ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, người trẻ cần kỹ năng làm việc trong môi trường số. (Nguồn: Quốc hội) |
Trong kỷ nguyên số, người trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng đi đôi là rất nhiều thách thức.
Trước tiên nói về cơ hội, công nghệ số ra đời là bước tiến vĩ đại của nhân loại. Ứng dụng kỹ thuật số có mặt trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Người trẻ Việt có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với những thành tựu kỷ nguyên số một cách nhanh chóng.
Ưu thế của tuổi trẻ là sự nhanh nhạy với cái mới, tinh thần ham học hỏi, say mê khám phá. Ứng dụng kỹ thuật số đã giúp cuộc sống của người trẻ tiến bộ, văn minh rất nhiều so với thế hệ cha anh chỉ trước một, hai thập niên. Người trẻ có nhiều cơ hội học tập, làm việc, sáng tạo nhờ những ứng dụng số rất hiện đại.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất trong kỷ nguyên số là việc những máy móc tinh vi ra đời có thể khiến hàng loạt người lao động mất việc làm. Ưu thế lực lượng lao động trẻ, dồi dào với tiền công rẻ của Việt Nam từ giai đoạn trước đã "biến mất" trong giai đoạn này, khi công nghệ số lên ngôi. Nếu không nỗ lực học tập, nâng cao trình độ thì người trẻ Việt Nam rất khó bắt kịp với nhịp độ, tốc độ toàn cầu.
Thực tế cho thấy, lao động Việt Nam vẫn có những thiếu hụt về kỹ năng và năng suất khi làm việc trong môi trường hiện đại. Tác phong công nghiệp của lao động Việt Nam chưa cao, sự thích ứng với những môi trường hiện đại còn kém.
Thậm chí, nhiều người trẻ còn lười, chưa tự giác, chủ động trong việc học tập, nghiên cứu. Những ứng dụng công nghệ số còn bị lãng phí khi rất nhiều người trẻ chỉ dùng để giải trí. Cho nên, người trẻ cần sẵn sàng trong tâm thế hội nhập quốc tế; nỗ lực nhiều hơn nữa trong học tập, lao động và nghiên cứu.
Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là điều tất yếu. Nhiều người đặt câu hỏi cần làm gì để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, hội nhập quốc tế thành công?
Theo tôi, để hội nhập quốc tế thành công, yếu tố quan trọng nhất là con người, sau đó đến các điều kiện hạ tầng khác. Về con người, trước tiên chúng ta phải có đội ngũ những công dân sẵn sàng cho hội nhập. Để sẵn sàng cho hội nhập, từ tư duy của cho đến hành trang kiến thức là rất quan trọng.
Hiện tại, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là thách thức đối với Việt Nam. Năng suất lao động bình quân của chúng ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Số lao động được đào tạo chưa nhiều. Lao động chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia còn thiếu hụt. Chất lượng giáo dục đại học chưa được nâng cao như kỳ vọng... Đây cũng chính là bước cản trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng như quá trình hội nhập của Việt Nam.
Cho nên, để hội nhập quốc tế thành công, trước tiên cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục ý thức hội nhập cho mỗi công dân, đặc biệt là những người trẻ. Phải nhấn mạnh đây là xu hướng tất yếu, là sứ mệnh, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân, từ đó khuyến khích người dân nỗ lực học tập suốt đời.
Việc tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đi đôi với chế độ thu hút, đãi ngộ xứng đáng với nhân tài cũng là động lực đáng kể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục cần được nghiên cứu và tính toán kỹ để đạt được hiệu quả cao nhất trong bối cảnh ngân sách quốc gia còn hạn hẹp.
Từ tầm quan trọng của giáo dục đối với sự hưng thịnh của quốc gia, việc tăng cường trao đổi học hỏi các quốc gia về giáo dục thế hệ trẻ hội nhập quốc tế đóng vai trò như một "đòn bẩy" để phát triển giáo dục trong nước và xây dựng một thế hệ trẻ năng động, hội nhập, giỏi giang.
Vừa qua, việc Việt Nam có thêm các thành phố gia nhập mạng lưới "thành phố học tập toàn cầu UNESCO" (GLNC) đã thể hiện rõ quyết tâm đó. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 5 thành phố được UNESCO công nhận là "thành phố học tập toàn cầu" trong mạng lưới 356 thành phố của các quốc gia trên toàn thế giới đạt được danh hiệu này.
Giáo dục, trong đó hoạt động học tập là cốt lõi, luôn được xác định là quốc sách hàng đầu. Đất nước có hưng thịnh hay không phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực học tập của mỗi công dân. Trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc kết nối với mạng lưới giáo dục toàn cầu mang ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển giáo dục và thúc đẩy ý thức học tập suốt đời của người dân.
Như vậy, việc Việt Nam có thêm ngày càng nhiều các thành phố gia nhập mạng lưới này đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển đô thị bền vững và năng động. Điều đó cũng cho thấy, chúng ta đã rất sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trong mọi lĩnh vực.
Sự kiện này cũng mở ra cơ hội rất lớn cho các thành phố trong việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói riêng và mọi lĩnh vực hợp tác phát triển nói chung. Việc tạo điều kiện cho người dân có cơ hội thuận lợi để học tập suốt đời ở các thành phố này sẽ tạo nên "sức bật" mới cho các thành phố nói riêng và cả quốc gia nói chung.