📞

Nguy hiểm không kém biến thể mới ở Anh, biến thể ở Nam Phi còn kháng cả vaccine Covid-19

Khánh Linh 18:06 | 31/01/2021
TGVN. Những dữ liệu mới đây cho thấy hai loại vaccine Covid-19 được triển khai ở Nam Phi kém hiệu quả hơn nhiều so với những lần thử nghiệm trước đó, làm dấy lên lo ngại virus SARS-CoV-2 đang tìm cách lẩn tránh phản ứng miễn dịch được tạo ra do vaccine.
Các thử nghiệm cho thấy, vaccine Covid-19 có hiệu suất yếu với biến thể mới ở Nam Phi. (Nguồn: Getty Images)

Tuần qua, Công ty Novavax của Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy, mặc dù vaccine Covid-19 do công ty sản xuất có hiệu quả gần 90% trong các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành ở Anh, con số này đã giảm xuống chỉ còn 49% ở Nam Phi.

Đáng chú ý, gần như tất cả các ca nhiễm mà công ty phân tích ở Nam Phi đều liên quan đến B 1.351 – một biến thể mới của baoquocte.vn/dich-covid-19-bien-the-moi-cua-sars-cov-2-tu-anh-duoc-phat-hien-tai-viet-nam-nguy-hiem-den-muc-nao-132997.html. Biến thể ở Nam Phi lần đầu tiên được phát hiện ở khu vực Vịnh Nelson Mandela hồi tháng 10. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nó đã xuất hiện và lưu hành kể từ tháng 8, sau đó lan rộng khắp khu vực, bao gồm Cape Town - một địa điểm du lịch nổi tiếng.

Trong khi đó, theo hãng Johnson & Johnson ngày 29/1, loại vaccine mới của hãng có hiệu quả 72% trong việc ngăn ngừa virus ở các bệnh nhân mắc bệnh vừa và nặng ở Mỹ. Tỷ lệ này lần lượt là 66% ở Mỹ Latinh và 57% ở Nam Phi.

Các thử nghiệm được thực hiện trong các phòng thí nghiệm cũng cho thấy, các vaccine từ Mỹ (hãng Pfizer-BioNTech, hãng Moderna và Viện Y tế Quốc gia) kích hoạt phản ứng miễn dịch thấp hơn đối với biến thể ở Nam Phi.

Trước đây, các nhà nghiên cứu từng tin rằng phải mất vài tháng, thậm chí vài năm, virus SARS-CoV-2 mới có khả năng kháng vaccine. Trên thực tế, tốc độ này đã được đẩy nhanh hơn do sự lây lan không kiểm soát của virus. Thế giới hiện đang có hơn 100 triệu người nhiễm bệnh nên mỗi ca nhiễm sẽ là cơ hội để virus đột biến ngẫu nhiên.

Theo các nhà khoa học, mỗi đột biến xảy ra sẽ tạo lợi thế cho virus – ví dụ như khả năng chống lại cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể - cơ sở tạo nên một biến thể mạnh hơn. Quá trình này đang diễn ra thông qua những dấu hiệu như số lượng đáng kể người bị tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Dường như, việc hệ thống miễn dịch được “đào tạo” từ lần lây nhiễm đầu tiên đã không thể bảo vệ được người bệnh trước những biến thể mới của virus.

Các nhà khoa học tại hãng dược phẩm Moderna và Pfizer-BioNTech lo lắng, điều tương tự có thể xảy ra với cơ chế miễn dịch mà vaccine của hãng tạo ra.

Tại phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã lấy một số biến thể mới của virus và cho chúng tiếp xúc với mẫu máu của những người đã được tiêm chủng. Kết quả cho thấy, các kháng thể trung hòa được tạo ra để đáp ứng với vaccine của Moderna có hiệu quả ngang nhau đối với virus SARS-CoV-2 ban đầu và chủng B.1.1.7 xuất hiện ở Vương quốc Anh, nhưng lại kém hiệu quả hơn nhiều đối với chủng ở Nam Phi. Trong khi đó, so với các biến thể khác, vaccine của hãng Pfizer chỉ kém hiệu quả hơn một chút đối với biến thể Nam Phi.

Các chuyên gia về dịch tễ học cho rằng, hiệu suất yếu hơn của vaccine ở Nam Phi gần như chắc chắn là do sự mạnh lên của biến thể.

Dù vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo, các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm là mô hình không hoàn hảo vì những gì diễn ra trong cơ thể người phức tạp hơn nhiều.

Hãng Novavax cũng cho rằng, nghiên cứu ở Nam Phi, được thực hiện trên khoảng 4.400 bệnh nhân, là quá nhỏ để đưa ra một phép đo chính xác về hiệu quả của vaccine.

Tiến sĩ Marc Lipsitch, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Havard lưu ý, một số thành phần trong hệ thống miễn dịch như tế bào T có thể đóng vai trò chống lại một biến thể, ngay cả khi các kháng thể trung hòa bị thiếu hụt. Đó là lý do vì sao cuộc thử nghiệm của công ty Novavax về sự tương tác giữa các biến thể và vaccine, rất đáng lưu tâm.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy, trên bề mặt của virus thuộc biến thể mới, lượng protein tăng đột biến trong khi các loại vaccine Covid-19 hiện tại mới chỉ “huấn luyện” hệ thống miễn dịch nhận ra một số protein nhất định.

Tiến sĩ Michael Mina, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Havard ví cơ chế này giống như việc truy lùng tội phạm bằng cách ghi nhớ bề ngoài chỉ có mũi và miệng. Lúc đầu, dữ kiện có vẻ đủ, nhưng nếu tên tội phạm chỉnh sửa mũi, các nhà điều tra chắc chắn sẽ mong có thêm thông tin về mắt, tai và tóc của nghi phạm.

Vì vậy, Tiến sĩ Mina cho rằng, thế giới cần có một kho vaccine đa dạng hơn, sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm biến thể ở Nam Phi

Theo thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các nhà khoa học của Viện đã lấy mẫu, xét nghiệm Covid-19 và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên các bệnh nhân tại khu vực phía Bắc, trong đó hầu hết là các ca nhập cảnh. Kết quả hiện đã xác định, một bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.

Trước đó, ngày 24/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 công bố, Việt Nam ghi nhận có thêm 12 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có một chuyên gia người Nam Phi, là bệnh nhân 1422 (25 tuổi) được cách ly tại Hà Nội, là chuyên gia, quốc tịch Nam Phi.

Ngày 19/12, bệnh nhân này từ Nam Phi quá cảnh Doha Qatar nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) trên chuyến bay QR976, được cách ly ngay, lấy mẫu xét nghiệm tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 23/12, bệnh nhân dương tính với virus SAR-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

(theo AP)