📞

Nguy cơ đột quỵ do... quy ước giờ mùa Hè

21:23 | 03/03/2016
Các nhà nghiên cứu Phần Lan vừa phát hiện sự gia tăng nguy cơ đột quỵ ở những người phải sống tại những khu vực đang áp dụng Quy ước giờ mùa Hè.
Hình ảnh các cục máu đông có khả năng gây tắc mạch máu não và gây ra đột quỵ. (Nguồn: CityLab)

Theo kết quả nghiên cứu chi tiết về các hồ sơ bệnh viện ở Phần Lan trong một thập kỷ qua, đã có nhiều ca bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ trong não do phải sinh hoạt và làm việc sớm theo Quy ước giờ mùa Hè. Chính sự thay đổi trong chu kỳ tự nhiên của cơ thể đứng sau sự gia tăng các ca đột quỵ, các nhà nghiên cứu cho biết.

"Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gián đoạn trong nhịp sinh học của con người làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Chúng tôi muốn tìm hiểu xem sự thay đổi giờ này có thể đặt con người vào nguy cơ như thế nào", tác giả nghiên cứu Jori Ruuskanen của Đại học Turku ở Turku, Phần Lan, cho biết. Những bệnh nhân ung thư có 25% khả năng bị đột quỵ sau khi phải thích ứng theo giờ mùa Hè. Rủi ro cũng cao hơn với khoảng 20% những người trên 65 tuổi.

Quy ước giờ mùa Hè là quy ước chỉnh đồng hồ tăng thêm một khoảng thời gian (thường là 1 giờ) so với giờ tiêu chuẩn, tại một số địa phương của một số quốc gia, trong một giai đoạn (thường là vào mùa Hè) trong năm.

Quy ước này thường được thực hiện tại các nước ôn đới hay gần cực, nơi mà vào mùa Hè, ban ngày bắt đầu sớm hơn so với mùa Đông vài tiếng đồng hồ. Nó có ý nghĩa thực tiễn là giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và sưởi ấm, khi tận dụng ánh sáng ban ngày để làm việc từ sớm, giảm chiếu sáng ban đêm khi đi ngủ sớm. Chính vì ý nghĩa này mà quy ước để đồng hồ sớm thêm 1 giờ được gọi là “giờ tiết kiệm ánh sáng ngày” (Daylight Saving Time) ở Mỹ, Canada hay “giờ mùa Hè” theo cách gọi ở một số nước châu Âu.

Trên thế giới hiện nay, quy ước giờ mùa Hè được áp dụng trên toàn thể Bắc Mỹ, châu Âu, một số nước Trung Ðông, một số nước châu Phi, châu Á và một số quốc gia ở Nam bán cầu.  

(theo CityLab)