Nhỏ Bình thường Lớn

Người thợ rèn tạc chân dung Bác Hồ

Ở Bảo tàng Nghệ An, khách tham quan thường dành sự chú ý đặc biệt cho bức chân dung Bác Hồ được đặt ngay ngắn trên kệ của kho lưu trữ. Ít ai biết phía sau đó là cả một câu chuyện dài về tình cảm của người đã tạc nên kiệt tác đó.  
TIN LIÊN QUAN
nguoi tho ren tac chan dung bac ho Ngôi nhà sàn của Bác Hồ đã ra đời như thế nào?
nguoi tho ren tac chan dung bac ho Nhạc sĩ Thuận Yến: “Bác Hồ-nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn”

Theo cán bộ Bảo tàng thì đây là bức chân dung Bác Hồ được một người thợ rèn của Nhà máy cơ khí Vinh thực hiện. Bức chân dung Bác Hồ được gò nổi trên tấm nhôm, toát lên thần thái của vị Cha già dân tộc, cương nghị nhưng trìu mến, thân thương. Phía dưới bức chân dung là dòng chữ “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” cũng được gò nổi. Tên Nhà máy cơ khí Vinh và tên người thực hiện, anh thợ rèn Nguyễn Công Phi được khắc chìm.

Nhìn ngắm tác phẩm điêu khắc ấy, không khó để cảm nhận được sự nâng niu, tâm sức và trí tuệ qua mỗi đường nét để bật lên thần thái của Bác Hồ. Ngày nay, ở Công ty CP cơ khí Vinh (Nhà máy cơ khí Vinh ngày trước), nhắc đến cái tên thợ rèn Nguyễn Công Phi, hay người thợ rèn đã gò nên Bác Hồ thì ai nấy đều biết. Mặc dù, người thợ tài hoa ấy đã không còn.

nguoi tho ren tac chan dung bac ho
Tác phẩm Chân dung Hồ Chủ tịch của ông Nguyễn Công Phi.

Bà Nguyễn Thị Toàn – vợ ông Nguyễn Công Phi cho biết: Ông Nguyễn Công Phi (SN 1947) làm việc ở tổ rèn của Nhà máy cơ khí Vinh. Bức chân dung Bác Hồ được ông thực hiện khi Nhà máy cơ khí Vinh sơ tán về Thanh Chương (Nghệ An) để tránh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngày 2/9/1969, Bác Hồ qua đời. Nhiều cuộc thi đua được phát động để biến đau thương thành hành động cách mạng, sớm giành độc lập dân tộc như Bác Hồ hằng mong mỏi. Sự mất mát vô cùng to lớn đó của dân tộc Việt Nam đã khiến người thợ rèn trẻ tuổi Nguyễn Công Phi nảy ra ý tưởng khắc họa chân dung Người.

Ông nói với bà Toàn (khi đó mới là người yêu): “Anh phải làm cái gì đó để tỏ lòng kính yêu đối với Hồ Chủ tịch. Anh sẽ khắc chân dung Bác Hồ lên tấm nhôm…”. Nói là làm, ông Phi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Sau những giờ sản xuất ở xưởng, ông Phi lại bắt tay vào thực hiện tâm nguyện của mình.

Lúc sinh thời, Hồ Chủ tịch không muốn ai tạc tượng mình. Với đức tính khiêm tốn, Người luôn tránh nói về mình. Lúc sinh thời chưa một nhà điêu khắc nào được Bác cho tạc tượng, Bác bảo: Hãy nặn tượng đồng bào, chiến sĩ, thanh niên, thiếu niên anh hùng… Kể từ khi Bác Hồ qua đời, có nhiều người đã vẽ hay tạc tượng Bác Hồ, nhưng chưa có ai gò chân dung người trên chất liệu nhôm. Gò vốn là một thao tác vô cùng khó, gò chân dung một người mình chưa từng được gặp lại càng khó khăn đối với thợ rèn Nguyễn Công Phi.

Ngắm thật kỹ bức ảnh chân dung Hồ Chủ tịch, ông Phi khắc từng đường nét vào trí não, đo đạc, phân chia tỷ lệ trên tấm nhôm để tác phẩm giống bức ảnh gốc nhiều nhất có thể. Chân dung Hồ Chủ tịch không chỉ là một tác phẩm đặc biệt, mà nó còn vô cùng thiêng liêng nên anh thợ rèn không thể đặt tấm nhôm xuống đất trong khi tác nghiệp vì như thế là bất kính với vị Cha già của dân tộc. Chính vì vậy, ông phải dựng tấm nhôm lên rồi cần mẫn, tay búa, tay đục “gò” từng nét cho đến khi bức chân dung hoàn thành.

Khi bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu tiên hoàn thành, ai cũng kinh ngạc vì nó giống Bác Hồ quá. Sau nhiều tháng, 3 bức chân dung Bác Hồ được gò trên những mảnh nhôm đã được hoàn thành. Bà Toàn còn nhớ, khi đó, cả hai mới kết hôn. Cuộc sống thời điểm đó còn nhiều khó khăn nhưng khi được lãnh đạo nhà máy thưởng 800 đồng khi hoàn thành 3 bức chân dung Bác Hồ, ông Phi đã xin đóng góp để xây dựng nhà trẻ cho con em công nhân của nhà máy.

Theo anh Nguyễn Công Sơn – con trai cả của ông Nguyễn Công Phi thì một trong ba bức chân dung Hồ Chủ tịch được cha anh thực hiện được tặng cho nước Cuba anh em. Một bức khác được tặng cho Liên Xô (cũ). Bức còn lại đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.

Sau 3 bức chân dung Bác Hồ, anh thợ rèn Nguyễn Công Phi tiếp tục thực hiện nhiều tác phẩm điêu khắc khác, phản ánh cuộc sống, chiến đấu và lao động của nhân dân Việt Nam.

Chỉ tiếc là, do bệnh nặng, ông đã qua đời khi còn quá trẻ, để lại sự tiếc thương vô hạn cho gia đình và những người thân yêu. Thế nhưng, những câu chuyện về ông, những tác phẩm ra đời từ tâm huyết, trí tuệ và tinh thần yêu nước cháy bỏng của người thợ rèn Nguyễn Công Phi thì như còn mãi. Nó được truyền lại từ thế hệ này, qua thế hệ khác ở Nghệ An – nơi đang lưu giữ kiệt tác để đời của ông: Bức chân dung Bác Hồ.

nguoi tho ren tac chan dung bac ho Nhớ mãi 7 lần được gặp Bác

Dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết, tổ 23 phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhớ mãi những lần được gặp ...

nguoi tho ren tac chan dung bac ho Ước mơ không có tuổi

Hơn 60 năm sống ở Pháp, nhưng mỗi khi nhớ về quê, dược sĩ Thẩm Thị Hồng Anh lại nhắc đến một kỷ niệm lớn ...

nguoi tho ren tac chan dung bac ho Bác Hồ trong tim những người con xa xứ

Đối với những kiều bào mà tôi đã từng gặp gỡ, tiếp xúc, khi hỏi chuyện về tình cảm của họ với Hồ Chủ tịch, ...

Minh Thùy