Thông thường khi di chuyển mọi người có thể gặp các vấn đề đau cơ, đau khớp khi đi bộ nhiều. |
1. Những nguy cơ thường gặp
Khi đi du lịch, di chuyển đến địa phương khác sẽ có nhiều thay đổi ẩn chứa nguy cơ cho sức khỏe của bạn, nhất là khi bạn là người có bệnh mạn tính.
Sự thay đổi đột ngột phải kể đến thời tiết, môi trường sống, sinh hoạt giờ giấc cũng thay đổi... là những yếu tố khiến nhiều người mệt mỏi, đau nhức người, đau đầu, mất ngủ và nếu là người mắc bệnh mạn tính rất có thể khiến bệnh bùng phát hoặc tiến triển.
Việc di chuyển liên tục, nhịp sống sinh hoạt bị đảo lộn... sẽ ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ phát sinh tình trạng rối loạn giấc ngủ, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, căng thẳng mệt mỏi..., đặc biệt là ở những người vốn mắc các bệnh lý thần kinh, tiêu hóa mạn tính sẽ nhận thấy rõ hơn.
Bệnh trở nặng nếu chủ quan
Với những người mắc bệnh mạn tính việc phải dùng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát và hạn chế diễn biến tăng nặng của bệnh là điều cần nhớ. Bởi vậy, dù đi chơi, người bệnh chớ quên mang theo thuốc, uống thuốc và theo dõi tình trạng bệnh, sức khỏe tổng thể trong suốt kỳ nghỉ dù ngắn hay dài.
Trên thực tế kỳ nghỉ dài ngày nếu di chuyển nhiều, người mắc bệnh lý mạn tính nhất là người cao tuổi cần chú ý hơn đến tình trạng sức khỏe của mình. Trong đó đáng chú ý là những người mắc các bệnh lý như: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hen suyễn, thiếu máu, động kinh hoặc viêm khớp… bởi đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với những tình huống bất ngờ khó lường trước:
- Các vấn đề đau cơ, đau khớp khi đi bộ nhiều hơn bình thường trong lộ trình;
- Thuốc mang theo bị thất lạc, thiếu hoặc do bảo quản không đúng cách nên không còn sử dụng được;
- Các bệnh mạn tính tiến triển tái phát;
- Những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cơn hen cấp cũng có thể xảy ra…
2. Những lưu ý ở người bệnh mạn tính
Vậy, người bệnh mạn tính nào cần đặc biệt lưu ý? Trên thực tế tất cả người bệnh dù mắc các bệnh mạn tính nào hoặc có tiền sử mắc các bệnh cũng cần phải lưu ý và tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Lắng nghe cơ thể để phát hiện ra những bất thường, thay đổi sớm nhất để từ đó có phương án xử trí thích hợp.
Tuy nhiên những nhóm bệnh dưới đây cần đặc biệt lưu ý hơn, đó là:
- Nhóm bệnh tim mạch: gồm tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành… cần phải điều trị thường xuyên và liên tục để ngăn chặn biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ thậm chí tử vong... Chính vì vậy, trước kỳ nghỉ khi đi du lịch, người bệnh cần đến khám bác sĩ để đảm bảo sức khỏe đã ổn định.
Khi đi xa, nên mang theo một bản tóm tắt bệnh án của mình và các thuốc đang sử dụng (tên thuốc, liều lượng) và cũng cần mang đủ cơ số thuốc để uống trong quá trình đi xa, tốt nhất là nên mang dư ra một chút, phòng trường hợp sẽ quay về chậm hơn dự kiến.
Cần lưu ý, thuốc nên để trong hộp có dán nhãn. Điều này sẽ giúp ích cho các bác sĩ nếu không may xảy ra cấp cứu. Nên để thuốc trong hành lý xách tay, luôn mang bên mình để lỡ có thất lạc vẫn có thuốc uống.
Cần nhớ trong kỳ nghỉ người có bệnh cần hạn chế tham gia các hoạt động đòi hỏi phải gắng sức nhiều. Khi có các triệu chứng tức ngực, khó thở, mệt, thỉu, vã mồ hôi,… khi gắng sức hoặc phát hiện cơ thể có thay đổi bất thường cần liên lạc với bác sĩ đang điều trị hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn cụ thể, và được hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời.
- Bệnh đái tháo đường: Là bệnh lý hay gặp hiện nay và có xu hướng trẻ hóa, diễn biến thầm lặng và chịu ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, luyện tập và cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Do vậy, nếu người bệnh đái tháo đường đang tiêm insulin tốt nhất là mang theo bút tiêm hoặc lọ loại 100 UI/ml để tránh nhầm lẫn liều lượng.
Kỳ nghỉ dài nên phải chuẩn bị và mang gấp đôi số thuốc cần dùng trong những ngày du lịch. Luôn mang theo đồ ăn phòng khi hạ đường huyết. Mang theo một ít bánh quy, phô mai, hộp nước trái cây, 1 vài viên kẹo cứng hoặc đường để điều trị cơn hạ đường huyết.
Nếu chủ quan bệnh đái tháo đường có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, khi đó việc điều trị khó khăn và tốn kém.
- Bệnh phổi tắc nghẽn (COPD): Khi đã mắc bệnh người bệnh phải chung sống và điều trị suốt đời. Vì vậy, các yếu tố cần xem xét khi chọn nơi đến vô cùng quan trọng với người bệnh.
Phần lớn bệnh nhân COPD hợp với khí hậu ấm, nhưng không quá nóng. Khi lên cao hoặc đến những vùng cao, nồng độ ôxy không khí thường thấp hơn khi ở vùng biển nên có thể sẽ làm tăng tình trạng khó thở. Vùng núi cao sẽ gây khó khăn cho bạn nhiều hơn. Nên tránh nơi đông người.
Tuy nhiên, với căn bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, người bệnh hoàn toàn có thể sắp xếp để tận hưởng những chuyến du lịch để làm giàu cho đời sống tinh thần.
Trước khi đi du lịch người bệnh nên có một số chuẩn bị như sau: Tìm hiểu kỹ nơi sẽ đến du lịch bao gồm cả khí hậu và các phương tiện y tế địa phương. Hạn chế đi đến những vùng núi cao, nơi có nồng độ oxy trong không khí thấp; Chuẩn bị các loại thuốc cắt cơn còn hạn sử dụng và đủ dùng. Hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc nên mang theo, các loại thuốc nên cho vào túi xách luôn mang theo bên mình; Không nên đi máy bay, vì có thể gây rối loạn hô hấp ở một số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nặng (nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa điều trị cho mình); Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính cần đi khám ngay nếu xuất hiện những triệu chứng như ho, khạc đờm, khó tăng lên hoặc xuất hiện sốt nóng, khạc đờm đổi màu xanh hoặc vàng, nâu…
Bệnh ung thư: Kỳ nghỉ cùng gia đình, đi du lịch có thể gây mệt mỏi ngay cả với những người khỏe mạnh, do đó đối với người bệnh ung thư hãy chắc chắn rằng người bệnh có đủ thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
Hãy dành một số ngày trong lịch trình cho những hoạt động nhẹ nhàng, nhớ mang theo đồ ăn nhẹ trên đường để duy trì năng lượng. Cần giữ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước và tránh dùng bia rượu.
Đừng bỏ qua các triệu chứng nếu người bệnh thấy có biểu hiện mệt mỏi, sốt hoặc buồn nôn đột ngột... nếu có bất thường hãy gọi cho bác sĩ điều trị cho mình hoặc cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.
Đặc biệt bệnh nhân ung thư cần cẩn thận ngăn ngừa nhiễm khuẩn và các tổn thương với môi trường vì vậy cần rửa tay thường xuyên, chỉ nên uống nước đóng chai và dùng thức ăn nấu chín. Hóa trị đôi khi ảnh hưởng đến độ nhạy cảm của da với ánh nắng, vì vậy hãy dùng kem chống nắng và luôn mặc đồ bảo hộ khi ở ngoài trời nắng.
3. Lời khuyên của bác sĩ
- Để đảm bảo sức khỏe nhất là với những người bệnh mạn tính, người cao tuổi cần chú ý lựa chọn địa điểm du lịch, cân nhắc vào điều kiện, tình trạng thời tiết, tình trạng sức khỏe... mà chọn những địa điểm nghỉ dưỡng phù hợp.
- Những người bệnh mạn tính cao tuổi, cùng với gia đình đông người có cả trẻ nhỏ không nên đi quá xa.
- Cần ăn uống điều độ, hợp vệ sinh, đủ dinh dưỡng, dễ tiêu, uống đủ nước. Nên hạn chế những món ăn sống, tái hay các đồ ăn lạ, tránh lạm dụng rượu bia và các chất kích thích.
- Chọn nơi ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và cố gắng ăn uống đúng bữa, đúng giờ giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
- Dù là kỳ nghỉ nhưng do mắc bệnh mạn tính nên vẫn cần lưu ý nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời khi thời tiết nắng nóng, lạnh.
- Hạn chế các hoạt động gắng sức. Không nên thức khuya, hãy cố gắng phân bổ thời gian như thường ngày.