Đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. (Nguồn: Baodautu) |
Lễ công bố Báo cáo "Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (The World Bank) đã diễn ra sáng 12/3 tại Hà Nội dưới hình thức trực tuyến.
Báo cáo được thực hiện qua khảo sát của 10.197 doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm cung cấp những góc nhìn cụ thể về ảnh hưởng của Covid-19 và cách thức ứng phó của doanh nghiệp.
Gần 90% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch VCCI TS. Vũ Tiến Lộc cho biết, ở thời điểm hiện tại, toàn cầu vẫn đang gồng mình trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Trong khi không một quốc gia nào có thể khẳng định đã đánh bại hoàn toàn được Covid-19, chỉ một vài nước đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện nhiệm vụ kép: vừa kiểm soát dịch bệnh đồng thời vẫn duy trì sự phát triển kinh tế. Việt Nam là một trong số các quốc gia ít ỏi này.
"Dù vậy, vẫn còn quá sớm để khẳng định Việt Nam đã chiến thắng Covid-19. Những đợt bùng phát trở lại của dịch bệnh vào giữa tháng 7/2020 tại thành phố Đà Nẵng hay cuối tháng 1/2021 vừa qua tại tỉnh Hải Dương là sự nhắc nhở rằng tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp và tin tức về Covid-19 sẽ tiếp tục “phủ bóng” lên cuộc sống thường ngày của mỗi gia đình, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp và sự vận hành của Chính phủ", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đối với nền kinh tế, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, những nghiên cứu và đánh giá sơ bộ trong thời gian qua của nhiều cơ quan và tổ chức cho thấy, một bức tranh chung là sự tàn phá nặng nề của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động tại Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng này, các doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất và sự chống chịu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho hay, đại dịch Covid-19 tác động rất tiêu cực đến doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong đó, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực”. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ “không bị ảnh hưởng gì” và gần 2% ghi nhận tác động “hoàn toàn tích cực” hoặc “phần lớn tích cực”.
Cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng chỉ ra rằng, tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp ở một số ngành là đặc biệt lớn. Điều này xảy ra với doanh nghiệp tư nhân trong các ngành May mặc (97%), Thông tin truyền thông (96%), Sản xuất thiết bị điện (94%).
Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm Bất động sản (100%), Thông tin truyền thông (97%), Nông nghiệp/thuỷ sản (95%).
Đa số doanh nghiệp được khảo sát cũng nhấn mạnh rằng, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc tiếp cận khách hàng, tiếp đến là bị ảnh hưởng về dòng tiền và nhân công của doanh nghiệp. Chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng tới các vấn đề khác, từ giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.
Không chỉ thế, các doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều doanh nghiệp cho hay, họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Doanh nghiệp ứng phó thế nào với Covid-19?
TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy, đứng trước vô vàn khó khăn kể trên nhưng 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh. Điều này cho thấy, khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Chủ tịch VCCI khẳng định, doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh và ngộ ra nhiều điều qua đại dịch. Có tới 92% doanh nghiệp tư nhân và 96% doanh nghiệp FDI cho biết, đã thực hiện một hoặc nhiều biện pháp ứng phó.
Doanh nghiệp cũng phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng...
"Song song với đó, các sáng kiến trong ứng phó với Covid-19 đã được các doanh nghiệp thực hiện. Quá trình chuyển đổi số cũng từng bước được triển khai. Đó là những bài học và trải nghiệm vô giá từ Covid-19", TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Có được những kết quả đó, ngoài sự chủ động tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc nhận thấy, có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid-19 được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất là các chính sách tài khoá như việc giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập, tiền thuê đất, các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng....
Thêm vào đó, chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động được cho là khó tiếp cận, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết của chính sách này. 75% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ là hữu ích.
Hỗ trợ doanh nghiệp sẵn sàng cuộc cạnh tranh mới
Trong quá trình thực hiện khảo sát, VCCI cho biết, doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Doanh nghiệp cũng cho rằng, các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng quan tâm đến cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.
Cùng với các đề xuất của doanh nghiệp qua cuộc khảo sát năm 2020, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, VCCI cho rằng, có 6 kiến nghị cần lưu ý thời gian tới.
Thứ nhất, thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.
Thứ hai, đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.
Thứ ba, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.
Thứ tư, có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.
Thứ năm, các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4 -5 năm nữa, vì vậy trong thời gian tới cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn.
Thứ sáu, cần lan toả và nhân rộng được các mô hình, cách làm tốt trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc.