Siêu thị tại Ukraine mùa Covid-19. (Ảnh: Hoa Lý) |
Tính đến sáng ngày 20/10 tại Ukraine đã ghi nhận thêm 5469 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, đồng thời có 113 bệnh nhân đã tử vong vì mắc bệnh. Đây là con số cao nhất kể từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, cùng với con số không vui ấy thì ở cộng đồng người Việt cũng có những tin mừng như chiều 20/10, Ban hỗ trợ phòng chống dịch bệnh của Hội người Việt Nam thành phố Kiev nhận thêm thông tin một bệnh nhân là chị Lê Thị Thanh Quyên đã được chữa khỏi bệnh sau thời gian nhập viện và tiếp tục điều dưỡng tại nhà.
Tính đến ngày 21/10, trong cộng đồng người Việt tại Kiev hiện có 77 ca nhiễm và 64 người đã lành bệnh, tại Odessa ghi nhận tổng 42 người nhiễm bệnh, 39 người đã được chữa khỏi và ba bệnh nhân tiếp tục được điều trị trong tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, tại Kharkiv có 46 ca nhiễm, 36 người đã lành bệnh.
Sống giữa vùng báo động
Thời gian qua, Ukraine là một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Sống giữa những vùng báo động Đỏ, Cam, Vàng... về dịch bệnh Covid-19, tâm trạng chung của bà con người Việt là lo lắng, hoang mang khi nhiều người không biết tiếng Ukraine, tiếng Nga .
Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam thành phố Kiev đã triệu tập các cuộc họp khẩn cấp, đưa ra những biện pháp cụ thể để sẵn sàng giúp đỡ bà con. Đặc biệt, Hội người Việt Nam thành phố Kiev đã phát động “Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19” và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của những tấm lòng vàng với mục đích hỗ trợ một cách thiết thực và hiệu quả những bà con gặp rủi ro khi mắc bệnh.
Không chỉ vậy, Hội người Việt Nam thành phố Kiev đã lập ra Ban hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19 với nòng cốt là những người có khả năng, tâm huyết, sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ bà con về tinh thần, hướng dẫn những người bị nhiễm, nghi nhiễm… đi xét nghiệm, điều trị, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn yên tâm điều trị…
Từ tháng Sáu đến nay, cả ba thành phố lớn là Kiev, Kharkov, Odessa - nơi có nhiều người Việt sinh sống đều xuất hiện các ca lây nhiễm. Vì vậy, các Hội đoàn luôn phải họp khẩn cấp để đề ra các phương án giúp đỡ bà con nhiễm bệnh cũng như các biện pháp phòng tránh thiết thực nhất đó là: giãn cách, khẩu trang và diệt khuẩn được ưu tiên hàng đầu, theo dõi sát sao những biểu hiện của cơ thể để kịp thời xử lý...
Tin liên quan |
Dịch Covid-19: Người Việt ở Ukraine hỗ trợ địa phương phòng chống dịch |
Bên cạnh đó, nhóm “Tương trợ người Việt Ukraine” hay “Tổ phiên dịch tình nguyện” do các bạn trẻ ở Kharkov đi tiên phong cũng nhanh chóng được thành lập để thông tin tư vấn và hỗ trợ cả về tài chính cho các trường hợp nhiễm bệnh.
Đáng mừng là hiện tại tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng người Việt tại Odessa trong tầm kiểm soát, dù tuần qua, cộng đồng người Việt tại đây ghi nhận năm ca nhiễm Covid-19 dạng nhẹ ở Làng Sen, Samurai và Sorsa.
Ông Nguyễn Như Mạnh - Trưởng Ban phòng chống dịch bệnh cộng đồng cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh tại Odessa vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp từ 200-500 ca và cộng đồng người Việt tại một số thành phố như Kharkov, Kiev cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm thì tình hình cộng đồng người Việt tại Odessa cơ bản vẫn được kiểm soát tốt. Nếu bà con ta tiếp tục cảnh giác, đề cao tinh thần chống dịch, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ y tế thì tình trạng này sẽ được duy trì”.
Mới đây, theo quyết định của Ủy ban Quốc gia Ukraine về An ninh Công nghệ - Môi trường và Tình trạng khẩn cấp, thành phố Kharkiv, thị trấn Liubotin và ba huyện: Bogodukhov, Lozova, Pershotravnia bị xếp vào vùng Đỏ với chỉ số dịch bệnh cao nhất. Chính quyền các điểm dân cư thuộc vùng này phải ban hành những biện pháp cách ly xã hội bổ sung để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Bởi vậy, từ 0h00 ngày 19/10, tại thành phố Kharkiv bắt đầu áp dụng các biện pháp như đóng cửa các cơ sở văn hóa và địa điểm vui chơi giải trí, học sinh được nghỉ thu đến hết ngày 30/10, các cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, quán xá… được hoạt động đến 20h00. Theo quyết định này, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, bao gồm giao thông nội đô và giao thông ngoại ô, liên tỉnh, hàng không… được phép hoạt động, chỉ kèm khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang và hạn chế số lượng hành khách.
Bởi vậy, người Việt lại chuẩn bị tinh thần để bước vào cuộc chiến của những ngày chống dịch tích cực ở xứ người. Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý, biên tập viên báo Người xứ Nghệ Kiev, chia sẻ: “Chúng tôi có một sức mạnh tổng hợp trên tinh thần tương thân tương ái, quyết tâm chiến đấu và thắng con virus vô cùng bé nhỏ kia. Bản thân tôi cũng luôn theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh, lo lắng khi ai đó bị nhiễm và nghẹn ngào vui sướng khi có ca bình phục; chung tay cùng Hội người Việt Nam thành phố Kiev trong mọi hoạt động xã hội, vì một cộng động khỏe mạnh, bình an và phát triển”.
Nhọc nhằn kế mưu sinh
Có thể nói, kinh doanh chợ là một trong những công việc làm ăn chính của cộng đồng người Việt tại Ukraine. Tuy nhiên, mô hình kinh tế truyền thống này của bà con ta dường như đang đi vào ngõ cụt khi việc buôn bán đang được duy trì qua ngày, thậm chí bế tắc.
Trò chuyện với TG&VN, chị Đỗ Thị Hoa Lý cũng cho biết: “Không chỉ người Việt mà ngay cả người dân Ukraine cũng đang rất khó khăn. Tính từ đầu mùa dịch đến nay, riêng ở thành phố Kiev đã có khoảng 7000 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Nhiều nơi bệnh viện quá tải như ở Kharkiv đã rơi vào vùng Đỏ tức là mức độ nguy hiểm cấp một và ngày nào cũng có người tử vong vì Covid-19. Để duy trì cuộc sống, bà con ta vẫn phải kinh doanh trong tình trạng rất èo uột”.
Tin liên quan |
Dịch Covid-19: Đưa hơn 240 công dân Việt Nam từ Ukraine về nước an toàn |
Sinh sống ở Bila Tserkva – vùng ngoại ô Kiev, chị Hoa Lý cũng cho biết nơi chị sống đang từ vùng Vàng chuyển sang vùng Cam về báo động dịch bệnh. Tuy nhiên, gia đình chị vẫn giữ công việc kinh doanh để mưu sinh và cố gắng áp dụng các biện pháp phòng bị ở mức cao nhất có thể. “Người Việt tại Ukraine đã bị nhiễm bệnh khá nhiều rồi nhưng lạy trời chưa có trường hợp nào quá nặng”, chị chia sẻ.
Nói về cuộc sống của bà con tại đây, báo Người Việt Ukraine vừa có một phóng sự ghi lại tình trạng “không biết ở hay đi” của người Việt tại một khu chợ ở Odessa. Tại đây, các gian hàng kinh doanh dù vắng khách, nhưng các chủ cửa hàng Việt vẫn cố gắng bám trụ bởi tiền thuế vẫn phải đóng, về quê cũng không được khi có những người đã bán cả ruộng đất, nhà cửa để sang làm ăn.
Một chủ cửa hàng tại đây đã chia sẻ: “Tình hình kinh doanh hiện rất khó khăn. Chúng tôi phải chịu đựng sống qua này, nhiều khi phải bỏ tiền vốn để duy trì đủ ăn và chấp nhận sống qua năm nay. Nếu tiếp tục tình hình thế này thì chắc 30-40% số người kinh doanh chợ phải chuyển sang việc khác hoặc về Việt Nam, không thì quá bế tắc”.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Odessa cũng cho biết: “Chưa có đại dịch Covid-19 thì tình hình kinh doanh chợ của bà con người Việt đã khó rồi và hiện tại thì mọi thứ còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Hàng hóa ế ẩm nhưng bà con vẫn phải quyết tâm bám trụ vừa để mưu sinh vừa gồng mình chống dịch bệnh”.
Theo ông Đức, tình hình nhiễm bệnh càng ngày cao, nhưng bà con vẫn giữ tinh thần vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Những lúc này, Hội có vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp tình đoàn kết và cố gắng giúp đỡ tuyên truyền để bà con quyết tâm phòng chống dịch vừa ổn định đời sống. Điều cần nhất trong lúc này chính là tinh thần nhất trí cao trong cộng đồng để bà con có thể hỗ trợ, động viên nhau vượt qua cơn bĩ cực này.
| Làn sóng covid-19 thứ hai ở châu Âu: Vì sao nên nỗi? TGVN. Làn sóng covid-19 thứ hai hiện đang nhấn chìm Châu Âu. Vì sao nên nông nỗi này? Bình luận của báo Thế giới & ... |
| Kiều bào đồng lòng hướng về đồng bào vùng lũ lụt miền Trung TGVN. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt miền Trung, bà con kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới dù đang gồng mình ... |
| 'Vật lộn' với làn sóng Covid-19 thứ 2, châu Âu chuẩn bị vay nợ khủng TGVN. Châu Âu đang phải vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ hai và nhiều khả năng khu vực này sẽ lại một lần nữa ... |