Tác giả bài viết - Th.S Hà Linh là Cán bộ dự án và nghiên cứu kinh tế của Viện Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. |
2020 là một năm khá thành công của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế dương 2,91%, trong khi bóng đen phủ lên các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh, ... Lạm phát ở mức 3,23%, dưới ngưỡng 4% mà Chính phủ đặt ra.
Động lực phát triển kinh tế năm 2021
Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập trong năm vừa qua, “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Những yếu tố này vẫn được kỳ vọng là sức mạnh tổng hợp của kinh tế Việt Nam năm 2021 và cần được mở rộng về quy mô.
Về đầu tư, năm 2020, đầu tư công được lựa chọn làm mũi nhọn để tăng trưởng và vượt qua những thời điểm khó khăn của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm nay, bên cạnh việc tăng cường giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả, đầu tư khu vực tư nhân nên quay trở lại và đóng vai trò chủ đạo. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải cải cách luật, luật đầu tư mới, trong đó, hội nhập sâu rộng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách.
Về xuất khẩu, năm 2020, Việt Nam duy trì xuất siêu 19,95 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới hơn 60%. Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tìm kiếm cơ hội trong năm 2021.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo, triển vọng Việt Nam sáng sủa hơn vào năm 2021, với tốc độ tăng trưởng từ 4% trở lên, đó là bằng chứng để tin rằng, năm 2021 sẽ tốt hơn năm 2020. Khảo sát gần đây về lao động của Navigos cũng cho thấy, 61% lao động tin rằng năm 2021 mức lương có thể tăng từ 3 đến 20%. |
Hiện tại, phí logistic cao là mối quan tâm lớn trong quý I/2021. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng cập nhật thông tin, điều chỉnh hợp đồng và đa dạng hóa các đối tác thương mại, đặc biệt là ở các nước láng giềng.
Thêm vào đó, công nghệ trong nhiều năm luôn là “ngôi sao sáng” ở tất cả các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặt phát triển công nghệ, từng bước chuyển đổi số làm chìa khóa cho tăng trưởng bền vững là những bước đi đúng đắn. Hiện nay, bắt đầu có những tín hiệu tốt trong quá trình phát triển công nghệ tại Việt Nam như lộ trình phủ sóng 5G, khuyến khích Chính phủ điện tử tại các tỉnh thành, phát triển Đô thị thông minh
Thách thức chất chồng...
Không thể phủ nhận, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm nay.
Nhìn nhận về thách thức chủ quan, thứ nhất, Covid-19 và tác động của đại dịch Covid-19 là yếu tố không thể dự đoán được và đang ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam suốt một năm qua. Đơn cử như đợt dịch vừa bùng phát ở Hải Dương là điều không thể dự đoán trước. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu trong tương lai, có thể xảy ra một đợt dịch tương tự không và lô vaccine ngừa Covid-19 mới cập bến Việt Nam hiệu quả thế nào?
Thứ hai, những khu vực đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ năm 2021 như du lịch, dịch vụ lưu trú… có thể quay trở lại hoạt động như thời điểm trước đại dịch không? Trong năm qua, một số doanh nghiệp đã buộc phải bán cơ sở sản xuất, cơ sở lưu trú, cắt giảm nhân viên… Thách thức lớn nhất là làm thế nào để họ hoạt động trở lại, với những nguồn vốn mới, những nhân lực mới và sức bật mới?
Thứ ba, sự phục hồi của kinh tế tư nhân. Năm 2020 vừa qua, con số 101.000 doanh nghiệp phá sản, 46.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tỷ trọng nợ xấu tăng cao trong hệ thống ngân hàng báo hiệu tương lai bất ổn cho khu vực kinh tế tư nhân. Bên cạnh đó, một số chỉ báo cũng không mấy lạc quan như chỉ số quản lý thu mua (PMI), hoạt động bán buôn, bán lẻ ảm đạm, … cũng gây nhiều lo lắng cho khu vực này trong năm 2021.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với thách thức từ quốc tế mang lại. Hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đang có thay đổi lớn về mặt chính trị. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có một chính quyền hoàn toàn mới. Và câu hỏi đang còn bỏ ngỏ là Tổng thống thứ 46 của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có chính sách đối với Trung Quốc thế nào, đối với Việt Nam ra sao?
Thêm vào đó, trật tự thế giới cũng đang có nhiều thay đổi sau Covid-19. EU trở nên suy yếu, đầu tàu của EU là Đức cũng đang phải thay thế cho Anh vực dậy EU. Italy và Hy Lạp cũng đang lâm vào cảnh nợ lớn, lớn hơn 120% GDP cho dù Covid-19 có xảy ra hay không.
Đối mặt với thực tế: 2 đối tác lớn là EU và Anh đang suy yếu thì liệu trong năm tới, khi EVFTA và FTA Việt Nam - Anh (UKVFTA) đang đi vào thực thi, Việt Nam có tận dụng được các cơ hội không khi nguồn cung từ Việt Nam luôn sẵn sàng nhưng về phía cầu từ EU và Anh có nguy cơ suy giảm.
Sau Covid-19, Việt Nam vẫn là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới đạt được nhiều thành tựu. (Nguồn: Vietnamnews) |
… nhưng chưa thể cản đường kinh tế Việt Nam
Ngày 28/1 vừa qua, Covid-19 lại một lần nữa quay trở lại Việt Nam. Các biện pháp giãn cách xã hội như yêu cầu đóng cửa các quán ăn, quán karaoke… tại một số thành phố trong tháng 2 đang làm “trật nhịp” của “bánh xe” vận hành nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là những hành động thận trọng và đúng đắn tại thời điểm này.
Đại dịch Covid-19 lần này bùng phát cùng thời điểm với Tết Nguyên đán, khi mọi người dành nhiều thời gian để thư giãn và nghỉ lễ, vì vậy, đại dịch có thể sẽ ít để lại những tác động đau đớn hơn đợt dịch tháng 3/2020.
Nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã đưa ra những dự báo tương đối lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021. Cụ thể, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng ở mức 6,7%; Fitch Rating dự đoán tăng trưởng ở mức 8,6%. Trong nước, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự đoán tăng trưởng tối đa đạt 5,8%; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV dự đoán tăng trưởng tối đa đạt 7%.
Tác động của đại dịch Covid-19 lần này vẫn tương đối nghiêm trọng đối với các ngành như dịch vụ, du lịch. Sẽ mất vài tháng để phục hồi các lĩnh vực này, đặc biệt là ở Hà Nội, Hạ Long và TP.Hồ Chí Minh. Vì vậy, đã đến lúc các doanh nhân nghĩ đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư, thích ứng với công nghệ hoặc sử dụng thời gian này để đào tạo, xây dựng... để chờ đợt tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 thời gian tới. |
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có nhiều tin vui về tiêm vaccine ngừa Covid-19 và cũng có kinh nghiệm chống lại đại dịch, điều này sẽ xoa dịu những lo lắng trong xã hội và khiến người dân tự tin nối lại các hoạt động đang bị “đóng băng”, ngay cả trong các ngành chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Covid-19 như du lịch, dịch vụ.
Đặc biệt, Việt Nam đang khẳng định vị trí của mình trên bản đồ thế giới sau khi tham 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cả những FTA với các đối tác lớn. Việt Nam cũng đang chứng minh được mình qua những thành tựu kinh tế và hội nhập sâu rộng thông qua các FTA. Các FTA thế hệ mới cũng đang mở đường cho Việt Nam khiến doanh nghiệp Việt có sức sống mãnh liệt.
Sau Covid-19, Việt Nam vẫn là nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới đạt được nhiều thành tựu.
Việt Nam sở hữu cơ hội vàng trong thu hút FDI chất lượng cao khi thị trường Trung Quốc lộ nhiều rủi ro. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang hoạt động tốt để thu hút nhà đầu tư nước ngoaì và khuyến khích nhà đầu tư trong nước. Chính phủ điện tử với mục đích để doanh nghiệp tiếp xúc nhanh nhất, tiện lợi nhất, hiệu quả nhất với Chính phủ đang được đẩy mạnh.
Đặc biệt, năm 2020, thay đổi về thể chế luật đầu tư sửa đổi với những thay đổi mới như quy định về thuế, kinh tế số là tín hiệu mà chính phủ cố gắng thay đổi để phù hợp với sự phát triển của kinh tế. Do đó, có bằng chứng để tin tưởng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 sẽ tích cực và cao hơn năm 2020.