📞

Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số - thách thức của Việt Nam

10:52 | 23/05/2017
Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ mang đến sự thay đổi lớn lao về phương thức sản xuất kinh doanh mà kéo theo các vấn đề về lao động - việc làm ở thế kỷ 21. Áp dụng công nghệ cao đang được các doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đầu tư.

Tại công ty điện tử 4P, trong 1 bản mạch điện tử, những thao tác dán linh kiện bằng tay trong tương lai ngắn sẽ được thay thế hoàn toàn bởi robot. Dây chuyền sản xuất ngày càng vắng bóng người. Máy móc sẽ tự động chạy để làm thay con người mọi công đoạn khó.

Ở nhà máy Hyundai Thành Công, việc sắp xếp, lưu trữ, giao nhận linh kiện ô tô cũng sẽ được tự động hoá hoàn toàn với sự trợ giúp của robot và phần mềm máy tính.

Một số liệu đưa ra từ phiên họp mới đây của APEC cho thấy, tại Thái Lan, 73% lao động trong công nghiệp ô tô sẽ phải đối mặt với việc bị cắt giảm việc làm. Tại Việt Nam, 75% lao động trong ngành điện tử, 86% lao động trong ngành dệt may - da giày cũng phải đối mặt với tình trạng này khi nhiều công đoạn do con người làm sẽ được thay thế bằng máy móc tự động hóa.

Ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 4P

Cùng với việc đổi mới công nghệ, nguồn nhân lực ở công ty chúng tôi cũng phải tổ chức lại. Trước đây, đối với nhà máy, phần sản xuất sử dụng bằng tay khá nhiều. Tuy nhiên, khi chúng tôi đổi sang công nghệ dán bề mặt linh kiện, hầu hết chúng tôi sử dụng robot rất nhiều trong sản xuất. Do vậy, yêu cầu về mặt nhân lực cần có kỹ năng hơn.

Hiện nay chúng tôi gặp phải vấn đề, mặc dù công nghệ rất mới nhưng lực lượng lao động tuyển vào, kể cả những người mới tốt nghiệp Đại học, chưa thể đáp ứng yêu cầu của công việc. Do đó, chúng tôi phải mất thời gian để đào tạo lại, hướng dẫn từng vị trí công việc để các bạn bắt nhịp tham gia sản xuất. Đó là khó khăn nhất.

Có nhiều khâu chúng tôi có thể áp dụng tự động hóa hơn nữa. Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục áp dụng tự động hóa mà hiện nay do con người đảm nhận. Mục tiêu trước mắt là sẽ giảm 10% nhân lực công ty.

Như vậy, những nhà máy thông minh sẽ ra đời. Toàn bộ quá trình quản trị sản xuất hay quản trị con người cũng đều được số hoá. Tuy nhiên, bài toán nhân lực thích ứng, nhập cuộc với một nền sản xuất hiện đại, công nghệ cao này không phải là vấn đề đơn giản.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, năm 2016, trong tổng số 55,54 triệu lao động của cả nước, chỉ có hơn 11,21 triệu lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ, chiếm 20,6%. Lao động được đào tạo trong các ngành kỹ thuật, công nghệ cao còn chiếm tỷ trọng thấp.

Việt Nam vẫn đang thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật cao, có tác phong lao động trong môi trường toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Làm sao để đáp ứng nhân lực cho thời đại kỷ nguyên số là một bài toán khó cho các nhà hoạch chính sách vĩ mô.

Nhận thức được điều này, ngay từ sớm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước đi tích cực khi áp dụng công nghệ tự động hoá, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng các kết nối điện tử... để mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh tối đa. Mặt được của cuộc cách mạng này là hiệu quả sản xuất kinh doanh sẽ tăng cao nhờ tiết kiệm được chi phí về số lượng nhân sự lao động, chi phí về thời gian sẽ giảm, chất lượng dịch vụ, sản phẩm tăng cao.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Trong điều kiện bình thường, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã là quan trọng. Nhưng đặc biệt, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tái cấu trúc lại cơ cấu sản xuất toàn cầu với sự tham gia mạnh mẽ của trí tuệ thông minh, người máy.

Một loạt lao động giản đơn sẽ bị thay thế bởi người máy. Ngay cả các lao động kỹ thuật chuyên nghiệp ở mức trung bình cũng sẽ bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo. Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời gian tới, rút ngắn khoảng cách đối với các nước, thậm chí có thể vượt lên, một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo để có một đội ngũ nhân lực chất lượng cao là rất cấp thiết.