học Công nghệ Nanyang. |
Năm 2013, khi giành được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, tôi lập tức liên hệ với một số bạn đang học tập ở đây với mong muốn tiếp nối tinh thần Đồng hành, giúp đỡ các bạn sinh viên cùng trang lứa, nhưng còn nhiều khó khăn ở Việt Nam và được các bạn ủng hộ nhiệt tình. Tháng 1/2014, Quỹ học bổng Đồng Hành tại Singapore được thành lập và tôi được giao cho trọng trách là Chủ tịch Quỹ. Trong giai đoạn đầu, Quỹ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề về nhân sự ở nước ngoài và trong nước, kinh nghiệm hoạt động, tổ chức và đặc biệt là làm thế nào để gây một khoản quỹ đều đặn hàng kỳ để gửi về Việt Nam trao học bổng.
Sau gần bốn năm, đâu là những kết quả nổi bật mà Quỹ đạt được ở Singapore? Hoạt động gây quỹ trong cộng đồng đã nhận được những phản hồi tích cực gì?
Với sự giúp đỡ nhiệt thành từ các giáo sư, các anh chị nghệ sĩ, hoạ sĩ và nhiều nhà hảo tâm, chúng tôi đã tổ chức thành công nhiều buổi gây quỹ, dần trở thành cầu nối tin tưởng để đầu tư vào thế hệ trẻ của Việt Nam. Đến nay, Quỹ giúp đỡ về tài chính cho gần 150 sinh viên Việt Nam, trao gần 100 suất học bổng tiếng Anh.
Sau khi trao học bổng, Đồng hành tiếp tục giữ liên lạc với các bạn sinh viên và trở thành những người bạn, anh, chị sẵn sàng sẻ chia, hỗ trợ, và định hướng cho các em. Ngoài ra, Quỹ còn tổ chức các chương trình đỡ đầu, hoạt động xã hội, câu lạc bộ ngoại ngữ, dự án khởi nghiệp… nhằm tạo môi trường để các bạn trải nghiệm và phát triển bản thân, vượt qua mặc cảm về hoàn cảnh. Để duy trì hoạt động ổn định, nhiều sự kiện gây quỹ được tổ chức, trong đó có Gala Đồng hành thường niên nhận được sự ủng hộ của nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, các hoạ sĩ và thu hút sự tham gia của đông đảo cộng đồng người Việt.
Có thể nói, hoạt động hiệu quả của Quỹ nhờ vào sự năng động và nhiệt huyết của sức trẻ và tinh thần Đồng hành. Hiện tại, hầu hết Ban Điều hành của Quỹ đều đang là các du học sinh. Các bạn đã dành dụm khoản tiết kiệm của mình và tổ chức nhiều sự kiện để gây quỹ, góp nên những suất học bổng để gửi về Việt Nam, nhằm giúp những người bạn cùng trang lứa có thêm điều kiện để theo đuổi ước mơ hoài bão của mình. Tinh thần “sinh viên vì sinh viên” và sự tiếp nối ấy chính là những giá trị cơ bản của Đồng hành.
Được biết, anh đã nghiên cứu về ngành Năng lượng tiết kiệm trong nhà thông minh thuộc Viện nghiên cứu Năng lượng tại NTU. Môi trường học tập ở đây chắc hẳn đã mang lại cho anh nhiều trải nghiệm quý giá?
NTU là Trường Đại học xếp hạng 1 châu Á và 11 thế giới. Tại đây, tôi nghiên cứu đề tài phát triển mô hình mô phỏng về năng lượng để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của hệ thống trong các toà nhà. Đồng thời, dựa vào thông tin từ mạng lưới cảm biến, tôi phát triển thuật toán điều khiển tối ưu cho hoạt động của thiết bị trong nhà thông minh, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tiện nghi cho người sử dụng, nhưng tiết kiệm năng lượng nhất có thể.
Về học tập, Singapore là môi trường rất cạnh tranh và thu hút được rất nhiều người giỏi từ khắp thế giới, nên tôi phải cố gắng liên tục trong công việc chuyên môn cũng như trong cuộc sống nếu không muốn bị đào thải. Tôi học được cách làm việc tập trung, chuyên nghiệp và đưa hiệu quả lên tiêu chí hàng đầu. Một nét đặc trưng khác của Singapore là đa văn hoá, đó cũng là cơ hội để tôi học hỏi nhiều văn hoá khác nhau và sống hài hoà giữa cộng đồng người ở đây. Một điểm cuối cùng là ở Singapore mọi thứ đều rất ngăn nắp và sạch sẽ, nên tôi cũng “bị nhiễm” sự ngăn nắp và sạch sẽ ấy.
Cùng với Quỹ Đồng hành, anh sẽ ứng dụng những kinh nghiệm từ lĩnh vực chuyên môn cho quê hương?
Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Singapore để học hỏi thêm những công nghệ về nhà thông minh trong thực tế. Hiện tại Singapore đầu tư rất mạnh để phát triển trở thành Smart City đầu tiên trong khu vực, và đó cũng là hướng đi của rất nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong tương lai, tôi có thể sử dụng những kiến thức chuyên môn học được để áp dụng trong nước, ví dụ trong việc phát triển những hệ thống mô phỏng về năng lượng trong các toà nhà lớn, lắp đặt các hệ thống cảm biến để theo dõi mức độ tiêu thụ, sự ảnh hưởng yếu tố môi trường, từ đó qua việc phân tích dữ liệu, thuật toán điều khiển tối ưu sẽ điều khiển những hệ thống trong toà nhà như thông khí, máy lạnh, chiếu sáng… một cách tự động để đáp ứng nhu cầu sử dụng, tiết kiệm năng lượng, và cung cấp những tiện nghi tối đa cho người dùng.
Xin cảm ơn anh!