TIN LIÊN QUAN | |
Quỹ Nhân đạo Mỹ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam | |
Tác phẩm về chiến tranh Việt Nam đoạt giải Nhất thông tin đối ngoại |
Đó là dòng suy nghĩ lặp đi lặp lại trong đầu tôi sau cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thu Thảo, Trưởng Đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF). Sở dĩ mọi người biết đến chị với cái tên Thảo Griffiths bởi chồng chị là tiến sỹ người Australia Patrick Griffiths. Hiện hai con của chị đang sống cùng bố bên Australia và chị chỉ có thể gặp chúng vào những dịp nghỉ lễ.
Chị Thảo là một trong những người trực tiếp tham gia vận động để năm 2007, lần đầu tiên sau hơn 30 năm khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, ngân sách của Quốc hội Mỹ có một khoản hỗ trợ những người nhiễm dioxin tại Việt Nam. Những người đi mở đường bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn. Chị Thảo cho đó là may mắn bởi dù nhiều gian nan nhưng chị đã đi đúng hướng, đúng thời điểm và công việc đó khơi dậy trong chị một đam mê cháy bỏng để chị theo đuổi trong suốt thập kỷ qua và cả trong tương lai.
Nỗi ám ảnh chưa vơi lại đầy
Làm công tác phát triển, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh có lẽ sẽ vô cùng khó khăn với chị Thảo nếu không có những chuyến đi thực tế tới mọi miền đất nước, nơi cuộc sống của biết bao con người vẫn bị cuộc chiến tranh đã qua đi bao năm làm tổn thương. Chính những “tư liệu sống” đó giúp chị xây dựng được lập luận thuyết phục hơn trong các dự án của mình trước các chính khách Mỹ.
Chị Thảo luôn nghĩ rằng mình là người trung gian truyền tải những câu chuyện đằng sau chiến tranh Việt Nam đến với các chính trị gia, doanh nghiệp Mỹ. |
Điều khiến những chuyến đi thực tế trở nên đáng nhớ bởi nó diễn ra trong những hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2002, khi đang mang bầu tháng thứ 8 đứa con đầu lòng, chị đã đề nghị lãnh đạo một chuyến đi thực địa trước khi nghỉ sinh bởi chị nghĩ số lượng những chuyến đi thực tế sẽ ít đi khi có em bé. Để có được hành trình mạo hiểm ấy, chị đã phải xin giấy chứng nhận đủ sức khỏe đi công tác bằng máy bay của bệnh viện.
Hơn một tuần tại Quảng Trị - một trong những chiến trường ác liệt nhất của 20 năm cuộc Chiến tranh Việt Nam (1954 - 1975), người phụ nữ này bị ám ảnh bởi bao cảnh đời đau khổ. “Đứa trẻ chơi đùa trong sân nhà, lấy con dao đập vào một vật giống củ khoai. Nhưng đó chính là bom bi. Bom nổ và em ra đi…”, chị Thảo hồi tưởng. Đó là một trong rất nhiều hình ảnh khiến chị nghẹn lòng, thậm chí đến tận bây giờ. Gặp những đứa trẻ đáng thương, dị dạng - những nạn nhân của chiến tranh, khi bản thân đã trở thành một người mẹ, sự cảm thông trong chị khác hẳn lúc chưa có con.
Chị kể, hồi tháng 9/2006, khi từ Mỹ về Việt Nam và làm công tác hiện trường, chị có ghé thăm một gia đình ở gần sân bay Đà Nẵng. Gia đình ấy có 5 người con thì một người đã mất, bốn người còn lại đều bị dị tật. Người mẹ phải chăm ông bố già yếu và những đứa con mà cả đời chẳng thể lớn khôn như bao đứa trẻ bình thường khác. Nỗi lo lắng của người mẹ ấy là khi hai vợ chồng chết đi, ai sẽ chăm sóc những đứa con. Là vợ, là mẹ, chị hiểu hơn bao giờ hết nỗi đau đớn, sự bận tâm của người mẹ ấy.
Khi biết chị là Trưởng đại diện VVAF, họ rất mừng vì biết được ở Việt Nam có những tổ chức như vậy, sau cuộc chiến trở lại Việt Nam để hỗ trợ và giúp đỡ họ. Giọng miền Trung của họ lạc đi trong tiếng khóc nấc không thành lời khiến trái tim chị mềm lại, thương họ nhiều hơn và càng quyết tâm làm việc để xoa dịu nỗi đau đó. Chị chia sẻ, thời gian đó, nhiều lần chị phải đi gặp bác sĩ tâm lý bởi chính bản thân chị cũng cần được giải tỏa trước những câu chuyện cuộc đời nặng nề, trước nỗi ám ảnh chưa kịp vơi đi đã đầy trở lại.
Sự chân thành dẫn lối
Chị Thảo đã từng chia sẻ với phóng viên một tờ báo rằng “việc của Trưởng đại diện VVAF thực chất là … đi xin tiền”. Hai chữ “xin tiền” này khiến tôi tò mò và câu chuyện của chúng tôi quay sang các cách thức gây quỹ mà chị đã và đang thực hiện.
Các tổ chức phi chính phủ có nhiều cách gây quỹ khác nhau, từ nguồn các tổ chức phi chính phủ khác, các quỹ tư nhân, các công ty hay cá nhân... Cách gây quỹ của VVAF có một số điểm khác. Nguồn chủ yếu từ chính phủ Mỹ bởi họ đã biết về bản chất của vấn đề nên không phải thuyết phục họ mà việc phải làm là tham gia đấu thầu. Nguồn thu thứ hai là qua các công ty tư nhân. Quỹ phải thuyết phục họ bằng cách đi nghiên cứu hiện trường, về viết dự án và trình bày với họ.
Chị Thảo được trao cờ lưu niệm trong Lễ ghi nhận đóng góp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam năm 2015. |
Chính những trải nghiệm tại nhiều mảnh đất ở Việt Nam mà chiến tranh đi qua đã giúp chị có thể tiếp cận với những nguồn gây quỹ một cách hiệu quả nhất. Chị luôn nghĩ rằng mình là người trung gian truyền tải những câu chuyện đằng sau cuộc chiến tranh Việt Nam đến với các chính trị gia, doanh nghiệp Mỹ. Để gây sự chú ý của giới chính khách đối với vấn đề của Việt Nam, chị tích cực tham gia và làm diễn giả chính tại các hội nghị quốc tế hoặc nhạy bén thu xếp các cuộc gặp bên lề để tranh thủ chia sẻ với họ về các vấn đề của Việt Nam.
Trong vali mỗi chuyến bay tới Mỹ của chị, quần áo và tư trang cá nhân thường rất hạn chế để có thể mang nhiều nhất những món quà lưu niệm tới những người bạn thân thiết và đối tác. Tùy từng người, chị mong muốn mang tới họ những món quà gắn liền với kỷ niệm của họ tại Việt Nam.
Chị Thảo sẽ sang Geneva vào tháng 10 để tham gia chương trình nghiên cứu 8 tháng về Chính sách An ninh Quốc tế tại Trung tâm Geneva Chính sách An ninh, do Bộ Quốc phòng Thụy Sỹ tài trợ. Chị tiếp tục vai trò cố vấn cho VVAF. |
Sau cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị sẽ có một chuyến công tác tới Mỹ. Trong hành lý của chị lần này có hai con trâu bằng gốm của Họa sĩ Thành Chương để gửi cho bà Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ và Thượng nghị sỹ Patrick Leahy cùng hơn 30 cuốn sách về ẩm thực Việt Nam của một doanh nhân bán lụa ở Nha Trang. Những món quà tuy nhỏ nhưng mang nhiều thông điệp đó khiến câu chuyện của chị với bạn bè và đối tác trở nên gần gũi, thân mật hơn.
“Thảo, cô lấy từ đâu để có được tia lửa, nghị lực và tình yêu cuộc sống đến vậy? Cô thật lạ thường” - một nhân vật quốc tế có uy tín nói về Thảo Griffiths như vậy. Tôi cũng hỏi chị một câu hỏi tựa như thế. Tôi muốn biết nhờ đâu chị có một khả năng thuyết phục và làm nên được những điều kỳ diệu. Không gợn chút đắn đo, chị trả lời tôi đó chính là sự chân thành và cách tiếp cận nhân văn. Công việc của chị phải tiếp xúc với nhiều giới, từ những nạn nhân chiến tranh nghèo khổ và đau đớn cho tới những chính khách của Mỹ và nhiều nước khác. Điều duy nhất chị làm được và cần phải làm đó là thể hiện sự chân thành. Đây cũng là thông điệp chị muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ Việt Nam trước bối cảnh mỗi thanh niên đều cần phải nỗ lực để trở thành một công dân toàn cầu khi đất nước từng ngày hội nhập.
Chia sẻ về những dự định, chị khẳng định sẽ vẫn tiếp tục công việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Những chiến binh Mỹ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam sau trở thành chính khách Mỹ rồi cũng sẽ về hưu, làm sao để những vấn đề hậu quả chiến tranh không ngừng “cháy” trong giới chính khách Mỹ? Đó là câu hỏi mà chị luôn trăn trở. Bên cạnh đó, trong thời điểm “sang trang” của quan hệ Việt-Mỹ, chị Thảo mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động sang một số lĩnh vực khác như giáo dục, phụ nữ lãnh đạo hay các chương trình hướng nghiệp cho thanh niên.
Với ngọn lửa nhiệt huyết, nghị lực, tình yêu cuộc sống, sự chân thành và cách tiếp cận nhân văn..., tôi nghĩ chừng ấy thôi cũng đủ để chị có thể tự tỏa sáng ở mỗi nơi chị đến, với mỗi công việc chị làm…
Câu chuyện của những người lính Mỹ trở lại Việt Nam Hơn 40 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, hàng chục cựu binh Mỹ chọn cách quay trở lại chiến trường xưa để ... |
“Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ là bài học cho cả thế giới” Đó là mong muốn mà Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã bày tỏ tại buổi nói chuyện với hơn 2000 trí thức, doanh nghiệp ... |
Đại sứ Phạm Quang Vinh tham dự Hội thảo “Thượng đỉnh Chiến tranh Việt Nam” tại Texas Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều chính khách và cựu chính khách Mỹ cũng tham dự Hội thảo. |