📞

Người giữ hồn cốt gốm Hương Canh

Minh Hòa 17:00 | 15/11/2020
TGVN. Gốm Hương Canh, một địa danh, một thương hiệu không mấy xa lạ, đặc biệt là với người dân Bắc Bộ.
Nghệ nhân, nghệ sĩ mỹ thuật Nguyễn Hồng Quang trong lò gốm.

Nhưng trong một vài thập niên trở lại đây, cái tên Hương Canh dường như đang lùi dần vào xa vắng. Chỉ khi đến với làng nghề, người ta mới thấy gốm Hương Canh vẫn đang được các nghệ nhân duy trì, gìn giữ, dù ít người biết đến.

Trong những ngày Thu nắng tràn, chẳng gì tuyệt vời hơn khi dành một ngày để ghé thăm và “thử sức” khéo léo của đôi bàn tay tại một làng nghề. Tôi đã đến với làng gốm Hương Canh (Vĩnh Phúc) vào một ngày như thế.

Từ Hà Nội, lái xe theo hướng cầu Nhật Tân khoảng gần 50km về phía Bắc, rẽ xuống con đường ngoằn ngoèo dọc sông Hồng một đoạn ngắn thì đến Hương Canh. Không có nhiều đặc trưng khiến người ta có thể cảm nhận đây là một làng nghề gốm lâu đời và nổi tiếng một thời.

Gặp “anh” nghệ nhân U40

Đến Hương Canh, người ta bảo tôi: “Muốn biết gốm Hương Canh giờ chỉ tìm ‘ông Quang gốm’. Người ta gọi ông ấy là ‘người làm sống một làng nghề’ đấy. Cứ gặp ông ấy thì hỏi trên giời dưới bể về gốm Hương Canh ông ấy đều trả lời hết”.

Không khó để tìm đến nhà “ông Quang gốm”. Chắc hẳn ai đến Hương Canh tìm hiểu về gốm, người ta cũng nói như vậy, rồi chỉ nhà riết thành quen. Tưởng “ông Quang gốm” phải là ông cụ râu tóc bạc phơ, hóa ra là mới U40 tuổi đời, nhưng ngót 25 năm tuổi nghề.

Vợ chồng anh Quang đang chăm sóc các sản phẩm mới ra lò

Đã quen đón khách lạ từ khắp mọi miền đến với gốm Hương Canh, anh Quang gốm đon đả mời tôi vào nhà. Vừa nhâm nhi tách trà thơm ngát rót ra từ chính cái ấm, cái chén gốm Hương Canh, tôi vừa nghe anh giới thiệu các sản phẩm gốm của xưởng, rồi lan sang cả lịch sử xa và gần của làng nghề. Anh bảo: “Những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi còn nhỏ thì gốm Hương Canh làm việc theo mô hình hợp tác xã gốm. Sau bao cấp, cả làng gốm thành ra bơ vơ. Ai có ruộng thì lại quay về làm ruộng vì làm tiểu thủ công nghiệp không có lương. Đám thanh niên thì đi làm công nhân cả loạt vì lương cao hơn làm ruộng, làm gốm. Thế là nghề gốm Hương Canh đứng bên bờ vực bởi người làng chả còn thiết tha gì với nghề”.

Riêng nhà anh Quang thì ông ngoại anh là bậc thầy làm gốm. Mẹ anh cũng là thợ chuốt gốm lành nghề. Bố anh thì không những biết nghề gốm mà còn làm kế toán cho hợp tác xã gốm, sau khi xóa bỏ hợp tác xã thì về làm gốm hộ gia đình. Để duy trì kinh tế gia đình bằng nghề gốm không hề đơn giản. Khi nhu cầu tiêu thụ ngói còn cao và mái tôn chưa thịnh hành, người dân Hương Canh vẫn sống được nhờ làm ngói, dù làm ngói khá vất vả. Nhưng càng về sau càng khó sống với nghề làm ngói thì cả gia đình anh chuyển sang làm gốm. Anh chia sẻ: “Hồi đó, chỉ mới tốt nghiệp PTTH nhưng tôi đã trăn trở về việc cùng một cái chum làm đơn giản chỉ bán được 70 ngàn đồng, nhưng nếu có chút sáng tạo và thẩm mỹ, mang lại sự khác biệt thì ở Hà Nội người ta bán giá cả triệu đồng. Đó là sự chênh lệch lớn mà có thể mang lại cơ hội cho gia đình tôi”.

Trăn trở vậy nhưng chả hiểu thế nào Quang lại đi học Cao đẳng Cơ khí nông nghiệp. Đang học dở thì chán, lại bỏ học. Đúng lúc đang chưa biết làm thế nào thì có tổ chức phi chính phủ tên là MCC tìm đến Hương Canh với dự án nghiên cứu về đất gốm Hương Canh. Mục tiêu của dự án là trả lời câu hỏi tại sao các làng nghề gốm khác phát triển được, còn Hương Canh thì không?

Đó chính là cơ hội của cậu thanh niên sinh ra và lớn lên ở làng nghề như Quang. Thế là, anh đi xuyên Việt nhờ nguồn tài chính hỗ trợ từ dự án của MCC. Sau chuyến đi, anh trở về tham gia lớp gốm Mỹ thuật đầu tiên và duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc. Động lực và niềm đam mê đến với Quang khi giảng viên của lớp học chính là các thầy ở trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội về giảng dạy. Anh kể: “Các thầy bảo tôi, ‘em dừng ở đây thì hơi phí, phải học thêm lên’. Nghe lời thầy, tôi thi trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, hai lần mới đỗ. Nhưng đúng là có học có hơn”.

Anh Quang (trái) hướng dẫn và giới thiệu Các khách hàng không nét đặc sắc của gốm Hương Canh và khuyến khích họ có thể tự tay làm các sản phẩm.

Đi con đường của gốm

Cứ thế, nghề gốm dẫn Quang đi, từ trường Mỹ thuật Công nghiệp tới các dự án mà các giảng viên trong trường tham gia. Anh vừa học từ thầy, rồi thực hành trên chính các dự án mà các thầy cho tham gia. Chính trong thời gian này, Quang được tham gia dự án tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nghệ An. Đó vừa là niềm tự hào, vừa là dự án mang lại cho anh rất nhiều kinh nghiệm.

Học xong trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp, Quang trở về và lăn xả vào trường đời. Từ mô hình một hộ gia đình, xưởng của anh mở rộng với sự liên kết hai hộ, rồi ba hộ…. Dần dần, nhiều nhà chuyển sang mô hình gia công sản phẩm để “nhờ ông Quang bán cho”. Cứ thế, mô hình liên kết đến nay thành bảy hộ sản xuất.

Mới đây, có bảy hộ được mời tham gia triển lãm gốm mộc ở miền Trung. Nhận lời rồi mà các hộ lần lữa chẳng ai mặn mà tham dự. Thế là một mình “ông Quang gốm” lại đi, mang theo các sản phẩm của Hương Canh. “Vào tới nơi, tôi gặp anh giám đốc Công viên đất nung Thanh Hà. Anh ấy xem sản phẩm của Hương Canh rồi reo lên: “Gốm của em đẹp quá. Anh mua 15 triệu gốm của em để bày”. Tôi bán cho anh ấy bốn sản phẩm gốm, nhưng tặng nửa gian hàng vì gốm Hương Canh được giới thiệu ở đấy đã là vinh dự quá rồi. Suýt nữa mà tôi không đi thì một triển lãm mà có mặt gốm cả nước còn Hương Canh thì không”.

Nghệ nhân Nguyễn Hồng Quang, “ông” Quang gốm giờ đã là nghệ sỹ mỹ thuật, ấy nhưng cứ miệt mài, “úp mặt vào đất”, “mở mắt là nhìn lò nung gốm”, anh tổ chức một xưởng sản xuất quy mô, phân rõ khu vực gốm gia dụng, gốm mỹ thuật, gốm xây dựng… Khoảng 150 thợ cũ được đào tạo lại bài bản hơn để bắt đầu với bước ngoặt lớn. Từ thị trường nội địa, Quang dần va vấp với thị trường quốc tế và cọ xát những yêu cầu khắt khe đến khắc nghiệt của họ. Có dự án đầu xuôi đuôi lọt, có dự án phải hủy giữa chừng… tất cả đều mang đến cho anh kinh nghiệm và niềm tin vào sự phục hưng của sản phẩm gốm quê hương.

Anh Quang có hàng trăm mẫu sản phẩm mới.

Gốm là trầm tích cuộc đời

“Tôi luôn nghĩ gốm là người. Một người có trải nghiệm cuộc đời bao nhiêu thì trong gốm cũng tích tụ bấy nhiêu”, anh nói. Có lẽ, tâm niệm ấy của “ông Quang gốm” khiến cho nghệ nhân trẻ tuổi này luôn duy trì được sự trân trọng, nâng niu và cách nhìn đầy nhân văn trong từng sản phẩm gốm mà anh làm ra. Nó không chỉ là niềm tự hào, là trách nhiệm của “người làm sống một làng nghề” như người đời ca tụng, mà gốm với anh chính là những đứa con tinh thần.

Hiểu về gốm, hiểu về ưu nhược của gốm Hương Canh so với các thương hiệu gốm khác mà Quang tìm ra cách thích nghi, hóa giải nhược điểm, phát huy lợi thế trong sản phẩm gốm của mình. “Hạn chế của gốm Hương Canh là màu sắc, trong khi các làng gốm khác dùng màu để sản phẩm bật lên. Tôi thì lại tìm cách tạo hình và khối cho sản phẩm, tạo được sắc độ sáng tối cho gốm Hương Canh và biến hóa nhiều về hình dáng. Người bỏ tiền ra mua gốm thường rất kỹ tính và có sự hiểu biết nhất định về dòng sản phẩm này. Người chơi gốm Hương Canh lại càng khó tính. Để thành công, phải tạo cho gốm Hương Canh sự khác biệt”.

Với gốm, tạo hình là một chuyện, nghệ thuật đốt lò để có được một sản phẩm gốm tử tế, hay cao hơn là hoàn hảo, lại là chuyện quyết định. Thành bại đều phụ thuộc vào con mắt nhìn gốm, nhìn lửa lò. Có những con mắt thâm quầng vì trông lò liên tục 60 giờ không ngủ, lại đợi thêm 72 giờ bảo ôn mới được nâng trên tay sản phẩm gốm của mình. Làm được như vậy, không có đam mê, làm sao làm nổi?

Tôi chia tay “ông Quang gốm” khi những người thợ lành nghề trong xưởng vẫn đang miệt mài với công việc, khi ánh lửa của lò nung gốm sáng rực cả một vùng, át hẳn cái se lạnh của tiết Thu. Cầm trên tay những sản phẩm gốm Hương Canh tuyệt mỹ, tôi như có thêm một niềm tin rằng, nhất định thời kỳ phục hưng của làng nghề chẳng còn xa.

Văng vẳng trong tôi là câu nói của anh nghệ nhân trẻ “gốm là người”, vâng, nhìn gốm sẽ hiểu người và trò chuyện với người thì thêm hiểu gốm.