TIN LIÊN QUAN | |
Trái tim Nga trong lòng nước Pháp | |
Nigeria: Sập nhà thờ, 200 người thiệt mạng |
Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng là người Hà Tĩnh, nhưng với ông, nước Nga là sự gắn bó định mệnh. Mảnh đất này không chỉ là khởi nguồn cho sự nghiệp của một giảng viên bộ môn văn học Nga tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, nghiên cứu sinh Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov danh tiếng, mà còn hiển hiện nỗi đau của một người cha lạc mất con.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng (thứ tư từ phải sang) trong vòng tay bè bạn tại Việt Nam. (Ảnh: Pham Thuận) |
Trong suốt hơn 20 năm qua, trang web haylentieng.vn, nơi lưu giữ dòng tin ông Nguyễn Huy Hoàng mong muốn tìm lại người con gái mất tích tại Sochi vào năm 1993 tên là Nguyễn Quỳnh Nga... vẫn chưa thấy hồi âm. Tuy nhiên, nén nỗi đau của bản thân lại, ông vẫn là một người Việt Nam đầy nghị lực, tâm huyết với những cống hiến không mệt mỏi cho cộng đồng cũng như phát triển tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Nhà thơ của người Việt mưu sinh
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sinh ra trong một gia đình dòng tộc có truyền thống khoa cử, văn chương, có tới ba nhà thơ nổi tiếng là Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Huy Hổ. Tuy nhiên, khi chọn nghiệp bút sách và sinh sống ở Nga, ông không sao tránh khỏi công cuộc nhọc nhằn của “cơm, áo, gạo, tiền”. Được biết, nhà thơ ấy vẫn đang ở nhà thuê với kinh phí khá đắt đỏ ở Moscow để làm việc mưu sinh và tìm hiểu các thông tin về người con gái mất tích. Thơ ông đều chủ yếu do bạn bè tài trợ xuất bản. Mỗi khi in xong, ông lại đem tặng cho bạn bè các nước, cho khắp cộng đồng người Việt ở Nga và các nước khác.
Rất nhiều người Việt ở Nga và các nước biết đến thơ của Nguyễn Huy Hoàng. Có lẽ, họ tìm thấy ở thơ ông những điều họ trăn trở cùng những vui buồn nếm trải nơi xứ người. Trong vòng 10 năm kể từ mùa hè định mệnh năm 1993 đến năm 2005, Nguyễn Huy Hoàng đã làm không biết bao nhiêu bài thơ về con gái, về nỗi đau mất mát và những người bạn đang mưu sinh tại Nga. Ông đã in 5 tập thơ là: "Ngoảnh lại", "Dư âm", "Phía bên kia trời", "Miền yêu thương" và "Đa mang".
Sống ở Nga, nhưng ông đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều tập truyện, ký như "Moscow thời mở cửa";"Mưu sinh"; Giáo trình "Lịch sử Văn học Nga thế kỷ XIX"; Chuyên luận "Thi pháp truyện ngắn Gogol"...
Năm 2012, Nguyễn Huy Hoàng cho ra tập thơ “Một thời tôi từng có” nhân kỷ niệm 95 năm Cách mạng Tháng 10 Nga. Gần đây nhất, tập thơ “Canh ngọn đèn đợi sáng” (2013) chất chứa những lời tâm sự như rút từ tâm can của ông: "Ba không tị với người ta/ Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này/ Ai mơ viên mãn, đủ đầy/ Ba cam phận bạc mong ngày gặp con/ Mẹ thì gầy guộc héo hon/ Cầu xin, vái mỏi, vái mòn tứ phương...". Qua thơ, ông cũng hy vọng nhiều người sẽ biết câu chuyện về con gái và biết đâu một ngày nào đó sẽ có người biết được tin tức gì đó để con có thể trở về bên gia đình.
Nguyện là nhịp cầu nối hai đất nước
Không chỉ giúp đưa Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang Nga, một trong những đóng góp nổi bật của Nguyễn Huy Hoàng là đầu tháng 11 năm ngoái ông đã cho ra mắt cuốn "Truyện Kiều" bằng tiếng Nga. Suốt hơn hai năm trước đó, ông đã cùng với nhóm biên soạn phải làm việc hết công suất để có tác phẩm đúng dịp lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.
Theo Nguyễn Huy Hoàng, "Truyện Kiều" là quốc hồn quốc túy và là tác phẩm vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm này đã đến với nhiều nước, được dịch ra 20 thứ tiếng và có tới 35 bản dịch nhưng tại Nga thì "Truyện Kiều" lại chưa được dịch một cách trọn vẹn. Vì vậy, đây là niềm mong ước, nỗi trăn trở không chỉ của riêng ông mà là của mọi văn nghệ sĩ, du học sinh từng sống và học tập tại Nga.
Là người biên soạn cuốn sách, Nguyễn Huy Hoàng đã mượn câu Kiều "Công trình kể xiết mấy mươi" để nói về những khó khăn khi nhóm biên soạn bắt tay vào dịch tác phẩm này, Chỉ đến khi "Truyện Kiều" phiên bản tiếng Nga được in với 5.000 cuốn để gửi sang Nga và lễ ra mắt được tổ chức trang trọng ở Hà Nội, ông mới yên tâm như trả được một món nợ với quê hương. Dù “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng ông luôn tự coi mình giàu có bởi gia tài văn thơ và những tấm lòng chia sẻ của bạn bè khắp mọi nơi.
Tâm sự về cuốn sách mới “Gia tộc Tổng thống V.V Putin” vừa được ra mắt tại Việt Nam đầu tháng 12 này, Nguyễn Huy Hoàng cho biết, ông nhận lời dịch tác phẩm cùng các cộng sự khác từ tháng 9/2015 sau khi được Hội hữu nghị Việt – Nga ngỏ ý. “Cơ duyên dịch sách là một may mắn lớn khi chúng tôi được hưởng thụ và hiểu thấu toàn bộ phong tục tập quán ở Nga. Có một mối liên hệ rất thiêng liêng về gia tộc và tổ tiên giữa hai nền văn hóa tưởng chừng khác biệt. Tôi thực sự xúc động khi dịch tác phẩm và chợt nhận ra nếu không yêu dòng tộc sẽ không biết yêu Tổ quốc”, ông chia sẻ.
Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cũng từng viết: “Tôi luôn mang trong mình tình yêu hai Tổ quốc/Một nước Việt lầm than mang nặng, đẻ đau tôi/Và nước Nga, nơi gánh chịu biết bao nhiêu tủi cực”. Vậy nên, ông nguyện tiếp tục trở thành một nhịp cầu nối hai nền văn hóa Việt và Nga.
Chuyến thăm nối nhịp cầu hữu nghị Chuyến thăm Ninh Bình của Đoàn gần 60 các nữ Đại sứ, nữ Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc ... |
10 nhà văn đoạt giải Nobel Văn học gần nhất Giải thưởng Nobel Văn học 2016 đã thuộc về nhà thơ, nhà văn, huyền thoại âm nhạc nổi tiếng người Mỹ Bob Dylan. |
Tây Ban Nha bắt giữ 3 đối tượng tình nghi liên quan đến IS Ngày 11/10, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thông báo cảnh sát nước này vừa bắt giữ 3 đối tượng có liên quan đến tổ ... |