📞

Người trở về sau hai lần truy điệu

08:00 | 27/07/2016
Đại tá Nguyễn Văn Nhã đã dành trọn cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Nhưng cao cả hơn, khi trở về với gia đình trong thời bình, để gìn giữ hạnh phúc mới của người bạn đời, ông sẵn sàng hy sinh tình cảm riêng tư của mình để “trước sau vẹn toàn” như ông viết trong bài thơ “Ngày về”…

Ông chào đón tôi bằng nụ cười hiền, giản dị và mộc mạc với bộ quần áo cũ. Thầy giáo, người lính, nhà nghiên cứu khoa học Nguyễn Văn Nhã, với ông gọi thế nào cũng đúng, ở lĩnh vực nào ông đều xuất sắc.

Ông bộc bạch về những cuốn sách mà mình cùng đứng tên. Tôi hiểu ở ông không chỉ phảng phất sự kiên trung của người lính xưa mà còn vọng niềm đam mê của một người nghiên cứu khoa học.

Ông lật từng trang sách và chậm rãi kể câu chuyện về cuộc đời mình...

Người thầy giáo chiến sĩ

Giữa năm 1972, theo lệnh tổng động viên, thầy giáo Lịch sử Nguyễn Văn Nhã của trường cấp 3 Tân Trào (Thị xã Tuyên Quang lúc bấy giờ) lên đường nhập ngũ. Với ông, khi khoác lên mình màu áo lính là bước ngoặt của cuộc đời.

Ba tháng huấn luyện tân binh, đơn vị bắt đầu hành quân vào chiến trường. Sau 30 ngày ròng rã băng rừng, lội suối trong mùa mưa, vượt qua bao trọng điểm đánh phá ác liệt, tiểu đoàn tân binh 66 tới địa điểm tập kết tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trên đất Lào.

Năm 1998, ông nhận quyết định về Trung tâm UNESCO Lịch sử và Văn hóa Việt Nam làm phụ trách công tác nghiên cứu biên soạn, biên tập các công trình Lịch sử, Địa chí, Văn hóa liên quan đến mảng Quân sự Quốc phòng. Từ đó đến nay, ông đã cùng tham gia viết Địa chí 13 tỉnh. Ông được nhận Huy chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trao tặng năm 2002.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Nhã háo hức với nhiệm vụ mới - người chiến sĩ xe tăng. 30 chiến sĩ mới cùng đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ chiến dịch. Các chiến sĩ luân phiên mỗi người vác một bao gạo 50kg trên đoạn đường dài khoảng 6km qua dốc cao, bãi lầy. Không ai còn đôi giầy nào nguyên vẹn, những đôi chân bắt đầu sây sát, rớm máu. Toàn thân các anh lính trẻ đau ê ẩm. Mỗi lần vượt dốc thở không ra hơi, mắt thấy cả hoa cà hoa cải, chân tay run lẩy bẩy, mồ hôi tuôn ra…

Dọc đường đi, từ sáng đến tối lúc nào trên bầu trời cũng có máy bay trinh sát quần đảo sẵn sàng chỉ điểm cho máy bay phản lực đến bắn phá, ném bom. Trong gian khổ hiểm nguy như vậy nhưng mấy trăm chiến sĩ trẻ vẫn gùi trên lưng, trên vai những bao gạo, cần mẫn lần lượt tới đích.

Ông dừng lại đôi chút, nhấp ngụm trà mạn rồi tiếp tục kể về cái ngày không thể nào quên -ngày 17/9/1972. Từng tốp F4 gầm rú lao xuống, cắt bom khiến cho vòm trời như bị chọc thủng. Mặt đất hết lần này đến lần khác rung chuyển bởi những loạt bom bi, bom tấn. Những chùm bom sát thương, bom phá cứ thế từng đợt bao trùm lấy đội hình đoàn quân. 17 chiến sĩ bị thương và hy sinh. Anh em trong đơn vị đưa những đồng đội hy sinh đến nơi yên nghỉ ở một sườn đồi bên rừng thoáng gió, đặt lên mộ các anh những bó hoa rừng, rồi trở về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ.

Hai lần cận kề cái chết

Sau đó, người chiến sĩ Nguyễn Văn Nhã được biên chế về trung đội thông tin của tiểu đoàn tăng thiết giáp 195. Ông vẫn nhớ sáng 25/10/1972 ấy. Ông cùng với tiểu đội trưởng tiểu đội thông tin hữu tuyến Lê Đình Đến được chính trị viên phó tiểu đoàn 195 giao nhiệm vụ: Mỗi người mang một bản đồ tác chiến, bằng mọi cách phải đến được Phu Tâng trước 18 giờ cùng ngày để giao cho tiểu đoàn phó tiểu đoàn 195. Khi nhận nhiệm vụ này, đơn vị đã làm lễ truy điệu trước cho hai người.

Đại tá Nguyễn Văn Nhã (hàng đầu, thứ ba từ trái sang) cùng đồng đội thăm lại Cánh đồng Chum, Xiengkhuang, Lào tháng 10/2015.

Đến trọng điểm từ Khang Khay đến Phu Tâng, cả ngày không lúc nào vắng bóng máy bay trinh sát. Đến khoảng nửa đoạn “đường chết”, từng tốp F4 lao tới gầm rít, bom xoèn xoẹt ngay trên đầu, những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Khi bóng tối vừa buông xuống, hai người đến nơi tập kết, hoàn thành nhiệm vụ. Với ông, “bữa cơm tối hôm ấy thanh thản, ngon miệng đến lạ thường”.

Cuối tháng 12/1972, tại khu vực Bản Quay (Tây Bắc Phu Tâng), một quả bom phá nổ rất gần, sóng xung kích làm ông bất tỉnh, đất đá phủ đầy người, máu mồm trào ra. Ông được đưa về tuyến sau và tưởng đã hy sinh. Sau mấy ngày cấp cứu, ông tỉnh lại và được điều trị một thời gian khá dài tại Bệnh viện Quân y tiền phương 139 của Mặt trận miền Tây. Khi trở về đơn vị, ông mới biết đơn vị đã lần thứ hai làm lễ truy điệu cho mình.

Tin chiến sĩ Nguyễn Văn Nhã hy sinh về đến quê hương ông tại Nghĩa Hòa, Lạng Giang, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Thương người con dâu trẻ sớm thành quả phụ, phải một mình bươn chải nuôi cô con gái nhỏ, bố mẹ ông đã đồng ý để vợ ông đi bước nữa.

“Ngày về vợ đã lấy chồng”

Mãi sau đại thắng 30/4/1975, ông mới được về thăm gia đình. Với một người đã được coi là liệt sĩ, nay trở về, sau phút ngỡ ngàng, vui sướng của cha mẹ, anh em họ hàng là “sự khó xử” về chuyện vợ con. Nhớ lại, đôi mắt sâu hoắm rơi hai hàng lệ, ông xúc động kể lại giây phút đó, khi đứa con riêng của vợ với người chồng mới đưa tay ra đòi ông bế. Cuộc gặp gỡ lặng lẽ giữa ba người.

Ông nói với vợ: “Tôi biết mọi chuyện rồi. Không ai có lỗi cả, lỗi là ở chiến tranh”. Rồi ông quay ra nói với người đàn ông của vợ: “Nếu cô ấy muốn ở với tôi, anh phải nhường. Còn nếu cô ấy muốn ở với anh, tôi cũng phải nhường”. Người phụ nữ ấy đã hỏi: “Thế anh sẽ về ngành giáo dục hay lại tiếp tục ra đi?”. Sau khi biết ông sẽ trở về đơn vị, người phụ nữ ấy quyết định rời xa ông mãi mãi.

Ngay sau đó, ông viết bài thơ “Ngày về” năm 1976:

“Ngày về vợ đã lấy chồng/ Đường quê dài quá mênh mông gió lùa/ Tàu cau khô rụng vườn trưa/ Dây trầu heo hắt leo vừa thân cau/ Nhà em một mái tranh nghèo/ Nuôi con thơ dại gieo neo năm trường/ Anh đi gìn giữ quê hương/ Mấy lần truy điệu ngày về còn đau/ Còn đau thì mặc còn đau/ Hoàn thành nhiệm vụ trước sau vẹn toàn”

Đại tá Nguyễn Văn Nhã, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cùng tham gia viết 52 cuốn sách, trong đó phải kể đến cuốn: “Tóm tắt các chiến dịch trong Kháng chiến chống Pháp 1945 -1954” và “Tóm tắt các chiến dịch trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) là Bộ sách đầu tiên do người của bộ môn Lịch sử nghệ thuật quân sự viết ra sau 19 năm thành lập bộ môn. Đặc biệt, cuốn Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam/Nhiều tác giả, xuất bản năm 2015 là tâm huyết lớn nhất của ông. Ông đóng góp 98 mục trên tổng số 887 mục của cuốn sách.

Kí ức chiến tranh đã lùi xa, câu chuyện về sự hy sinh thầm lặng của người ở mặt trận cho đến người ở hậu phương để làm nên chiến thắng bình thường, dung dị nhưng rất nhân bản và luôn hiện hữu ở đâu đó trong xã hội. Tôi - một người trẻ trân quý ông, ngoài 70 tuổi vẫn ngày ngày cần mẫn viết sách với hy vọng:“Tôi viết như một người thợ và muốn thế hệ trẻ bây giờ nhìn vào để đừng quên Lịch sử”.

Tôi để ý mỗi khi nhắc đến những trận đánh, đến sự hy sinh của đồng đội, ông lại rơm rớm nước mắt. Ông bảo cả đời này không thể nào quên giây phút đặt lên mộ đồng đội những đóa hoa rừng đơn sơ rồi tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhớ đến hình ảnh 36 chiếc ba lô gửi về quê mẹ của 36 đồng đội hy sinh, với ông đó là những nỗi đau thầm lặng không nói nên lời…

Ông cũng nhận được sự đền đáp của cuộc đời khi gặp người vợ hiện tại, là một bác sĩ và có thêm hai đứa con đều thành đạt. “Tôi thấy cuộc đời mình đã được nhiều may mắn, cái may mắn lớn nhất là đã qua nhiều lần cận kề cái chết và đã hai lần được truy điệu ở chiến trường mà vẫn được sống trở về. Tuy chưa dư giả tiền bạc nhưng tôi hài lòng với cuộc sống của mình - cuộc sống lao động, chiến đấu và công tác của một người hết mình vì nghĩa vụ, dẫu “hưu nhưng không quạnh”, Đại tá Nguyễn Văn Nhã chia sẻ.

(ghi)