Người lái xe cứu bé gái 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư là một hành động quả cảm, là nguồn năng lượng tích cực để mỗi người thấy tin yêu vào những điều tốt đẹp, nhân rộng sự tử tế trong xã hội. |
Như mọi sự việc của cuộc sống, cái gì cũng có hai mặt của nó, câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Mạnh cũng vậy. Sau khi clip anh cứu cháu bé rơi từ tầng 12A vào chiều tối 28/2 được tung lên mạng, suốt đêm đó, nguyên ngày 1/3, cả cộng đồng mạng hân hoan và xúc động, trân trọng, ngưỡng mộ hành động quả cảm của một người đàn ông.
Đó chính là năng lượng tích cực được lan truyền mạnh mẽ, như một liều thuốc bổ khiến cho tất cả những ai xem clip và đọc thông tin đều cảm thấy thêm tin yêu vào những điều tốt đẹp của cuộc sống này. Thông tin anh Mạnh cứu được cháu bé như một làn gió mát lành xua tan đi cái không khí ảm đạm của dịch bệnh khiến cả xã hội mệt mỏi trong suốt thời gian qua.
Năng lượng tích cực ấy truyền đến cộng đồng được xuất phát từ một hành động quên mình vì người khác, không màng đến tính mạng mình, không tính toán thiệt hơn của anh Mạnh. Và ngay cả khi truyền thông rầm rộ tìm đến anh, anh vẫn khiêm tốn không nhận tất cả những mỹ từ mà cộng đồng mạng dành cho, từ chối nhận quà, từ chối kết bạn Facebook, và tự nhận rằng đó là hành động bình thường mà bất kỳ ai vào hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như thế. Đấy chính là bản chất của một người tốt, một người có lòng tự trọng và luôn có ý thức, tư tưởng giúp đỡ người khác.
Tuy nhiên, chỉ sau một ngày, một clip khác ghi lại cảnh anh Mạnh cứu cháu bé ở một góc khác, nhìn rõ hơn, đã có rất nhiều lời chỉ trích anh, rằng chính mái tôn mới là “thần hộ mệnh” giúp cháu bé thoát chết, rằng anh Mạnh không hề cứu cháu bé.
Ngay lập tức, nhiều người quay lại dè bỉu anh, một số bài viết đã đưa tin, giật title câu view với ẩn ý tiêu cực, khiến nhiều người bị kích động, gây ra những tranh cãi, biến một câu chuyện đầy tính nhân văn trở nên đầy sự nghi ngờ.
Thực tế, khi xem ở chế độ quay chậm, khi cháu bé rơi, ở thời điểm anh Mạnh trượt chân, nhưng anh vẫn cố rướn người đưa tay về phía cháu bé, rõ ràng cháu bé đã rơi vào cánh tay anh Mạnh trước khi rơi xuống mái tôn. Đồng ý rằng, mái tôn là một vật thể quan trọng trong việc giúp cháu bé thoát chết, nhưng lực cản từ cánh tay anh Mạnh cũng góp phần vô cùng quan trọng trong việc giảm tốc độ (như tiến sỹ vật lý Nguyễn Thành Nam đã phân tích).
Vì thế, nếu sòng phẳng ra, anh Mạnh vẫn có công trong việc giúp cháu bé thoát chết trong một vụ việc cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng của cả cháu bé và chính anh. Nhưng trên tất cả, tinh thần và thái độ của anh, đó mới là điều đáng quý giá, bởi không phải ai cũng dám làm như thế.
Cuộc đời, không ai nói trước được điều gì. Cho dù bạn có cẩn thận đến mấy, cũng có lúc bất cẩn và xảy ra những chuyện không mong muốn. Tôi dùng cái máy hút ấm điện 110V mấy năm nay, chỉ một phút lơ đễnh cắm nhầm vào ổ 220V nên cháy hỏng mất cái máy hút ẩm đó.
Thế nên cứ nghĩ xem, nếu trên đời này sẽ chẳng còn "anh hùng" nào, sẽ chẳng còn "người tốt" nào nữa. Chẳng may một ngày nào đó, chính con, cháu, em, họ hàng của bạn rơi vào hoàn cảnh như cháu bé kia, sẽ không có “anh Mạnh” nào nhảy ra khỏi xe để lao lên mái tôn cứu cháu.
Họ sẽ ngồi im trong xe ô tô, sẽ quay phim, chụp ảnh, sẽ “kệ thiên hạ” thì chúng ta sẽ nghĩ gì? Lúc đó chúng ta chỉ còn mong chờ vào sự may rủi của những chiếc “mái tôn” hay sao? Trong khi đâu phải chung cư nào cũng có mái tôn như vậy.
Nếu chúng ta không bao dung, không biết nhìn nhận tường tận bản chất vấn đề, không phân biệt được cái gì cần hạn chế, cái gì cần nhân rộng... Nếu chúng ta chỉ chăm chăm soi vào tiểu tiết, “sòng phẳng” một cách cực đoan, thì những “người hùng” sẽ dần dần bị bóp chết từ trong trứng nước, không ai muốn làm người tốt nữa, lúc ấy xã hội này sẽ như thế nào?
Với cá nhân tôi, hành động của anh Mạnh vẫn là một hành động cực kỳ đẹp và quá đáng quý, cần được nhân rộng tinh thần ấy trong cộng đồng, nhất là trong thời đại mà sự vô tâm đã trở nên phổ biến trong xã hội như hiện nay.
Với tôi, anh Mạnh - bằng hành động quả cảm ấy, với tính cách cũng như những điều anh đã làm trước khi xảy ra sự việc cứu cháu bé luôn là người hùng trong mắt tôi. Tôi phải học tập anh ở những điều này.
Đừng để những người hùng phải “chết yểu” – cuộc sống này rất cần những người như anh.