📞

Người truyền cảm hứng cho học trò khám phá tri thức ở Điện Biên

Hồng Hạnh 10:09 | 04/05/2024
Baoquocte.vn. Với quan điểm “Cảm hứng là điều quan trọng cốt lõi giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng, say mê với môn học, đồng thời có thể rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh”. Chính vì vậy, thầy Trần Mạnh Hồng, giáo viên dạy môn Vật lý của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên đã từng bước thay đổi từ phương pháp dạy, lan tỏa tình yêu môn Vật lý tới học sinh.

Giờ học Vật lý với các thiết bị thu, phát sóng điện từ mà thầy Hồng và các em học sinh sáng chế. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Mỗi tiết học là những điều mới mẻ

Để thực hiện ước mơ từ nhỏ được trở thành thầy giáo gắn bó với phấn trắng bảng đen nên sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thầy giáo Trần Mạnh Hồng đã đăng kí và thi đỗ chuyên ngành Vật lý của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.

Ra trường năm 2000, thầy Hồng được phân công giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu (nay là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên), một ngôi trường với bề dày truyền thống và là điểm sáng của giáo dục dân tộc ở tỉnh Điện Biên.

Niềm đam mê với bộ môn Vật lý đã được thầy Hồng lan tỏa đến các em học sinh ngay từ những ngày đầu đứng lớp với nhiều bài giảng hay, tiết học thú vị gắn Vật lý với cuộc sống. Mỗi tiết học của Thầy đều mang đến cho học trò những điều mới mẻ về cách tiếp cận kiến thức, vấn đề bài học bằng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh. Chính điều đó đã lan tỏa tình yêu với môn Vật lý của thầy tới học sinh vốn luôn quan niệm đây là môn học “khó nhằn và khô khan”.

Thầy Hồng chia sẻ: “Vật lý là môn học hay, bổ ích nhưng nó lại vô cùng trừu tượng. Vật lý giúp chúng ta khám phá những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, giải thích được nhiều điều bí ẩn. Vật lý ở xung quanh chúng ta và ứng dụng nhiều trong đời sống. Tuy quan trọng như vậy nhưng không phải ai cũng nhận thức được điều đó đặc biệt là học sinh, rất nhiều em khi tiếp cận với môn học thường hay sợ vì kiến thức nhiều, khó, khô khan…

Có thể nói là môn tự nhiên nhưng Vật lý tương đối nhiều lý thuyết, công thức, nhiều kiến thức gắn liền với các hiện tượng tự nhiên, ứng dụng thực tiễn. Nếu không nắm chắc và hiểu các hiện tượng, tư duy tốt thì khó có thể giải quyết vấn đề trọn vẹn, chính vì vậy mà có lẽ nhiều học sinh sợ học môn này”.

Trong những năm gần đây theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra nhiều thách thức mới với người thầy. Theo đó, thầy cô chính là người truyền cảm hứng cho học trò khám phá tri thức, rèn luyện kĩ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực, tạo không gian học tập an toàn, gần gũi, vui vẻ, phát huy năng lực, khả năng sáng tạo của học sinh.

Như vậy, mỗi thầy cô phải không ngừng thay đổi để phù hợp, chịu khó học hỏi nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học thì mới đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Với quan điểm “cảm hứng là điều quan trọng cốt lõi giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng, say mê với môn học, đồng thời có thể rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh”.

Vì vậy, thầy Hồng đã từng bước thay đổi từ phương pháp học của học trò và cách dạy của bản thân mình với phương châm “Thầy nói ít hơn, trò thực hành nhiều hơn”. Có lẽ vì vậy các em học sinh tại các lớp thầy trực tiếp giảng dạy khi được hỏi đến đều rất vui vẻ trả lời “học Vật lý không khó và khô cứng như chúng em nghĩ”.

Mỗi bài giảng của thầy đều được xuất phát từ những ví dụ cụ thể, sinh động trong đời sống hay bằng chính những câu chuyện gắn với Vật lý từ các hiện tượng thiên nhiên đơn giản, gần gũi với các em... Vì vậy, tiết học không còn căng thẳng với nhiều kiến thức trừu tượng mà thay vào đó học trò có những giây phút thoải mái, vui vẻ nhất để sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới.

Thầy Hồng luôn tìm tòi nghiên cứu các phương pháp dạy và học môn Vật lý phù hợp với đối tượng học sinh hiện đang học tại nhà trường, vận dụng khoa học ứng dụng công nghệ, thông tin trong giảng dạy, áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại như: dạy học tích hợp, học nhóm, học theo dự án…tiêu biểu như: Dự án dạy học tích hợp: “Độ ẩm của không khí” đã đạt giải Nhất cấp tỉnh, giải Khuyến khích cấp Quốc gia. Dự án đã tích hợp được các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Địa lý, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục bảo vệ môi trường trong hoạt động dạy - học.

Thông qua dự án học sinh có kiến thức, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống từ đó nâng cao ý thức gìn môi trường sống, sức khỏe của các em…đây cũng là dự án học tập có thể áp dụng trong nhiều trường học.

Nhiều hoạt trải nghiệm, sáng tạo vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn được thầy Hồng tổ chức cho học sinh tham gia hiệu quả như: Dự án "Bếp ăn tập thể đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm để có sức khỏe tốt cho học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên" đã đạt giải Ba cấp tỉnh, giải Ba cấp Quốc gia...; Dự án tích hợp với chủ đề: "Tích hợp các kiến thức về sản xuất điện năng và vấn đề về môi trường sinh thái trong dạy học bài Thế năng - Vật lý lớp 10 nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cho học sinh" đoạt giải Khuyến khích cấp tỉnh.

Truyền cảm hứng học tập tích cực cho học sinh

Với cách dạy này của Thầy không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập, giúp các em tự tìm kiếm thông tin theo chủ đề, đặc biệt là truyền cảm hứng, tạo hứng thú, động lực, thúc đẩy thái độ học tập tích cực của các em với môn học, chủ động thu nhận kiến thức, vận dụng vào thực tiễn, khai thác tối đa tính tự học, phát huy năng lực của học sinh.

Điều đó đã được minh chứng rất rõ ràng ở những sáng kiến trong giảng dạy của thầy được công nhận ở cấp cơ sở, cấp tỉnh cụ thể: Sáng kiến “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực kết hợp sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin trong dạy chương Chất khí - Vật lý lớp 10 THPT” và Sáng kiến “Thiết kế bài giảng dạy học phát triển năng lực tự học và năng lực hợp tác trong dạy học môn Vật lý cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên”.

Chia sẻ về việc áp dụng đổi mới phương pháp dạy học của thầy Hồng, cô giáo Hà Minh Phương nói: “Thầy Hồng đã thực hiện lồng ghép kiến thức Vật lý từ những vấn đề thực tiễn đôi khi từ chính kinh nghiệm trong cuộc sống của các em học sinh điều này đã giúp các trò tiếp thu bài học nhanh, dễ hiểu. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều từ thầy Hồng trong cách tổ chức các tiết dạy, thầy luôn hướng cho học sinh thỏa sức sáng tạo với việc áp dụng kiến thức Vật lý vào chế tạo đồ chơi, các thiết bị phục vụ học tập với tên gọi 'Giờ học sáng tạo'. Thầy Hồng đã truyền cảm hứng cho các em học sinh biết sử dụng kiến thức của môn học để giải quyết những vấn đề thực tiễn và để khám phá thế giới muôn màu…”.

Rất nhiều dự án học tập, đồ dùng phục vụ cho dạy học được thầy, trò làm ra và thử nghiệm thành công như: Máy hút bụi mini, tên lửa nước, mô hình thí nghiệm biểu diễn hiện tượng mao dẫn (Vật lý 10), tương tác từ (Vật lý 11) hay bộ thí nghiệm giao thoa sóng nước (Vật lý 12)... tiêu biểu phải kể đến bộ thiết bị “Thu phát sóng điện từ” đạt giải Nhất trong Hội thi sáng tạo đồ dùng học tập cấp tỉnh năm học 2011 - 2012.

Thầy Trần Mạnh Hồng (thứ 5, từ trái sang) cùng các em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Theo thầy Hồng, trong thời điểm hiện nay phương pháp dạy học của người thầy sẽ phải thay để phù hợp với thời kỳ cách mạng 4.0 cũng như công cuộc đổi mới giáo dục”, xã hội ngày nay rất nhiều thông tin, có nhiều thứ hấp dẫn các em, người thầy phải làm sao truyền cảm hứng việc học những điều mới mẻ cho học trò.

Thầy cô có vai trò thiết kế và tạo dựng môi trường học tập có tính tương tác với sự tích hợp công nghệ - thông tin để các em có thể hình thành các kỹ năng mềm như giao tiếp và hợp tác, giải vấn đề một cách sáng tạo, tư duy phản biện.

Trong môi trường học tập này, dù là trực tiếp hay trực tuyến đều phải giúp học sinh hình thành nên các phẩm chất và năng lực nhất là kỹ năng vận dụng các kiến thức vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn học tập và cuộc sống của các em.

Hơn 20 năm gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên đã có rất nhiều thế hệ học trò người dân tộc thiểu số thành công xuất phát từ chính nguồn “cảm hứng” được thầy giáo, nhà giáo ưu tú Trần Mạnh Hồng khơi gợi và lan tỏa.

“Nghề giáo viên giống như một người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa” - thầy giáo Trần Mạnh Hồng thực sự là người nhóm lửa, giữ lửa và truyền lửa như thế!