📞

Người Trung Quốc trút giận vào hàng Hàn, vì THAAD

17:57 | 24/03/2017
“Không THAAD! Hãy tẩy chay hàng hoá của Hàn Quốc!" những dòng người phản đối tại Trung Quốc đã không ngần ngại thể hiện rõ thái độ của mình.

Sự giận dữ của người Trung Quốc đối với Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã kéo dài từ hồi tháng 2, ngay sau khi Tập đoàn này đồng ý giao đất cho Chính phủ Hàn Quốc để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc. Hãng tin Yonhap mới đây dẫn tin từ Lotte cho biết, 79 trên tổng số 99 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng và siêu thị của Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa, dẫn đến thiệt hại nặng về doanh thu. Diễn biến này hiện đã gây tâm lý hoang mang cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang kinh doanh tại Trung Quốc.

Lotte cũng không phải là nạn nhân duy nhất trong mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Seoul. Nhiều công ty Hàn Quốc hoạt động tại Trung Quốc đã bị tấn công mạng, trong khi Bắc Kinh hiện vẫn đang tìm cách gia tăng áp lực lên các công ty Hàn Quốc, trong đó có cả các hãng điện tử khổng lồ như Samsung và LG…

79 trên tổng số 99 cửa hàng trong chuỗi cửa hàng và siêu thị của Lotte ở Trung Quốc đã bị đóng cửa. (Nguồn: AFP)

Gần đây, nhà chức trách Trung Quốc còn từ chối cấp thị thực cho các ngôi sao KPop, hủy chiếu phim truyền hình Hàn Quốc và yêu cầu các công ty lữ hành không bán tour du lịch liên quan đến Hàn Quốc. Hiện giờ, trên trang web của các công ty du lịch nổi tiếng như Ctrip và Tuniu, tìm kiếm với từ khóa “tour du lịch Hàn Quốc” không cho ra kết quả nào. Đại diện của Tuniu cho biết công ty này đã cho gỡ tất các sản phẩm du lịch liên quan tới Hàn Quốc bởi lượng khách đã giảm mạnh sau thỏa thuận THAAD.

Các biện pháp phản đối này sẽ khiến kinh tế Hàn Quốc thiệt hại không nhỏ. Theo Tổ chức Du lịch Hàn Quốc, du khách Trung Quốc chiếm tới một nửa tổng du khách tới nước này trong năm 2016. Theo Credit Suisse, tình trạng hiện nay có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP của nước này sụt tới 20%. Hiện, kinh tế Hàn Quốc đang được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5% năm 2017.

Theo Yonhap, tâm lý bài Hàn đã lan rộng tới cả các lĩnh vực khác. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Bắc Kinh đã phải ra thông báo khuyến cáo công dân nước này giữ an toàn nếu có ý định đi du lịch hoặc đi cổ vũ đội tuyển bóng đá quốc gia, sắp thi đấu Vòng loại World Cup 2018 với Trung Quốc. Trong đó, nhiều từ ngữ đặc biệt đã được sử dụng như: “chú ý giữ gìn”, “đặc biệt tránh xảy ra va chạm không cần thiết với người Trung Quốc“...

Các Trung tâm thương mại Lotte tại Trung Quốc còn mở cửa đều vắng khách. (Nguồn: Scmp)

Ngoài việc lưu ý các cổ động viên của mình cần liên hệ với cơ quan cảnh sát gần nhất, hoặc với giới chức Hàn Quốc ở Trung Quốc để được hỗ trợ khi cần thiết, Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc (KFA) đã yêu cầu phía Trung Quốc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trận đấu. Đáp lại, giới chức thể thao Hunan đã ban hành những hướng dẫn đối với cổ động viên Trung Quốc về văn hoá cổ vũ bóng đá, cũng như việc kiềm chế sử dụng các lời lẽ quá khích khi cổ vũ trận bóng với Hàn Quốc.

Dữ liệu xuất khẩu tháng 2 của Hàn Quốc sang Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của nước này, đã có mức tăng trưởng tốt nhất kể từ cuối năm 2010. Ngược lại, các nhà kinh tế cho rằng, vấn đề THAAD sẽ không gây ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Trung Quốc trong ngắn hạn, vì phần lớn các lô hàng là hàng hóa trung gian sử dụng để chế tạo thành phẩm và xuất khẩu sang các nước khác.

Năm 2016, khi quan hệ ngoại giao Trung – Nhật căng thẳng bởi vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, hàng hóa và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng từng vấp phải làn sóng tẩy chay, đập phá rất mạnh từ người Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, lần này, cơn giận dữ của quốc gia đông dân nhất thế giới có thể còn kéo dài lâu hơn, trong bối cảnh Hàn Quốc đang chìm trong bê bối chính trị với sự kiện Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất hồi đầu tháng 3. Tổng thống mới của Hàn Quốc sẽ được bầu vào tháng 5.

(theo Forbes, Yonhap)