📞

Người biến đổi gene sẽ sớm xuất hiện

20:23 | 23/02/2017
Những em bé ra đời theo “mẫu thiết kế”, điều này có thể thành hiện thực hay không?
Việc chỉnh sửa hệ gene của con người có thể dẫn đến hậu quả rất khó lường. (Nguồn: Pixabay)

Một nghiên cứu mới đây của Học viện khoa học quốc gia Mỹ đã đặt ra vấn đề liệu có nên sử dụng các công cụ biến đổi gene để điều chỉnh ADN của con người hay không? Những nguyên tắc trong ngành khoa học này có được tuân thủ hay một lúc nào đó sẽ xảy ra tình trạng “thiết kế trẻ em” trong tương lai?

Đã có hai luồng ý kiến phản ứng lại nghiên cứu trên. Một số người thì cảnh giác nhưng cũng có người lại cho rằng cần phải tính đến vấn đề đạo đức khi theo đuổi khả năng này.

Hiệu quả trong ứng dụng y học

Trong một báo cáo, hội đồng các nhà khoa học, doanh nhân, các nhà đạo đức học và những người ủng hộ biến đổi gene trên cơ thể con người ở Mỹ cho biết khả năng trong tương lai, bộ gene của con người có thể được chỉnh sửa để thay thế những ADN có thông tin di truyền bị lỗi từ cha mẹ người đó với ADN khỏe mạnh của một người thứ ba. Báo cáo nhấn mạnh rằng kỹ thuật này chỉ nên được sử dụng trong các trường hợp nghiêm trọng nhất, khi không còn lựa chọn nào khác, và thực hiện theo hướng dẫn chặt chẽ với giám sát nghiêm ngặt.

Việc chỉnh sửa bộ gene được thực hiện thông qua kỹ thuật gọi là CRISPR - Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeat. Người ta sẽ lấy từng đoạn RNA ngắn (Ribonucleic acid) và ghép chúng lại cho phù hợp với trình tự ADN. CRISPR là phương pháp nhanh nhất và hiệu quả nhất về chỉnh sửa gene. Phương pháp này được ca ngợi là một phương tiện hữu hiệu thúc đẩy đáng kể những hiểu biết khoa học về các bệnh rối loạn gene (như bệnh xơ nang và bệnh Huntington).

Phản ứng tích cực với báo cáo của Học viện khoa học quốc gia Mỹ, Sarah Norcross, Giám đốc của chương trình Sự thật Tiến bộ Giáo dục, cho rằng nghiên cứu này "hợp lý và thận trọng".

Bà nói "báo cáo này đưa ra vấn đề rất triệt để, và Học viện đã đưa ra các nguyên tắc rất hữu ích, giúp chúng ta có cách tiếp cận đúng với việc chỉnh sửa gene. Khuyến nghị của báo cáo cũng lưu ý về việc ứng dụng công nghệ này trong các tình huống khác nhau, trong nghiên cứu cơ bản cũng như tại bệnh viện, cần sự cởi mở, đón chào và tham gia của công chúng ".

Tính đến tháng 2/2017, việc thí nghiệm điều chỉnh gene đã được thực hiện thành công trên các loại gene có sẵn trong điều kiện phòng thí nghiệm, trên chuột, nhưng chưa bao giờ thực hiện trên người  Báo cáo cho biết bất cứ con người nào sinh ra từ một phôi đã được chỉnh sửa thông tin di truyền thì sẽ không thể can thiệp để sửa chữa làm thay đổi cấu trúc di truyền của con, cháu người đó nữa. Hội đồng chất vấn về nghiên cứu trên nêu quan điểm: để có thể sử dụng kỹ thuật chỉnh sửa gene để áp dụng lên con người một cách an toàn vẫn còn cả chặng đường dài.

Không chỉ cảnh báo thận trọng về giới hạn khi áp dụng công nghệ này vào quá trình chữa bệnh, trong nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đưa ra nhiều tranh luận về cách đối phó với dịch bệnh bằng cách tối ưu hóa con người ngay từ khi sinh ra. Chẳng hạn, việc chỉnh sửa gene cho bệnh nhân loạn dưỡng cơ đã giúp các nhà khoa học xác định được cách làm cho em bé khỏe mạnh hơn khi mới được sinh ra.

Những nguy cơ khó lường

Nhà khoa học, Tiến sỹ Jim Kozubek, Đại học MIT cho rằng kỹ thuật chỉnh sửa gene di truyền có thể dẫn tới khả năng sản sinh ra nhiều người có mức thông minh như thiên tài trong tương lai không xa. Tuy vậy, có những người khác lại có quan điểm khá nghiêm trọng về vấn đề này. Giám đốc CIA John Brennan đã từng tuyên bố những tiến bộ như vậy có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Nếu kẻ xấu có được kỹ thuật này, chúng có thể sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học.

Năm 2015, một nghiên cứu của tác giả Fyodor Urnov, trợ giảng về di truyền và phát triển tại Đại học California, đã cảnh báo việc chỉnh sửa hệ gene của con người có thể dẫn đến những hậu quả rất khó lường.

Hội đồng chất vấn đã đưa ra những bằng chứng cho thấy việc chỉnh sửa các bộ gene gây tranh cãi như thế nào và rằng trong kết luận của báo cáo, họ thừa nhận tồn tại một nỗi e sợ rằng việc chỉnh sửa bộ gene "sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng hoặc tạo ra áp lực xã hội".

John Harris, giáo sư về đạo đức sinh học tại Đại học Manchester cho biết "mỗi năm ước tính có khoảng 7,9 triệu trẻ em - 6% tổng số trẻ sinh ra trên toàn thế giới - được sinh ra với dị tật bẩm sinh nghiêm trọng bởi các bệnh có nguồn gốc di truyền. Tuy vậy, việc các nhà khoa học có thể giúp con người được sinh ra từ phương pháp sinh sản theo ý muốn sẽ không bao giờ được cấp phép”.

Ông nói thêm: "Chúng ta phải đưa ra quyết định cho thế hệ tương lai mà không cân nhắc liệu thế hệ ấy có chấp nhận hay không. Tất cả những người đã và sẽ làm cha mẹ sẽ cần phải mất rất nhiều thời gian để quyết định các vấn đề có thể ảnh hưởng đến những đứa con tương lai của họ. Nếu họ làm điều này mà không suy nghĩ về sự chấp thuận của những trẻ em trong tương lai sẽ làm cho việc nghiên cứu này "nguy hiểm và không thể chấp nhận về mặt đạo đức", Giáo sư Harris bình luận.