Tác giả - GS. Hà Tôn Vinh, cựu Trợ lý Nhà Trắng thời Tổng thống Mỹ Reagan, Phó Tổng thống Bush, cố vấn tài chính cho nhiều công ty đa quốc gia. |
Đầu xuân Tân Sửu 2021, nhìn lại 25 năm trở về Việt Nam từ Mỹ, tôi có những phân tích và kiến giải những kỳ tích đầy thú vị cho sự thành công của Việt Nam.
Kỳ tích đầy thú vị của Việt Nam
Đang sống và làm việc tại thủ đô Washington, D.C. vào thời điểm Việt Nam-Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ (tháng 7/1995), tôi quyết định thực hiện ngay một chuyến du lịch về thăm quê hương nhân dịp sinh nhật của mình vào tháng 11 năm đó. Chuyến đi vài ngày này đã “đưa tôi vào một ngã rẽ cuộc đời, một ngã rẽ đầy ngạc nhiên thú vị cũng như đầy thử thách”.
Đáp xuống sân bay Nội Bài trong lần đầu tiên trở về quê hương, tôi hồi hộp nhìn qua cửa sổ máy bay để cố tìm nhà ga, trong đầu nghĩ đến một nhà ga mang tầm cỡ quốc tế, với nhiều đường cong uốn lượn, với nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Khi máy bay dừng lại và cửa mở ra, trước mắt tôi là nhà ga quốc tế Nội Bài, một cảm giác khó tả chợt đến và hai dòng nước mắt ào ạt chảy ra. Tôi không thể tưởng tượng có một nhà ga quốc tế nhỏ bé ngay Thủ đô của một đất nước hào hùng và xinh đẹp như Việt Nam.
Và ngay lập tức, trong tôi vụt đến ý nghĩ phải làm gì đó để xứng đáng và không hổ thẹn là một nguời con đất Việt. Trong 3 ngày tham quan Thủ đô, qua các di tích văn hóa lịch sử, nghe những bài hát về Hà Nội, tôi quyết định phải trở về để đóng góp cho việc xây dựng lại đất nước. Mùa hè năm 1997, tôi trở về Việt Nam với vai trò tư vấn tài chính dự án của một công ty đa quốc gia tại Việt Nam.
Nhìn lại 25 năm trở về quê hương, tôi cảm thấy hãnh diện và tự hào về những việc mình đã làm được và những cống hiến tuy nhỏ bé nhưng thiết thực và có ý nghĩa. Tôi được mời tham gia giảng dạy Cao học Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Hà Nội; dạy các khóa chuyên đề về kinh tế, tài chính cho lãnh đạo của các tập đoàn và tổng công ty Việt Nam; làm diễn giả trong rất nhiều hội thảo, hội nghị về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa.
Việt Nam hôm nay là một kỳ tích, một ngạc nhiên đầy thú vị và tôi là người đã được may mắn đi vào con đường có tên Việt Nam như tôi đã từng hy vọng 25 năm trước khi bước chân đến Hà Nội lần đầu.
Câu chuyện về thành công trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, kết nối đô thị với các vùng quê hẻo lánh của Việt Nam là niềm tự hào không những của toàn dân, của Chính phủ mà còn của các tổ chức tài trợ đa phương, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, các quỹ song phương của nhiều quốc gia…
Kinh tế Việt Nam trong 10 năm vừa qua, trước đại dịch Covid-19, đã có những buớc tiến rõ rệt và vượt bậc. Tăng trưởng kinh tế đều đặn và cao hơn nhiều nước trong vùng.
Tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 5 năm gần đây (2016-2020), kể cả trong thời gian đại dịch cho thấy kinh tế Việt Nam rất ổn định.
Cuối năm 2020 vừa qua, mặc dù bị đại dịch Covid-19 làm xáo trộn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mốc phát triển GDP 2,91%. Cao hơn tất cả các nước Đông Nam Á và nhiều nước khác.
Sự thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid-19 và phát triển kinh tế là một điểm sáng trong khi đại dịch đang còn hoành hành trên khắp thế giới. Việt Nam được nhắc đến như một bài học để noi gương, một thành công có sự đóng góp của Chính phủ, toàn dân và các tổ chức y tế, xã hội...
Quyết tâm của Chính phủ và nền tảng phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế. Hầu hết các tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đều khẳng định, kinh tế Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục trong năm 2021 và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.
Kinh tế Việt Nam trong 10 năm vừa qua, trước đại dịch Covid-19, đã có những buớc tiến rõ rệt và vượt bậc. (Nguồn: TTXVN) |
4 lý do tạo nên sự thành công
Sự thành công của Việt Nam trong những năm vừa qua và nhất là trong năm đại dịch 2020 được tạo nên bởi 4 lý do.
Thứ nhất, Việt Nam có một Chính phủ ổn định, nhất quán trong các đường lối và chính sách phát triển kinh tế. Chính phủ hành động quyết liệt và đã mang đến kết quả rõ rệt, được thế giới ghi nhận.
Thứ hai, sự đồng lòng của người dân và các tổ chức trong nước mỗi khi có vấn đề cần chung tay giải quyết. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình. Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại kinh tế để bảo vệ tính mạng của toàn dân. Tinh thần đoàn kết, hợp tác, tuân thủ và thực hiện của người dân với Chính phủ được thể hiện rõ rệt qua các khẩu hiệu như “Chống dịch như chống giặc”, “Ở nhà là yêu nước” và việc truy vết quyết liệt các trường hợp lây nhiễm và cách ly dài ngày…
Thứ ba, Việt Nam là một nền kinh tế sản xuất chủ yếu cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, số lượng ngoại tệ mạnh thu về khá lớn giúp giảm trừ được tác động tiềm ẩn của lạm phát và việc đầu cơ tích trữ ngoại tệ. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách bình ổn giá giúp người dân không hoảng loạn và gom hàng. Điều này rất quan trọng trong thời gian có biến động, đại dịch.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xúc tiến, thúc đẩy nhiều hoạt động kiều hối đưa về cho Việt Nam nguồn tài chính cần thiết. Năm 2000, lượng kiều hối vào khoảng 1,75 tỷ USSD, năm 2020 đã lên hơn 15 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới.
Thứ tư, thành công lớn nhất của Việt Nam là sự chuyển đổi ấn tượng từ một nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam, từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới đã vươn lên để trở thành một nền kinh tế phát triển ổn định, năng động nhất Đông Nam Á và trên thế giới.
Kỳ vọng một chặng đường phát triển bền vững
Tin liên quan |
Bức tranh sáng của kinh tế Việt Nam qua lăng kính các tổ chức quốc tế |
Nhìn vào con đường phía trước, Việt Nam còn nhiều thách thức, chông gai. Tuy nhiên với kinh nghiệm trong quá khứ, với đà phát triển hiện tại, chúng ta có thể yên tâm Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, một chặng đường phát triển bền vững và ngọan mục hơn 35 năm qua.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng cho tôi niềm tin và hy vọng vào một quyết tâm duy trì ổn định chính trị xã hội và đổi mới kinh tế, nhất là đường lối quản trị, điều hành đất nước.
Năm 2030 là năm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi tin rằng, lãnh đạo Đảng sẽ làm mọi cố gắng để đưa đất nước tiến gần đến mốc của một nước phát triển có thu nhập trung bình cao. Và năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam sẽ trở thành một nước phát triển.
Để đạt được 2 mốc quan trọng này, Việt Nam cần có quyết tâm và thực hiện ngay một số thay đổi chiến lược.
Thứ nhất, cần có chính sách đầu tư quốc gia, phát triển công nghệ, khoa học để làm một cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế số giống như đã từng chuyển đổi nền kinh tế tập trung năm 1986 sang nền kinh tế thị trường hiện tại.
Cuộc cách mạng chuyển đổi số sẽ giống như cuộc cách mạng internet và máy tính trong những thâp niên 80 và 90 thế kỷ trước, ai cũng bị ảnh hưởng, không ai được phép ngồi ngoài tầm ảnh hưởng của công nghệ máy tính và thế giới kết nối internet.
Thứ hai, đột phá trong việc tìm, đào tạo, sử dụng và duy trì nguồn nhân lực có chuyên môn cao, phù hợp với việc phát triển nền kinh tế số. Trong “thế giới phẳng” của ngày hôm nay, công nghệ và những gì chúng ta học được của ngày hôm qua sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh, là bệ phóng.
Nhân tài được đào tạo mới sẽ tiến nhanh và xa hơn những người của thế hệ hôm qua. Sự phát triển của công nghệ và sự chuyển đổi trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế số sẽ quyết định sự thành bại của các tổ chức. Năng suất lao động kinh tế số sẽ là chỉ số mới trong việc đánh giá sự phát triển và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc thay đổi và điều chỉnh cơ chế điều hành để tiến tới một nền kinh tế thị trường đích thực, hợp tác và hội nhập quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng rộng rãi và bền vững. Ưu tiên phát triển thế mạnh của vùng miền như kinh tế biển, kinh tế khai khoáng, kinh tế du lịch, tạo nên thế liên minh kinh tế giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương hay các dự án hợp tác công tư.
Con đường phía trước còn dài và nhiều thử thách, chông gai. Khó khăn rồi cũng sẽ qua đi. Sự quyết tâm, bản lĩnh của các nhà lãnh đạo đất nước và cộng đồng doanh nghiệp sẽ là điều kiện tiên quyết cho Việt Nam đạt được các mục tiêu của hai mốc quan trọng, năm 2030 và 2045.