Xung đột Israel-Iran có nguy cơ đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến toàn diện. (Nguồn: Media Line) |
Các sự kiện dồn dập cuối tháng 9, đầu tháng 10 là chỉ dấu rõ ràng về một vòng xoáy căng thẳng mới. Israel đồng thời tấn công trên không và trên bộ nhằm làm suy yếu, loại bỏ các đối thủ. Tel Aviv cho rằng cơ hội đang đến, quyết dùng sức mạnh quân sự thiết lập vành đai an ninh và kỳ vọng vẽ lại bản đồ chính trị ở khu vực có lợi nhất cho mình.
Iran buộc phải chuyển phương thức từ ủy nhiệm là chủ yếu sang đối đầu trực tiếp kết hợp với ủy nhiệm. “Trục kháng chiến” bị tổn thất lớn về lãnh đạo, cơ sở hạ tầng chiến đấu và suy giảm chỗ đứng trong xã hội, nhưng không dễ bị xóa bỏ. Nỗ lực của họ trước tình thế “tồn tại hay không tồn tại” vẫn đáng gờm.
Tình thế khiến Mỹ và đồng minh bộc lộ rõ hơn ý đồ chiến lược đối với khu vực, can dự sâu hơn để giành lợi ích quốc gia, chi phối khu vực thông qua ủng hộ, bảo vệ đồng minh. Mâu thuẫn gia tăng không chỉ giữa các đối thủ trên chiến trường mà cả thế lực chống lưng với xu thế chung kiềm chế, thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc về chấm dứt xung đột ở Trung Đông.
Sau cuộc tập kích lớn đêm 1/10, “quả bóng đang ở chân Israel”. Việc trả đũa gần như chắc chắn. Vấn đề là thời điểm, hình thức, quy mô, phạm vi hành động thế nào mà thôi. Tel Aviv đề ra nhiều phương án và đang tham khảo đồng minh.
Với mục tiêu hàng đầu là làm suy yếu, tiến tới loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở khu vực, Israel sẽ giáng đòn tập kích mạnh vào các mục tiêu quân sự, kinh tế lớn của Iran như cơ quan đầu não, hệ thống phòng không, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, cơ sở dầu khí, năng lượng…
Liệu Israel có nhân cơ hội giáng đòn chí mạng vào cơ sở hạt nhân của Iran không? Khi đó, Iran “không còn gì để mất”, sẽ đáp trả bằng tất cả sức mạnh, dẫn đến nguy cơ bùng phát cuộc chiến toàn diện, lôi kéo nhiều nước tham gia. Cả Tel Aviv và Tehran chưa sẵn sàng tình huống phức tạp với hậu quả rất khó lường như vậy.
Không có sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ, Israel khó phá hủy được công trình ngầm kiên cố của Iran. Thời điểm này, Mỹ cũng không muốn xảy ra cuộc chiến toàn diện, khiến khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát, chiến lược Trung Đông đổ bể, ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần. Cho nên, không loại trừ nhưng nhiều khả năng, cơ sở hạt nhân của Iran vẫn là mục tiêu “để dành”.
Tiềm lực quân sự của Iran cũng "không phải dạng vừa", không thể một nhát mà suy sụp. Tehran tuyên bố kết thúc trả đũa, nhưng sẵn sàng đáp trả cứng rắn, biểu dương lực lượng và động thái mà giới quan sát nghi ngờ là tiến hành vụ thử hạt nhân ngầm vừa qua. Vì thế, các đòn “ăn miếng trả miếng” sẽ khốc liệt, kéo dài, đầy hận thù và ý chí trả thù.
Không loại trừ, Israel tập trung nỗ lực cơ bản xóa sổ sức mạnh chiến đấu của Hamas, Hezbollah, Houthi, để không còn đủ sức tấn công vào lãnh thổ Israel. Nên Tel Aviv sẽ tiến hành trả đũa mạnh hơn, nhưng ở mức chấp nhận được, khiến Tehran không đáp trả. Trạng thái này là mức thấp nhất của xung đột, nhưng cũng chỉ là tạm thời. Xung đột lại sẽ bùng phát khi có nhân tố kích thích. Hiện nay, các nhân tố đó xuất hiện ngày càng nhiều, càng đậm.
Rõ ràng, vòng xoáy xung đột mới sẽ căng thẳng hơn, khó đoán định hơn và khó kiểm soát hơn. Chiến sự có thể đồng thời xảy ra ở Dải Gaza, Lebanon, Yemen, Syria và trực tiếp giữa Israel với Iran. Có nhiều mồi lửa, lôi kéo nhiều nước, tổ chức tham gia, khiến Trung Đông đứng bên bờ vực cuộc chiến toàn diện.
Vòng xoáy leo thang kéo dài đến bao giờ? Khó nói chắc chắn, nhưng sẽ tiếp tục cho đến khi có đột biến, một bên suy yếu hoặc mâu thuẫn cơ bản ở Trung Đông được giải quyết thỏa đáng. Mấu chốt là mâu thuẫn lâu dài giữa Israel và cộng đồng các quốc gia Arab mà tuyến đầu là giữa Israel với Palestine và mâu thuẫn đối kháng giữa Israel với Iran. Vì thế, ở thời điểm hiện nay, đàm phán chấm dứt xung đột lâu dài ở Dải Gaza (giữa Israel với Hamas) và ở Lebanon (giữa Israel với Hezbollah) là bất khả thi.
Bởi nó phụ thuộc vào các nhân tố bên trong và bên ngoài. Chừng nào mà các bên đều toan tính loại bỏ đối phương bằng sức mạnh quân sự, chừng đó chiến sự chưa có cơ hội chấm dứt. Chừng nào nước lớn vẫn không từ bỏ ý đồ thông qua đồng minh để tranh giành lợi ích chiến lược, chi phối khu vực thì chừng đó nguy cơ leo thang căng thẳng vẫn còn.
Các nước lớn có ảnh hưởng ở khu vực, nhất là Mỹ đóng vai trò quan trọng kiềm chế xung đột leo thang. Tuy nhiên, chủ trương của Mỹ là loại bỏ ảnh hưởng của Iran ở khu vực, thiên về bảo vệ đồng minh, tiếp tục hỗ trợ quân sự, tài chính, chính trị, ngoại giao cho Tel Aviv nên Washington khó thuyết phục các đối thủ của Israel, khiến nhiều quốc gia nghi ngại.
Giải pháp Nhà nước Palestine và Nhà nước Do Thái cùng tồn tại trên cơ sở Nghị quyết của Liên hợp quốc là khởi đầu cho hành trình lâu dài giải quyết căn bản vấn đề Trung Đông. Nên việc này khi nào trở thành hiện thực thì cần câu trả lời của thời gian!
Xung đột giữa Israel và các đối thủ khiến hiệu lực các nghị quyết về Trung Đông, vai trò gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc suy giảm, bị lấn át bởi xung đột quân sự. Nỗ lực quốc tế trung gian hòa giải chưa phát huy tác dụng. Nguy cơ kích hoạt xung đột leo thang lấn át các van an toàn, kiềm chế căng thẳng. Vì thế, mâu thuẫn, xung đột ở Trung Đông là vấn đề lâu dài, vô cùng khó khăn, chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.