Ông bà Hồng Anh - Thành Khôi tại triển lãm tranh cá nhân ở Paris. |
Bà Hồng Anh vốn là con gái Tràng An, sang Pháp du học từ trước những năm 1950. Bà học ngành dược theo truyền thống của gia đình vì cha của bà vốn là một dược sĩ danh tiếng, có cửa hàng thuốc nằm ngay trên phố Cửa Nam. “Ba tôi là dược sĩ Thẩm Hoàng Tín, mà những người Hà Nội xưa chắc rất nhiều người biết đến”, bà nói.
Trong quá trình học tập và sinh sống tại Paris, bà đã gặp ông Lê Thành Khôi, một trí thức nổi tiếng trong giới trí thức Việt kiều hải ngoại và hai người đã nên vợ nên chồng.
Dù sống xa quê hơn nửa thế kỷ, nhưng ông bà Hồng Anh – Thành Khôi đều luôn dạy các con cháu yêu quý và nhớ tới quê hương nguồn cội. Ba người con của ông bà đều thành đạt. Con trai cả, nhạc sĩ Lê Hồng Nguyên là một cây guitar và nhạc jazz tài hoa. Nguyên từng chơi trong ban nhạc quốc gia Pháp và đã được mời về biểu diễn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, Nguyên thành lập ban nhạc World Music, tập hợp thành viên gồm các nhạc sĩ trẻ đến từ nhiều nước. Họ tập những bài như Qua cầu gió bay, Lý ngựa ô, chuyển thể vào nhạc jazz, và đã đi biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới. Con gái của ông bà, bác sĩ Lê Thị Hương Dung, cũng đã về nước giảng dạy nâng cao chuyên môn cho các bác sĩ từng sang nghiên cứu tại Pháp. Còn cô con gái út Lê Thị Vân Giang thích ở nhà chăm sóc bố mẹ và con cái hơn.
Theo bà Hồng Anh, cuộc sống cũng không đơn giản. “Khó khăn là chúng tôi sống tại Pháp, nuôi dạy con cái trong cả hai nền văn hóa Âu Á, sao cho phải “gạn đục, khơi trong”, giữ được cái tốt và loại bỏ cái xấu của mỗi cộng đồng. Tôi hơi buồn một chút vì các con chỉ hiểu được tiếng Việt và nói được chút ít. Còn các cháu nội, cháu ngoại thì rất thích Việt Nam nhưng lại không nói được tiếng Việt”. Cả hai ông bà rất hay về Việt Nam “vì chồng tôi phải về nước liên tục để khảo cứu, bổ trợ cho các tác phẩm của mình”, bà nói.
Mới đây, ông bà Hồng Anh - Thành Khôi tổ chức một triển lãm tranh cá nhân của bà tại nhà hàng Tổ ấm Việt Nam. Bà bộc bạch: “Tôi ham hội họa từ nhỏ, nhưng do công việc chuyên môn, rồi bận bịu con cái, đến nay về già, tôi mới thực hiện được ước mơ của mình…”.
Tranh của bà Hồng Anh là sự pha trộn giữa thể loại cổ điển và trừu tượng, những bức tranh thuỷ mặc. “Tranh trừu tượng có phạm vi hoạt động rộng hơn. Tôi hồi đầu có hai người thầy: một Trung Quốc và một Triều Tiên. Sau đó, tôi chuyển sang trừu tượng, vẽ trên giấy Trung Quốc, bằng mực Tàu, bút lông”.
Xa quê lâu rồi, nhưng tình cảm hướng về Việt Nam vẫn rất nồng nàn trong gia đình bà. “Chúng tôi thường xuyên ăn cơm Việt Nam. Tôi thích nhất vẫn là bún thang, bún chả”. Kỷ niệm sâu sắc nhất đã ghi khắc trong tim bà và chưa bao giờ phai mờ là “lần tôi được dự Lễ Quốc khánh, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn sâu đậm trong tôi”.
Hoàng Hà(từ Paris)