Tham vấn giải quyết bế tắc chính trị
Việc Thủ tướng Italy Matteo Renzi chính thức đệ đơn từ chức sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp hôm 7/12 đã khiến Tổng thống Sergio Mattarella phải tiến hành các cuộc tham vấn nhằm đưa nước này thoát khỏi bế tắc chính trị.
Trong ngày 9 và 10/12, Tổng thống Mattarella đã gặp đại diện các chính đảng và các phái trong quốc hội và kết thúc bằng cuộc gặp với đại diện đảng Dân chủ (PD) cầm quyền. Ông Mattarella sẽ công bố kết quả các cuộc tham vấn sớm nhất vào đầu tuần tới.
Việc Thủ tướng Italy Matteo Renzi chính thức đệ đơn từ chức sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp đã khiến Italy rơi vào bế tắc chính trị. (Nguồn: Reuters) |
Được biết, sau khi đệ đơn từ chức, trên trang tin e-news cá nhân, ông Renzi viết: Toàn bộ các chính đảng, chứ không phải ông, mới có thể quyết định cách thức để giải quyết cuộc khủng khoảng chính phủ của Italy. Các chính đảng trong Quốc hội phải gánh vác trách nhiệm và đề nghị với Tổng thống liệu họ muốn một cuộc bầu cử sớm hay là ủng hộ một chính phủ mới.
Việc ông Renzi từ chức khiến Italy đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Italy lâm vào tình huống như vậy. Vào năm 2011, việc Thủ tướng Silvio Berlusconi từ chức cũng đã gây nên một tình huống tương tự cho đến khi một Thủ tướng mới được bổ nhiệm chỉ vài ngày sau, đó là ông Mario Monti.
Dấy lên quan ngại
Không giống kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Anh, theo đó, Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, các vấn đề rắc rối trong cuộc bỏ phiếu ở Italy dường như không có mối liên hệ trực tiếp đến EU. Mặc dù vậy, theo các nhà phân tích, cuộc trưng cầu ý dân này đã làm dấy lên những câu hỏi về tương lai của Eurozone và gia tăng sự quan ngại ở Italy về những gì sẽ xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử kế tiếp. Hai đảng đối lập chủ chốt vốn phản đối kế hoạch cải cách của ông Renzi - đảng Phong trào 5 Sao (M5S) có quan điểm kháng chính thống và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) có quan điểm chống nhập cư - hy vọng sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Nếu một trong hai đảng M5S và LN, hoặc một lực lượng khác có quan điểm hoài nghi về đồng Euro, tìm cách nắm giữ được quyền lực trong cuộc tổng tuyển cử kế tiếp và tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về đồng Euro, cử tri Italy có thể sẽ lựa chọn việc rút khỏi Eurozone. Trên thực tế, một cuộc bỏ phiếu như vậy là không cần thiết, bởi vì chỉ cần mới công bố tiến hành trưng cầu ý dân về vấn đề này cũng đã có thể khiến cho nhiều nhà đầu tư tháo chạy khỏi các ngân hàng ở Nam Âu, dẫn đến sự sụp đổ của Eurozone. Mặc dù kịch bản này ít có khả năng xảy ra, nhưng vẫn không thể bị loại trừ.
Nhằm giảm bớt sự quan ngại về khả năng giành thắng lợi trong tương lai của các chính đảng có quan điểm hoài nghi đối với đồng Euro, Quốc hội Italy sẽ bổ nhiệm một chính phủ mới trong vài ngày tới và mục tiêu của chính phủ này sẽ là cải cách luật bầu cử hiện nay của Italy.
Theo luật bầu cử mới (vẫn chưa được áp dụng kể từ khi được thông qua vào năm 2015 và vẫn đang đối mặt với một số thách thức pháp lý tại Tòa án Hiến pháp), đảng nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với hơn 40% số phiếu thì đảng đó đương nhiên được nhận 55% số ghế. Nếu không có đảng nào giành đủ mức 40%, hai đảng có số phiếu ủng hộ cao nhất sẽ bước vào vòng hai. Nhân vật kế nhiệm ông Renzi có thể sẽ tìm cách thay thế quy định này bằng cơ chế phân bổ số ghế theo tỷ lệ phiếu, buộc các đảng phải thành lập liên minh và giảm bớt cơ hội của M5S trong việc tiếp cận quyền lực. M5S lâu nay luôn từ chối liên minh với những đảng khác.
Những rắc rối về chính trị của Italy dự kiến sẽ kéo dài và có nguy cơ đe dọa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). (Nguồn: Caixin Online) |
Nhưng cho dù có xoa dịu được nguy cơ phải tổ chức bầu cử sớm do các đảng đối lập ở Italy hiện đang gây sức ép, một chính phủ mới sẽ không giải quyết được các vấn đề của Italy. Tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối với các thể chế truyền thống ở Italy có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như dân túy. Tỷ lệ tăng trưởng thấp và sự bất ổn chính trị cũng sẽ tác động mạnh đối với các ngân hàng của Italy, đang phải vật lộn nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới và nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ xấu khổng lồ (360 tỷ Euro).
Nếu Italy buộc phải tiến hành cứu trợ các ngân hàng bằng năng lực tự có, điều đó có thể khiến nước này phải đương đầu với EU. Italy khi đó sẽ phải lựa chọn giữa một bên là cứu các ngân hàng của mình bằng cách dựa vào các nhà đầu tư nhằm tuân thủ các quy định của EU, hoặc đi chệch hướng với các quy định của Brussels, dẫn đến nguy cơ hủy hoại tính đáng tin cậy của toàn bộ hệ thống.
Tuy nhiên, hậu quả tức thời do cuộc trưng cầu ý dân ở Italy vẫn chưa đến mức nghiêm trọng như nhiều người dân Italy và trên thế giới dự kiến. Các thị trường đã phản ứng với sự điềm tĩnh tương đối trong phiên giao dịch ngày 8/12, mặc dù giá cổ phiếu của các ngân hàng Italy bị sụt giảm mạnh, nhưng đồng Euro đã phục hồi trở lại sau khi mất giá mạnh vào lúc đầu. Trong một chừng mực nào đó, các nhà đầu tư đã dự kiến được sự tác động do cuộc trưng cầu ý dân ở Italy gây nên, căn cứ vào các kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Đa số các cuộc thăm dò đều dự báo chính xác kết quả cuộc bỏ phiếu ở Italy, chứ không như trong cuộc bỏ phiếu Brexit.
Các thị trường giờ đây dường như đang đặt cược vào khả năng bầu cử sớm ở Italy và việc ông Renzi chính thức đệ đơn từ chức sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội nước này bổ nhiệm một chính phủ mới. Tuy nhiên, những rắc rối chính trị và khó khăn kinh tế của Italy, cũng như nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và hoài nghi đối với đồng Euro ở nước này, dự kiến vẫn còn lâu mới được giải quyết.