Nhiều năm gắn bó với công tác thông tin đối ngoại, Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thấu hiểu sứ mệnh của báo chí đối ngoại, rộng hơn là sức mệnh của nghề báo, người làm báo. Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng bà luôn tin rằng, ánh hào quang lấp lánh của một nghề cao quý sẽ luôn giúp truyền thống quý báu của nghề báo được gìn giữ và phát huy trong hiện tại và tương lai. Giữa những chuyến công tác trong và ngoài nước, dù lịch làm việc bận rộn nhưng tranh thủ trước giờ lên máy bay, bà Lê Thị Thu Hằng vẫn tâm huyết sẻ chia với chúng tôi qua đường dây thoại đôi điều về nghề báo… Thưa bà, 97 năm qua, có thể khẳng định báo chí Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn báo chí lại mang một dấu ấn riêng, bà có những suy nghĩ như thế nào về “sứ mệnh” của nghề báo và người làm báo trong thời đại 4.0 hiện nay? Báo chí trong thời đại công nghệ 4.0 có cả cơ hội đan xen thách thức, cơ hội rất lớn xong thách thức cũng không nhỏ. Về cơ hội, có thể nói rằng, công nghệ 4.0 đã tạo ra một thế giới phẳng, một không gian rộng lớn hơn cho truyền thông, tạo điều kiện cho báo chí có thể tiếp cận với các nguồn thông tin trên toàn thế giới một cách nhanh chóng và kịp thời. Không những vậy, nắm trong tay công nghệ cũng giúp báo chí có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn những thông điệp muốn truyền tải. |
Đề cập thách thức, tôi muốn nhấn mạnh sự cạnh tranh ngày càng lớn về thông tin, chất lượng thông tin cũng như phương thức truyền tin trong thế giới phẳng. Trước bối cảnh đó, sứ mệnh của báo chí không chỉ là truyền tải thông tin, mà làm cầu nối quan trọng giữa chính quyền, các giới với công chúng và giữa công chúng với nhau. Báo chí có vai trò định hướng cho công chúng để họ tham gia vào công việc chung của xã hội, bày tỏ tiếng nói đến các cơ quan của chính quyền, qua đó tác động mạnh mẽ, thiết thực đến việc hoạch định chính sách. Sau khi được ban hành, chính sách cũng quay lại phục vụ chính người dân. Với những người làm báo, họ vừa có sứ mệnh thông tin vừa có sứ mệnh dẫn dắt công chúng. Điều này đòi hỏi không chỉ trí tuệ, trình độ chuyên môn mà còn cả cái tâm và bản lĩnh của người làm báo. Cùng với đó, trong thời đại công nghệ 4.0, người làm báo cần phải nắm bắt được công nghệ để không bị tụt hậu, không bị bor lại phía sau. Khi các tòa soạn dần chuyển sang mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện thì người làm báo cũng cần có đa kỹ năng. Kỹ năng cứng là trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ, công nghệ và kỹ năng mềm là khả năng thu hút công chúng, làm việc nhóm, xây dựng các mối quan hệ xã hội… và cũng cần cả kỹ năng sống. |
Nhiều nhà báo khi nói đến nghề của mình thường tâm đắc hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng (cố Tổng Bí thư Trường Chinh - một nhà báo bậc thầy): “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”. “Bút lực” dù ở bất cứ giai đoạn nào cũng có sức mạnh thật lớn lao như vậy, ở một lát cắt hẹp hơn, bà cảm nhận như thế nào về sức mạnh của báo chí trong công tác thông tin đối ngoại? Sứ mệnh của báo chí đối ngoại là vừa “xây” vừa “chống”. Chính trong câu thơ trên cũng bao hàm cả nghĩa “xây” và “chống” trong sức mạnh của báo chí. Sức mạnh “xây” của báo chí đối ngoại là quảng bá, xây dựng hình ảnh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến với công chúng nước ngoài, từ đó xây dựng hình ảnh quốc gia cho Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào công cuộc phát triển và hội nhập của đất nước nói chung. Sức mạnh “chống” là đấu tranh với thông tin sai lệch, tiêu cực và bất lợi làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, lợi ích dân tộc. “Xây” và “chống” luôn đi song hành với nhau và là sứ mệnh, nhiệm vụ, mục tiêu của báo chí đối ngoại. Câu chuyện “hợp tác” và “đấu tranh” không chỉ là những mặt hiển nhiên trong quan hệ quốc tế mà cũng rất rõ trong chính báo chí đối ngoại. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, nhiều chiều như hiện nay, nhưng liên kết và hội nhập vẫn là xu thế nổi trội, thông tin đối ngoại muốn phát huy hiệu quả thì trong mọi vấn đề cần phải đề cao mặt “hợp tác” hơn là “đấu tranh”. Ví dụ như trong quan hệ với các đối tác, cần nói nhiều hơn về những mảng hợp tác tốt đẹp, khi nói về hậu quả chiến tranh nên tập trung vào việc chung tay khắc phục hậu quả, phấn đấu vì tương lai tươi sáng hơn. Như vậy, dù ở bối cảnh nào, với quốc gia nào, tôi nghĩ rằng mặt “hợp tác” vẫn luôn luôn phải được đề cao. Dù là cùng đi song hành với nhau nhưng phương châm là hợp tác bất cứ khi nào có thể và đấu tranh khi cần thiết. Một trong những đóng góp của báo chí đối ngoại là góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa. Thông tin đối ngoại làm sâu sắc hơn, góp phần củng cố quan hệ, đặc biệt là quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc; gia tăng vị thế của đất nước trong lòng bạn bè quốc tế mà qua đó khi cần ta có thể vận động bạn bè quốc tế ủng hộ những lợi ích hợp pháp, chính đáng của ta; giúp thông tin Việt Nam đến với công chúng nước ngoài, đối tác một cách chính xác, thực chất và tích cực hơn. Thông tin đối ngoại là một sức mạnh mềm nhưng lại góp phần tăng thêm sức mạnh cứng của Việt Nam (sức mạnh về kinh tế, tiềm lực mọi mặt) chính là góp phần vào thế và lực của đất nước để bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ cũng như các lợi ích chính đáng khác. |
Theo bà, thông tin đối ngoại giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19 nên tập trung vào thông điệp gì để lan tỏa khát vọng phục hồi và phát triển của Việt Nam tới bạn bè quốc tế? Trước tiên cần phải nhấn mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, công tác thông tin đối ngoại đã phát huy xuất sắc vai trò của mình. Trong khi không có phóng viên nước ngoài nào vào Việt Nam, các lực lượng, các “binh chủng” thông tin đối ngoại của ta đã nỗ lực phát huy nội lực. Hình ảnh, thông điệp của Việt Nam được truyền ra bên ngoài một cách chính xác, kịp thời và hiệu quả. Dư luận quốc tế đánh giá rất cao Việt Nam về các biện pháp phòng chống dịch cũng như các biện pháp nhằm đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, trong giai đoạn phục hồi và phát triển hậu đại dịch, báo chí đối ngoại có nhiệm vụ thông tin chính thức, chính xác về tình hình kiểm soát dịch bệnh – đây chính là tiền đề rất quan trọng từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, du lịch và doanh nhân đến với Việt Nam. Bên cạnh đó, thông tin đối ngoại cũng cần nêu bật được các chính sách, giải pháp của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực phục hồi và phát triển. Minh chứng rõ nhất là trong các chuyến thăm nước ngoài gần đây của các lãnh đạo cấp cao của ta cũng như các chuyến thăm của lãnh đạo nước ngoài đến Việt Nam, qua kênh thông tin đối ngoại chúng ta đã truyền tải một thông điệp quan trọng: Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn; sẵn sàng mở cửa hợp tác để thu hút nguồn lực cũng như chào đón du khách. Quan trọng hơn đó là Việt Nam mong muốn chia sẻ mục tiêu chung là cùng hợp tác, cùng phục hồi và cùng phát triển. Trong một thế giới như hiện nay, nếu chúng ta không đi cùng nhau thì không thể đi xa, đúng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng các vấn đề toàn cầu có cách tiếp cận toàn cầu. Thông điệp đó đã được cộng đồng quốc tế đón nhận tích cực. Nhiều nhà lãnh đạo các nước thời gian qua thể hiện sự quan tâm đến các mục tiêu chung mà chúng ta chia sẻ trong đó có phát triển bao trùm, phát triển bền vững và đặc biệt là phải lấy con người làm trung tâm. Nghề báo là một nghề vất vả, hiểm nguy! Cuộc sống với nhiều lo toan bộn bề đôi lúc làm rối lòng người làm báo, là người gắn bó và tâm huyết nhiều năm với công tác báo chí, bà có những sẻ chia, thông điệp nào để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ làm công tác báo chí nói chung và công tác báo chí đối ngoại nói riêng? Bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều có cơ hội và thách thức, có thuận lợi và khó khăn, có vinh quang nhưng cũng có vất vả, kể cả hiểm nguy. Nhà báo là những “chiến sĩ xung kích” trên mặt trận thông tin tuyên truyền, có sứ mệnh rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam hiện nay. |
Có lẽ, phải cảm nhận được sứ mệnh vinh quang và những đóng góp của của nghề báo cho xã hội, đất nước, người dân thì nhà báo mới có thể vượt qua được những khó khăn của nghề. Tôi luôn luôn nghĩ rằng những khó khăn ấy chỉ là tạm thời, trước mắt, người làm báo nên hướng đến những giá trị lâu bền của những đóng góp cho xã hội và nhân dân. Có ai sẻ chia được những lúc nhà báo thức xuyên đêm đi vào vùng lũ, có những nhà báo đã hy sinh cả tính mạng vì những tác phẩm mang tên mình! Có những nhà báo đã để lại những di sản lớn lao cho xã hội và các thế hệ mai sau. Vinh quang thuộc về những nhà báo chân chính. Một trong những nhà báo vĩ đại ấy của Việt Nam và được thế giới ghi danh là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người là tấm gương sáng “truyền lửa” cho nhiều thế hệ người làm báo. Đó có lẽ cũng là lý do vì sao chúng ta phải luôn luôn, không ngừng học tập, rèn luyện theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, người làm báo chúng ta cũng phải tự rèn luyện để có một bản lĩnh vững vàng, một cái tâm trong sáng với nghề. Sứ mệnh của người làm báo rất quan trọng vì vậy bản lĩnh của người làm báo càng phải vững vàng trước những biến động của thời cuộc, đa áp lực từ bên ngoài… Đảng, Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm hơn, có đầu tư thích đáng cho đội ngũ nhà báo để họ được cống hiến và sống được với nghề! |
Thực hiện: Phương Hằng Thiết kế: Minh Nhật Ảnh: Nguyễn Hồng, Tuấn Mark, Minh Nguyễn... |