📞

Người gieo chữ Việt ở Deajeon

AN BÌNH 08:00 | 23/11/2019
TGVN. Thành phố Deajeon (Hàn Quốc) không kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như ở Việt Nam, nhưng những giảng viên trẻ như cô Nguyễn Thị Phượng và cô Kim Thoa luôn tìm thấy niềm vui khi được làm công việc ý nghĩa là gieo chữ Việt ở xứ người... 
Cô Nguyễn Thị Phượng với hoạt động văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt. (Ảnh: NVCC)

Phượng và Kim Thoa đến với công việc dạy tiếng Việt bằng cơ duyên khác nhau, nhưng tình yêu với ngôn ngữ mẹ đẻ đã giúp họ gắn bó với nghề cao quý này trong nhiều năm nay.

Để người Hàn thêm yêu tiếng Việt

Phượng kể, khi còn học ngành Hàn Quốc học thuộc khoa Đông Phương học (nay là Quốc tế học) tại Đại học Đà Lạt, thấy ngôn ngữ có rất nhiều điều thú vị và thông qua nó, có thể tìm hiểu được văn hóa và lịch sử đặc trưng của một đất nước. Niềm đam mê với ngôn ngữ đã giúp cô gái trẻ nhận ra, một trong những con đường gần và nhanh nhất để hiểu sâu về một đất nước hay một nền văn hóa chính là ngôn ngữ.

Cùng với học ở trường, khi đi làm thêm và làm phiên dịch cho nhiều người Hàn Quốc sống tại Việt Nam, cô thấy họ rất quan tâm đến tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, cô quyết định bắt đầu với công việc dạy tiếng Việt tại trung tâm Sejong ở Đại học Bình Dương cho những người Hàn Quốc.

Năm 2015, Phượng may mắn nhận học bổng chính phủ Hàn Quốc và theo học Thạc sĩ ngành Giáo dục ngôn ngữ tại Đại học Sunmoon. Hiện tại, khi trở thành giảng viên tiếng Việt tại Trung tâm ngôn ngữ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chungnam, cô càng thấy Việt Nam dường như là “đất nước đầy tiềm năng” đối với nhiều người Hàn Quốc.

Thực tế, Tiếng Việt đã là ngôn ngữ tự chọn của bậc phổ thông nhiều khu vực tại Hàn Quốc và nhiều học sinh trung học đã bắt đầu định hướng học tiếng Việt để có cơ hội việc làm tốt hơn. Kỳ thi đại học mới đây tại Hàn Quốc cũng có môn tự chọn là tiếng Việt.

“Người Hàn Quốc rất tôn trọng và yêu kính giáo viên. Học sinh của tôi đa phần là người đi làm, lớn tuổi, khuôn phép, đúng giờ và trách nhiệm. Bản thân tôi học hỏi được nhiều từ tinh thần tôn sư trọng đạo, lễ nghĩa cũng như nỗ lực thật sự của họ”, Phượng chia sẻ.

Giúp trẻ em kiều bào hướng về nguồn cội

Không chỉ có người Hàn, những lớp học tiếng Việt tại Deajeon luôn đón nhận sự tham gia tích cực của cộng đồng gia đình đa văn hóa Việt - Hàn. Đồng nghiệp thân thiết của Phượng là Kim Thoa cũng đã 6 năm gắn bó với nghề dạy tiếng Việt. Ngoài công việc tại Trung tâm Ngôn ngữ quốc tế của Đại học Quốc gia Chung Nam, Kim Thoa còn dạy tiếng Việt cho các em ở trường tiểu học và các bậc phụ huynh ở Trung tâm giao lưu quốc tế Deajoen. Trong điều kiện giáo trình và sách giáo khoa tiếng Việt còn thiếu, nhưng bằng niềm đam mê với nghề cô vẫn thường xuyên tham gia các lớp dạy tiếng Việt tình nguyện cho con em kiều bào do Hội người Việt Nam tại Daejeon tổ chức.

Cô Kim Thoa (bên trái) tại lớp học cho trẻ em các gia đình đa văn hóa. (Ảnh: NVCC)

Hiện thành phố Daejeon có khoảng 5.000 người Việt, đa phần là phụ nữ kết hôn gia đình đa văn hóa, có cả công nhân lao động và du học sinh. Bởi vậy, việc làm có ý nghĩa nhất cho cộng đồng chính là tham gia các lớp học tiếng Việt cho con em thế hệ thứ hai, thứ ba được sinh ra và lớn lên ở đây.

Kim Thoa chia sẻ, mong ước của cô là vài năm tới, các trường cấp ba hoặc Đại học tại Hàn Quốc sẽ có khoa tiếng Việt. Nếu điều này trở thành hiện thực thì con em các gia đình đa văn hóa và cộng đồng người Việt tại đây sẽ có nhiều thuận lợi trong việc học tập.

Những giáo viên tiếng Việt như Phượng và Kim Thoa đều đặt niềm tin rất lớn vào lớp trẻ trong các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn vì các em chính là những cầu nối gắn kết hai đất nước trong tương lai. Các cô hy vọng có thể đóng góp sức mình trong việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước.

Sống giữa hai nền văn hóa khác biệt, họ mong muốn được hòa nhập thật sự và có cuộc sống ổn định tại môi trường xã hội ở Hàn Quốc. Bởi vậy, ngoài những giờ dạy học, Phượng và Kim Thoa còn tham gia tích cực vào các hoạt động của cộng đồng. Bên cạnh việc dạy học, Phượng còn mở một kênh Youtube của riêng mình để tự tay nấu nướng và giới thiệu các món ăn ngon Việt – Hàn. Cô cũng tự tin tham gia biểu diễn văn nghệ và trở thành người dẫn chương trình trong các chương trình văn hóa của cộng đồng người Việt tại đây.