Ánh sáng Mặt trời chiếu rọi qua khung cửa sổ, làm bừng sáng một lớp học nhỏ. Tại đây, những chữ cái đa sắc màu của tiếng Khmer, tiếng Anh, chữ số La Mã được dán nổi trên bảng, trên khắp các bức tường. Lớp học ấy rực rỡ màu sắc. Nhưng, đối với những đứa trẻ ở đó, bóng tối bao trùm tất cả.
Không học sinh nào có thể nhìn thấy khuôn mặt cô và có lẽ chỉ có thể mường tượng được nụ cười hiền hậu của cô... (Nguồn: Channel Newsasia) |
Định kiến xã hội
“Xin chào tất cả các em. Các em đang làm gì vậy?”, bà Phalla Neang chào những học sinh của mình khi bước vào lớp. Không học sinh nào có thể nhìn thấy khuôn mặt bà giáo và có lẽ chỉ có thể mường tượng được nụ cười hiền hậu của bà, song chúng đều biết đó là bà giáo Phalla Neang dạy Toán cho chúng vào mỗi buổi sáng.
Đây là buổi học đầu tiên của họ sau hai tháng nghỉ hè. “Kỳ nghỉ thực sự nhàm chán. Cháu phải ở nhà và không được ra ngoài và khi cảm nhận được có ai đó qua lại trước mặt mình, cháu cảm thấy buồn vì bản thân”, cậu bé Srey Keo chia sẻ. Cậu nói rằng cậu thích được đến lớp cùng với bạn bè và yêu quý những người giáo viên ở đây.
Bà Phalla nói rằng trường Krousa Thmey là trường duy nhất dành cho trẻ em khiếm thị ở Campuchia, những đứa trẻ vốn bị xã hội kỳ thị. “Người Campuchia không thích những trẻ em khiếm thị và họ quan niệm những đứa trẻ này đã phạm tội ở kiếp trước. Vì vậy, cha mẹ chúng thường giữ chúng ở nhà và không muốn ai biết rằng mình có một đứa con bị mù”, bà nói.
Mặc dù chương trình giáo dục đã phổ cập cả nước nhưng những đứa trẻ khiếm thị vẫn không thể tiếp cận được những trường học công. Cơ sở vật chất cho học sinh khiếm thị cũng rất hạn chế, vì vậy, nhiều đứa trẻ khiếm thị phải lang thang ở những thành phố lớn để ăn xin. Theo Hiệp Hội người mù Campuchia (ABC), hiện có khoảng 52.000 người Campuchia bị mù và họ đang có hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn.
“Không có nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ cho người khiếm thị. Công chúng cũng cho rằng người khiếm thị là không bình thường. Họ không thể tiếp cận các dịch vụ công và vẫn bị phân biệt đối xử. Hiện tại, thực trạng đã có thay đổi nhưng vẫn chưa thực sự rõ nét”, ông Boun Mao, Giám đốc ABC chia sẻ với Channel Newsasia.
Chúng bình đẳng như nhau
Trong suốt ba thập kỷ qua, bà Phalla không ngừng đấu tranh để cải thiện cuộc sống của cộng đồng người khiếm thị Campuchia và giúp họ tiếp cận với hệ thống giáo dục. Khi Liên hợp quốc tuyển dụng tình nguyện viên dạy trẻ em khuyết tật, bà Phalla đã tình nguyện tham gia giúp đỡ những trẻ khiếm thị tại các trại tị nạn khu vực biên giới Thái Lan-Campuchia từ năm 1986. Sau đó, bà Phalla làm việc 5 năm tại trường quốc tế Liên hợp quốc. Cuối cùng, bà quyết định quay trở lại Campuchia dạy trẻ em khiếm thị với ước muốn đem lại quyền bình đẳng cho những đứa trẻ khiếm thị Campuchia.
"Các bạn hãy mở lòng và đón nhận các em”, bà Phalla nói. (Nguồn Channel Newsasia) |
Thời điểm bà quay trở về, chưa có một trường học nào dành cho trẻ khiếm thị ở Campuchia. Vì vậy, bà đã ngay lập tức tiếp cận với một tổ chức phi chính phủ của Pháp là Krousa Thmey đang hỗ trợ cho những trại trẻ mồ côi ở Campuchia và thành lập trường học đầu tiên cho trẻ em khiếm thị. Trường học được mở tại Chbar Ampou với 8 học sinh và 3 giáo viên. “Không giáo viên nào ở Phnom Penh muốn dạy trẻ em mù vào thời điểm đó, cha mẹ chúng cũng không muốn chúng đến trường vì nghĩ rằng chúng không thể học tập. Vì vậy, tôi phải gõ cửa từng nhà có con khiếm thị để thuyết phục họ cho con tới trường”, người phụ nữ 56 tuổi chia sẻ.
Hiện nay, trường Krousa Thmey đã có 5 trụ sở trên cả nước, hai trụ sở ở Phnom Penh và còn lại ở Siem Reap, Battambang và Kampong Cham với 350 học viên khiếm thị, 600 học sinh khiếm thính và 174 cán bộ giáo viên, nhân viên. Chương trình được soạn thảo bài bản theo các cấp từ mẫu giáo đến trung học, hình thức giảng dạy là bằng hệ thống chữ nổi.
Học sinh cũng được dạy thêm tiếng Anh, máy tính, âm nhạc. Học sinh mới đến được tham dự một lớp học định hướng để tiếp thêm cho chúng niềm tin vào khả năng của mình. Chính sách giáo dục toàn diện của trường cũng tạo điều kiện để học sinh có thể tham gia các lớp học ngoại khóa. Bà Phalla tự hào rằng học sinh của mình có thể vượt qua kỳ thi quốc gia sau khi học xong lớp 12 và đủ trình độ để tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tới năm 2020, trường sẽ trở thành trường công lập của Campuchia.
Điều khó khăn đối với trường Krousa Thmey là học sinh được dạy qua hệ thống chữ nổi nhưng hệ thống chữ nổi tiếng Anh được sử dụng rộng rãi cấp quốc tế không hữu ích đối với học sinh Campuchia khi chúng học tiếng Khmer. Do vậy, bà Phalla phải tự phát triển một hệ thống chữ nổi mang tên Khmer Braille. Bà cùng các đồng nghiệp cũng luôn phải nỗ lực cập nhật hệ thống chữ để bắt kịp với sự phát triển. Giờ đây, bà Phalla tự tin rằng học sinh của mình có thể thân thuộc với cả hai hệ thống chữ nổi tiếng Anh và tiếng Khmer. Sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có đủ khả năng tồn tại trong xã hội một cách độc lập.
“Mặc dù bị khiếm thị nhưng các em vẫn suy nghĩ và tư duy giống như mọi người. Chúng tôi muốn mang lại cho các em những đôi mắt, đó chính là kiến thức. Trước khi tôi chết, tôi ước mơ những trẻ em khiếm thị ở Campuchia có thể chắc chắn mình có công ăn việc làm và một cuộc sống độc lập, không bị phân biệt đối xử. Các bạn hãy mở lòng và đón nhận các em”, bà Phalla tâm sự.