TS. Phạm Đình Khuê và các sinh viên Lào và Campuchia trao đổi tại sân trường. (Ảnh: Nguyễn Như Tuấn) |
Cơ duyên khiến tôi được gặp thầy Phạm Đình Khuê (Trưởng Phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội).
Trao đổi với thầy về công tác giảng dạy và đời sống tư tưởng sinh viên trong Trường, thầy nói ngay: “Nội dung Đại hội Đảng XIII nói đúng và trúng lắm.
Mọi năm mình cũng đã chú trọng rồi nhưng năm nay cần quan tâm và đẩy mạnh hơn cái nội dung này: Chú trọng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực; phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh sinh viên; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho sinh viên”.
Qua cách thầy xưng hô với sinh viên, có thể cảm nhận được là thầy coi các sinh viên như con mình.
Nếp sống sinh viên quốc tế
Theo bước chân thầy Khuê, tôi cùng đi thăm khu ký túc xá 5 tầng khá khang trang. Quay sang anh Nguyễn Gia Cát Lượng - phụ trách khu ký túc xá, thầy nhắc nhở: “Đang dịch Covid-19 thế này, thầy thường xuyên nhắc nhở các em sinh viên ăn ở vệ sinh nhé, kẻo dễ lây bệnh”.
Thầy giải thích: “Trước lượng sinh viên nước ngoài theo học tại trường khá đông. Trường dành cả khối tầng riêng cho sinh viên nước ngoài. Nhưng hai năm nay, dịch Covid-19 khiến số sinh viên lưu trú trong KTX cũng ít đi. Trường đang cải tạo lại khu bên đó để các em sinh viên quốc tế và sinh viên nội trú của Việt Nam sinh hoạt cùng khối nhà. Vừa tiện quản lý và các em cũng có thể giao lưu cùng nhau”.
Nói về những tín hiệu lạc quan, giọng thầy Khuê trở nên phấn khởi hơn: “Trong suốt nhiều năm qua, không có sinh viên Việt Nam cũng như sinh viên nước ngoài nào của Trường vi phạm pháp luật. Đặc biệt sinh viên quốc tế học tập tại trường đều tốt nghiệp 100%. Nhiều sinh viên quốc tế còn đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic cơ học, toán học toàn quốc… Đây là điều rất đáng tự hào của các bạn sinh viên nói chung và sinh viên quốc tế đang học tập tại Trường nói riêng”.
Đi một vòng, thầy và tôi ghé thăm phòng các nam sinh viên Campuchia. Thầy bảo, "tôi còn nhớ nơi này trước là của một bạn học toán giỏi lắm đấy nhé. Cậu ấy đã đoạt giải Nhì Olympic cơ học toàn quốc. Các em cũng phải noi gương bạn cố gắng học tập nhé!”.
Nói rồi thầy động viên cả phòng: “Thành phố sắp nới lỏng giãn cách, các trò sẽ sớm trở lại hoạt động bình thường. Cuối năm còn nhiều hoạt động thể thao, các trò chuẩn bị tham gia nhé!”.
Trong phòng các bạn sinh viên Lào, thấy phòng có góc khác lạ, thầy hỏi anh Lượng: “Đây là góc của sinh viên người Mông Cổ phải không? Tới đây, cậu cho sắp xếp cho bạn sinh viên này với bạn sinh viên Mông Cổ mới nhập học ở một phòng riêng nhé. Sinh viên quốc tế có thể ở cùng khối với sinh viên Việt Nam để giao lưu, nhưng mỗi quốc gia cũng có những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng riêng, có điều kiện mình nên sắp xếp cho các em có phòng riêng nhé”.
Tâm tư của các thầy cô
Thầy Khuê chia sẻ thêm: “Tôi rất tự hào được công tác dưới mái trường này. Tiền thân là Ban Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc, Trường được hình thành vào năm 1926 tại Hà Nội. Qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, trường được đổi tên và vị trí nhiều lần trước khi được chính thức thành lập theo Quyết định số 426/TTg ngày 17/09/1969 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trường trực thuộc Bộ Xây dựng Việt Nam”.
Về công tác ở trường từ những năm 90 của thế kỷ trước, thầy Khuê trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, từ giảng viên phụ trách giảng dạy môn triết học, chủ nhiệm bộ môn Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx–Lenin, Phó Trưởng khoa Lý luận Chính trị. Từ năm 2013 đến nay, thầy công tác tại Phòng Chính trị và Công tác sinh viên.
Thầy nói: “Khi đảm nhiệm vị trí này tôi biết rằng trách nhiệm rất nặng nề, nhưng đi đôi với đó là niềm tự hào và trách nhiệm với sinh quốc tế, cũng như sinh viên Việt Nam. Đặc biệt trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, theo chủ trương của Đại hội Đảng XIII là hợp tác quốc tế được tăng cường theo hướng chủ động, tích cực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục, cũng như yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của đất nước”.
Thầy Khuê trao đổi với một sinh viên Lào. (Ảnh: Nguyễn Như Tuấn) |
Hiện Đại học Kiến trúc Hà Nội đang hợp tác với các trường đại học lớn trên thế giới như Đại học Adelaide (Australia); Đại học Nottingham (Anh quốc); Đại học Kiến trúc Toulouse (Pháp); Đại học Kitakyushu (Nhật Bản); Viện Công nghệ Muroran (Nhật Bản); Đại học Catholic University of America (Mỹ).
Khá bận rộn khi đảm nhiệm cả “hai vai”, vừa lên lớp, vừa phải quản lý sinh viên, thầy Khuê chia sẻ: “Thực chất hai nhiệm vụ này có mối quan hệ biện chứng với nhau, dù với tư cách người thầy hay người quản lý đều phải có trong môi trường giáo dục".
Theo thầy Khuê, người thầy luôn phải là tấm gương học tập suốt đời, và ngày nay việc “học suốt đời” đã trở thành thực tế. Các tiến bộ công nghệ cho phép mọi người có điều kiện để học cái mà mình yêu thích nhất ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Thứ nữa, đã là người thầy lại kiêm thêm công tác quản lý sinh viên thì phải là nhà giáo dục thực sự chuyên nghiệp, và giáo dưỡng cho sinh viên đi theo con đường đúng đắn nhất.
Bên cạnh đó, người thầy hay nhà quản lý sinh viên thì phải luôn: “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo”, mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn luyện, là “kiến trúc sư trí tuệ” tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước”.
Thầy bộc bạch: “Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, rất xúc động khi cả bốn bạn sinh viên Lào đã viết đơn tình nguyện đóng góp sức mình cho công tác phòng chống dịch.
Tôi có khuyên các em cứ học tập tốt là chúng tôi vui lắm rồi, nhưng các em khăng khăng xin được tham gia. Vậy là các em đã cùng các sinh viên Việt Nam tham gia các hoạt động thiện nguyện, cả hiến máu nữa... Những trải nghiệm đó giúp các em trưởng thành, bạo dạn và năng động hơn”, thầy kể.
Thấy mấy sinh viên Campuchia đang có vẻ mong muốn gặp thầy, thầy ân cần hỏi: “Các em có nguyện vọng gì thì đề đạt thầy xem?”.
Cậu sinh viên cười: “Chúng em xin thầy đề xuất với nhà trường giúp, môn ngoại ngữ tiếng Anh của sinh viên quốc tế chúng em có thể thay bằng môn tiếng Việt được không ạ?”.
Thầy giả giọng nghiêm: “Sinh viên quốc tế là phải bình đẳng như nhau. Mà tiếng Anh rất cần thiết cho việc học cũng như công việc sau này. Nhưng các em muốn học giỏi cả tiếng Việt thì thầy sẽ suy nghĩ thêm rồi đề nghị với Ban Giám hiệu và sẽ trả lời các em sau nhé!”.
Với các sinh viên, thầy Khuê là vậy đấy. Vừa nghiêm khắc, vừa thân thiết như bạn bè.
Thầy nói: “Tôi muốn các em sinh viên cảm nhận được sự yêu thương, chân thành như khi ở nhà. Các em, dù ở nước nào khi đến học, đều được động viên để học tập tốt, sau này trở về đóng góp cho quê hương”.