Nghệ sĩ opera Nguyễn Khắc Hòa. |
Xây nhịp cầu văn hoá
Là một nghệ sĩ Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước Nga, anh Nguyễn Khắc Hòa cho rằng vai trò sứ giả văn hoá ở nước ngoài rất quan trọng.
Anh chia sẻ: “Bạn bè khắp nơi trên thế giới khi giao tiếp với mỗi người Việt sẽ có cái nhìn về chung về con người và văn hoá Việt Nam. Thậm chí, chỉ qua những hoạt động và ứng xử bình thường, chúng ta cũng có thể thu hút được sự quan tâm của các bạn về đất nước mình. Thực tế, có những người bạn khi tiếp xúc với tôi, họ rất tò mò về Việt Nam. Từ đó, họ bắt đầu có những chuyến đi Việt Nam từ ngắn hạn và dài hạn”.
Bởi vậy, theo anh Hoà, mỗi NVNONN hãy giống như một trạm phát về văn hoá Việt đến quốc tế. Anh tin rằng nếu mỗi người đều có chung suy nghĩ như vậy thì sẽ tạo sẽ công cụ tuyệt vời và hiệu quả để truyền bá và trao đổi văn hoá với Việt Nam.
Nam nghệ sĩ cho biết thêm: “Sinh sống ở nước ngoài nhưng bản thân tôi luôn ý thức về nguồn cội, dòng máu đang chảy trong mình là Việt Nam và trái tim hướng về Tổ quốc. Trong các hoạt động giao lưu nghệ thuật ở các nước, tôi luôn tranh thủ giới thiệu với các bạn quốc tế về nét đẹp âm nhạc dân gian Việt Nam như hát Quan họ, hát Chầu Văn, hát Chèo…
Tôi biết những hành động của mình dù nhỏ bé cũng có ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn như luận án Tiến sĩ mà tôi đang thực hiện cũng viết về opera Việt Nam cũng có thể được coi như một công cụ mà để đưa văn hoá Việt Nam ra nước ngoài ở mức độ nghiên cứu. Bên cạnh đó, những dự án âm nhạc hợp tác với nước ngoài cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn hoá Việt Nam ra thế giới”.
Nghệ sĩ Ninh Đức Hoàng Long. |
Tại Hungary, nghệ sĩ Ninh Đức Hoàng Long cũng luôn tự hào và ý thức rõ về vai trò làm sứ giả văn hoá của mình. Theo anh, mỗi nghệ sĩ NVNONN đều mang trong mình sứ mệnh giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, truyền thống của quê hương. Bởi vậy, hoạt động nghệ thuật không đơn thuần là công việc, mà còn là cầu nối văn hoá, là phương tiện để đưa hình ảnh và tâm hồn người Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Nam nghệ sĩ đang công tác tại Nhà hát Opera Quốc gia Hungary, chia sẻ: “Việc được Tổng thống Hungary đặc cách Quốc tịch vào năm 2018 không chỉ là một vinh dự cá nhân tôi mà còn là một sự ghi nhận đối với công sức của người Việt trong việc góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hoá đa dạng của thế giới.
Tôi luôn nỗ lực trong việc học hỏi, rèn luyện và biểu diễn để mỗi lần đứng trên sân khấu, khán giả không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào về quê hương Việt Nam”.
Gìn giữ và lan toả vẻ đẹp của tiếng Việt
TS. Trần Hồng Vân. |
Với TS. Trần Hồng Vân, giảng viên tiếng Việt tại Australia, những công việc chị đã, đang và sẽ làm đều nhằm mục đích lan tỏa tinh thần duy trì tiếng Việt khi ở nước ngoài, mong muốn cho thế hệ thứ 2-3 người Việt vẫn tiếp tục nói được tiếng mẹ đẻ cũng như duy trì văn hóa Việt ở nước ngoài.
Chị khẳng định: “Nói được tiếng Việt khi sinh sống ở nước ngoài không chỉ đem lại những lợi ích về mặt trí tuệ, kinh tế, văn hóa, tình cảm cho mỗi cá nhân hay gia đình người Việt mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ cho các nước sở tại, điều mà các chính phủ đều mong muốn duy trì. Hơn nữa, nói được tiếng Việt, giữ được bản sắc Việt là mỗi cá nhân người Việt đang làm cho tiếng nói cộng đồng được rõ nét hơn, cộng đồng người Việt ở nước ngoài lớn mạnh hơn.
Năm 2023, chị Vân là một trong năm cá nhân xuất sắc được vinh danh tại cuộc thi Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài với tham gia các dự án nghiên cứu về năng lực ngôn ngữ của trẻ em gốc Việt ở nước ngoài, thử nghiệm chương trình hỗ trợ các gia đình trong việc giúp con nói và học tiếng Việt có tên là SuperSpeech, cho ra đời cuốn cẩm nang Multilingual Children (Trẻ đa ngữ) cung cấp miễn phí kiến thức cho các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài, sản xuất chương trình Cùng giữ tiếng Việt, phát sóng hàng tuần trên sóng SBS Việt ngữ, thành lập tổ chức thúc đẩy duy trì ngôn ngữ và văn hóa Việt có tên là VietSchool…
Chị Vân cho biết: “Danh hiệu sứ giả vừa là niềm vinh dự nhưng cũng mang đến cho tôi một trọng trách lớn để thực hiện được sứ mệnh giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt. Điều này có nghĩa, những công việc mà tôi đã và đang làm cần phải lan toả nhiều hơn, những gì mà tôi đã đang làm tốt thì cần mở rộng và nâng cấp hơn nữa”.
Chị Vân mong các dự án và mô hình thành công của mình sẽ được nhân rộng ở các nước khác, không chỉ giúp nâng cao vị thế của tiếng Việt mà việc học tập và giảng dạy còn được thực hiện hiệu quả hơn nữa. Về lâu dài, bên cạnh sự nỗ lực, những việc làm này đòi hỏi nguồn đầu tư cả tài chính lẫn nguồn nhân lực nên rất cần sự hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành trong nước.
Đặc biệt, TS. Trần Hồng Vân luôn tâm huyết với việc thiết kế những bài giảng tiếng Việt được lồng ghép yếu tố văn hóa Việt Nam. Chị tin các sứ giả tiếng Việt sẽ không đơn độc trên hành trình này vì luôn có những người ủng hộ, những đồng nghiệp sát cánh cùng tinh thần chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm của cả mạng lưới giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Tiềm năng từ người trẻ
Anh Huỳnh Tấn Đạt (giữa) cùng các thành viên trong Hội sinh viên Việt Nam tại Australia. |
Nói về vai trò sứ giả của thế hệ trẻ kiều bào, anh Huỳnh Tấn Đạt, Chủ tịch Hội sinh viên tại Australia, cho rằng: “Với sự năng động, sáng tạo và kiến thức hiện đại, chúng tôi có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, kinh tế, văn hóa và môi trường.
Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò này, cần có sự hỗ trợ và định hướng từ các cơ quan, tổ chức, cũng như sự đoàn kết trong cộng đồng NVNONN. Bên cạnh đó, việc tăng cường vai trò của các thế hệ trẻ trong hội đoàn là điều cần thiết, bởi những người trẻ chính là tương lai của cộng đồng và của đất nước”.
Anh Đạt chia sẻ: “Người Việt trẻ mong muốn có cơ hội được lắng nghe, cũng như được trực tiếp đóng góp ý kiến và ý tưởng cho sự phát triển của đất nước. Tôi hy vọng tại Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần 4 sẽ đưa ra những quyết sách cụ thể và khả thi để thế hệ trẻ kiều bào có thể tham gia một cách hiệu trong việc chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”.
Với nguồn lực du học sinh đến học tập tại Trung Quốc ngày càng cao, anh Lê Đức Anh, Bí thư chi bộ Lưu học sinh Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc), cho biết: “Từ năm 2023, tôi có mong muốn thành lập mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cộng đồng du học sinh cũng như người Việt tại Trung Quốc. Đến nay, chúng tôi đã thành lập được mạng lưới này và hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động tích cực trong việc thu hút nguồn lực trí thức trẻ vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước”.