Hữu Ngọc: Ông vốn là một giáo viên dạy địa lý trường trung học, ông có thể cho biết tại sao ông mê nhiếp ảnh đến thế? Tôi xin hỏi một câu ngớ ngẩn: có phải do địa lý mà ông mê nhiếp ảnh không?
Frydman: Không, câu hỏi của ông không ngớ ngẩn đâu, mà đánh trúng tâm can tôi. Địa lý và nhiếp ảnh giúp tôi mở rộng “cái tôi”, vì tôi là một kẻ cô đơn, suốt đời cô đơn. Ở phương Tây, điều này không có gì lạ!
Chả lẽ là ngay từ nhỏ?
Đúng vậy, cô đơn từ nhỏ. Tôi sinh vào tháng 11/1945 ở Paris, vào lúc Thế chiến II vừa kết thúc được mấy tháng, tình hình hậu chiến nhiễu nhương. Cho đến nay, tôi không biết mặt cha. Mẹ tôi là người Do Thái gốc Ba Lan, cả gia đình bị bắt đi trại giam quốc xã Đức Auschwitz và bị giết ở đó. Một mình bà trốn thoát, sống lén lút ở một căn buồng 3 thước vuông, sống bằng nghề làm ảnh. Tôi vừa ra đời là mẹ gửi một bà vú nuôi cho đến khi lớn ở tỉnh nhỏ Menton tít phía Nam. Cũng may, khi học xong trung học, tôi tự lập và theo Trường đại học Sorbonne ở Paris, tốt nghiệp cử nhân địa lý. Tôi đi dạy học, có lúc làm Tổng Giám thị nhà trường, sau chuyển sang làm cố vấn giáo dục của Trường.
Ông mới về hưu được mấy năm. Trong công việc và gia đình riêng, ông vẫn cảm thấy cô đơn sao?
Công việc thì tàm tạm nhưng gia đình riêng thì thất bại.
Tại sao ông lại chọn học môn địa lý?
Có lẽ từ trong tiềm thức, đó là cách thoát ly khỏi nỗi cô đơn. Ngay từ lúc trẻ, tôi rất thích những bản đồ đã giúp tôi đi du lịch bằng tưởng tượng, đi tìm bí ẩn những chân trời xa. Rồi sau có điều kiện thì đi du lịch thực sự.
Thế vì sao ông mê nhiếp ảnh đến thế?
Mẹ tôi làm ảnh kiếm sống. Từ nhỏ, tôi đã bị hấp dẫn bởi sự tinh xảo của máy ảnh. Vào tuổi thiếu niên, tôi đã chơi ảnh. Tôi chụp lại các bức tranh cổ của các danh họa, làm một số phóng sự ảnh về đời thường. Môn học địa lý làm tôi càng khám phá ra cái đẹp của thế giới, sự sắp đặt tuyệt vời của cảnh vật. Nhất là những nét sinh động của cuộc sống. Một cử chỉ thoáng qua của con người đều có nguồn gốc sâu xa trong tiềm thức. Làm thế nào ống kính chụp được cái đẹp và cái ý nghĩa của khoảnh khắc. Đó là điều làm tôi mê nhiếp ảnh.
Ông “phải lòng” Việt Nam từ bao giờ?
Từ buổi đầu tiên bước chân đến đất Việt của ông, Việt Nam là mảnh đất mà nghệ thuật nhiếp ảnh của tôi có thể phát triển tốt nhất. Đồng bằng sông Hồng hấp dẫn tôi vô cùng vì rõ ràng bàn tay con người đã nhân hóa thiên nhiên, tạo ra một quang cảnh mà trong đó quá khứ xa xưa đan xen với những cảnh “vị lai chủ nghĩa”. Đối với tôi, đó là một đề tài nhiếp ảnh lôi cuốn, có thể thỏa mãn ước vọng của tôi là chụp những bức ảnh vừa đẹp vừa mang ý nghĩa sâu sắc.
Còn đề tài gì nữa ở Việt Nam hấp dẫn ông?
Phụ nữ! Phụ nữ Việt Nam có nét đẹp riêng, thể hiện một nghị lực thầm kín, dẻo dai. Rất khó nắm bắt được cái duyên thầm của phụ nữ Việt Nam, nó thể hiện một tính cách “hiến dâng tinh thần”, riêng chiếc áo dài, vừa trang trọng vừa giản dị chưa đủ thể hiện. Phải bắt được cái duyên đó trong một giây phút bất thần, trong một cử động nhẹ nhàng. Tôi cũng rất thích chụp cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam để nắm bắt được cái thần của dân tộc.
Nghe nói ông đã tích lũy được một vốn ảnh khá lớn về Việt Nam?
Năm 2000 và 2003, tôi phụ trách dẫn học sinh Pháp sang giao lưu với học sinh Trường Chu Văn An. Từ năm 2006 - 2010, hằng năm, tôi sang Việt Nam ở 1 - 2 tháng để thực hiện những dự án về các đề tài định chụp. Mới đầu, công việc khó khăn vì các thủ tục hành chính, nay đã dễ hơn nhiều vì đặt được nhiều quan hệ bạn bè. Tôi đã có dịp trưng bày nhiều ảnh về Việt Nam với nhiều đề tài và tôi đã chuẩn bị xong một số album chuyên đề để xuất bản: Hồ Bảy Mẫu, Cầu Long Biên, Phủ Thành Chương…
Tôi đã được xem sách ảnh Cuộc sống của cầu Long Biên của ông, có lẽ nó điển hình cho phong cách nhiếp ảnh của ông.
Trong đầu tôi còn nhiều dự án về các đề tài để chụp. Tôi sẽ còn trở lại Việt Nam, tuy đã phải bán cả du thuyền để có tiền đi lại chụp ảnh.
Theo tục lệ Việt Nam, chúc ông sang năm mới “phát tài”, thực hiện được nhiều dự án và nhất là cho xuất bản được vài cuốn sách ảnh có giá trị!