📞

Người đàn bà tật nguyền và niềm đam mê nghề báo

23:01 | 12/05/2008
Hình ảnh người phụ nữ bị liệt nửa người hàng ngày vẫn đi lấy thông tin, viết bài gửi báo đã quá quen thuộc với người dân huyện Đà Bắc (Hoà Bình).

Đã có lúc chị tưởng không thể sống nổi, người toàn da bọc xương chỉ nặng vỏn vẹn có 29 kg nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã vượt qua bệnh tật và sống có ích cho đời. Chị là nhà báo không chuyên Xa Lệ Thuỷ.

 

Từ “cõi chết” trở về...

 

Trước năm 1995, chị làm cán bộ Đoàn kiêm Kế toán thường vụ của huyện Đà Bắc (Hoà Bình). Công việc đang suôn sẻ và có nhiều cơ hội thăng tiến thì chị lại quyết định chuyển công tác vào tận Ngọc Hồi (Kon Tum), đem sức trẻ sự nhiệt huyết vào vùng đất mới để vận động, tuyên truyền cùng bà con trong đó làm ăn. Lúc đó, chị vừa tròn 20 tuổi.

Vào Kon Tum được 5 năm thì sức khoẻ của chị bỗng dưng sa sút. Ban đầu chị tưởng do công việc căng thẳng nên không mấy bận tâm đến khi lên cơn co giật, sốt thì chị mới được chyển lên viện. Chị được chẩn đoán là bị sốt rét nhưng ở viện gần tháng trời, bệnh của chị vẫn không thuyên giảm cho đến khi chị biết tin mình bị u não.

Trên đường chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), chị đã chết đi sống lại không biết bao lần và chỉ chậm thêm chút nữa thì có lẽ không thể cứu chữa được. Sau khi phẫu thuật trở về nhà bố mẹ ở Hòa Bình, chị chỉ nặng vỏn vẹn có 29kg. Bà con hàng xóm đến thăm chị ai cũng rơi nước mắt và không tin chị có thể qua khỏi. Bằng nghị lực phi thường, niềm khao khát được sống, được cống hiến mãnh liệt, sau 2 năm nằm liệt trên giường bệnh chị lại tập những bước đi đầu tiên.

Sau vài tháng, chị đã có thể tự chống gậy tập đi sau quả đồi gần nhà. Khó khăn lớn tiếp theo với chị là học viết, cánh tay phải bây giờ không còn cảm giác, không thể cầm giữ nổi thứ gì nên chị phải viết bằng tay trái. Nhiều lần ném bút đi vì không thể viết nổi, chị lại nghĩ đến thầy Nguyễn Ngọc Ký và như được tiếp thêm sức mạnh, chị dần dần có thể viết được những đoạn văn ngắn trong sách.

...Và con đường đến với nghiệp báo

Quanh quẩn mãi trong nhà, chị thấy bức bối nhưng sức khoẻ yếu chị không thể trở lại làm công việc như trước kia được nữa. Khi còn trên giường bệnh ở Kon Tum, chị nhớ đã có lần gửi 2 bài viết cho báo Hoà Bình, được đăng tải, thậm chí còn nhận được cả thư hồi âm của toà soạn. Chị vui mừng lục lại đống báo xem rồi đến phòng Bí thư huyện hỏi về các hoạt động của huyện và xin số liệu về viết bài. Ban đầu họ không tin người phụ nữ nhỏ bé, tật nguyền kia có thể viết nổi báo nhưng thương chị họ vẫn cung cấp đầy đủ số liệu.

Rồi bài viết được đăng, chị phấn khởi  chống gậy đi quanh huyện lấy thông tin viết bài. Những bài báo của chị được đăng nhiều hơn và mọi người cũng đã bắt đầu tin vào nghị lực và khả năng trong con người chị.

Không muốn bị bó hẹp đề tài trong phạm vi thị trấn, chị bắt xe ôm rong ruổi khắp các nơi, có xã cách nhà chị 70 cây số đường dốc quanh co. Đám xe ôm lúc đầu còn ái ngại nhưng do tò mò muốn thử xem chị làm báo như thế nào nên đã chở chị đi. Và chính họ từ kinh ngạc trước khả năng của chị đã trở thành những “thư ký bất đắc dĩ”, giúp chị ghi chép lại các bài phỏng vấn.

Sau này khi phải đi nhiều hơn, chị đã thuê hẳn một người chuyên chở chị đi “ tác nghiệp” với tiền lương chị trả là 300.000 đồng/tháng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng chị có ít nhất 6 bài viết được đăng trên báo Hoà Bình và báo Văn Nghệ. 4 năm làm cộng tác viên cho báo Hoà Bình, cái tên Xa Lệ Thuỷ đã trở nên quen thuộc với nhiều độc giả của huyện, của tỉnh.

Những đề tài chị phản ánh có cả các vụ tiêu cực. Có nhiều vụ có cả người thân và họ hàng, bạn bè quen thuộc làm sai chị vẫn không vì nể nang mà bỏ qua. Khi kể về vụ đất đai ở xã Cao Sơn chị cho biết: “Cán bộ họ quan liêu quá, dân thiệt thòi, mình đấu tranh mãi mấy lần tưởng bỏ cuộc nhưng thấy người dân khổ quá mình không thể làm ngơ.

 Vậy mà cuối cũng mình cũng đã giúp được mấy hộ dân đòi lại được sự công bằng đấy”. Còn rất nhiều các “chiến tích” có sự đóng góp của chị như vấn đề nước máy cho người dân và một loạt những đề tài mà chị đang ấp ủ.

Mơ ước về bằng đại học báo chí

Huyện có trên chục xã thì chị đi bằng hết, ở đâu chị cũng được tiếp đón và cung cấp đầy đủ thông tin. Chị tâm sự: “Trong cả 4 năm làm báo, chỉ một lần duy nhất chị bị từ chối vì không có thẻ nhà báo. Còn bây giờ họ quen mặt rồi đến đâu cũng được...”

Chị bảo muốn có cơ hội theo học ngành báo chí để có thể hiểu rõ hơn về chuyên môn và tác nghiệp báo chí. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đều đã già cả chị trăn trở mãi chưa thể thực hiện được. Ngoài niềm đam mê với nghề viết, chị không có bất cứ  phương tiện gì để phục vụ cho việc làm báo của mình. Mỗi lần đi viết bài ở xa thì riêng tiền xe ôm và tiền thuê chụp ảnh nhiều hơn cả tiền nhuận bút.

Vào mùa mưa không thể đi viết bài ở xa chị lại ngồi nhà viết truyện ngắn. Tác phẩm của chị thường viết về những số phận những con người không may bị tật nguyền rồi vượt lên số phận. Ngoài thời gian viết báo chị vẫn làm thêm một số việc nhà, chăn nuôi gia cầm để thực hiện cái “nghiệp báo” đã tiếp thêm cho chị nghị lực để sống tốt, sống có ích vượt qua những đau đớn về bệnh tật.

 

Theo Gia Đình