Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên tại buổi nói chuyện chuyên đề về Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh tháng 5/2020. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Tư duy đối ngoại đóng vai trò quan trọng trong định hướng công tác đối ngoại của ta. Để có được “kim chỉ nam” đó chắc hẳn không phải là một hành trình đơn giản, thưa ông?
Ai cũng thấy rằng tư duy đối ngoại luôn cần đổi mới để thích nghi với tình hình. Thế nhưng, khi đi vào cụ thể, đây là một vấn đề không đơn giản, nhất là đối với những vấn đề lớn.
Đổi mới tư duy đối ngoại đòi hỏi ngành ngoại giao cũng như “tư lệnh” ngành ngoại giao phải có phương pháp khoa học, logic, tâm lý để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong đường lối đối ngoại. Để đổi mới cũng cần phải có sự dũng cảm. Làm công tác đối ngoại, muốn đứng mũi chịu sào, đề xuất những cái mới thì không được rụt rè. Đây là một sự phấn đấu gian khó.
Càng suy ngẫm càng thấy tư tưởng Hồ Chí Minh thật vĩ đại! Thật phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam! Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Nguyễn Dy Niên giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 2/2000 đến tháng 6/2006. Suốt hơn 50 năm công tác trong ngành Ngoại giao, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Ngành và đất nước. Ông là người đầu tiên tổng kết những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại giao và xây dựng khá đầy đủ những tư tưởng này thành một hệ thống "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh"; đồng thời vận dụng một cách có hệ thống và hiệu quả "Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh" vào hoạt động đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. |
Nhớ lại, năm 2003, Mỹ đưa quân vào Iraq. Lúc đó, tại Việt Nam, tinh thần chống sự can thiệp của nước ngoài vào nội bộ của nước khác là rất cao.
Vì vậy, phản ứng của Việt Nam trước động thái của Mỹ như thế nào cho đúng là một câu hỏi đặt ra đối với chúng ta.
Trước vấn đề này, có hai luồng ý kiến, một phía cho rằng Việt Nam cần lên án mạnh mẽ sự can thiệp của Mỹ vào Iraq; phía khác thì cho rằng Việt Nam chỉ cần lên tiếng ở mức vừa phải, nhắc đến chung chung các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế.
Tôi nghiêng về ý kiến thứ hai, rõ ràng phải đặt lợi ích dân tộc lên cao nhất mà cụ thể là cải thiện quan hệ với Mỹ.
Khi đã đến lúc Việt Nam cần đưa ra một quan điểm rõ ràng, tôi đang tham dự một cuộc họp tại Malaysia có điện về nước và chỉ nói một câu rằng: “Nếu chúng ta làm mạnh, hơn 20 năm qua, công lao để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ mất trắng và buộc phải làm lại từ đầu”.
Cuối cùng, chúng ta đã theo hướng lên tiếng ở mức vừa phải và chỉ nhắc đến chung chung các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế.
“Vai trò tiên phong của đối ngoại” được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ông đánh giá như thế nào về vai trò tiên phong này?
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò tiên phong của đối ngoại là vô cùng đúng đắn.
Thời chiến, người chiến sĩ quốc phòng đứng ra hàng đầu để bảo vệ Tổ quốc, thế nhưng trong thời bình, để xây dựng đất nước, “người lính” đối ngoại phải đi đầu. Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ từ sớm, từ xa, đó là nhiệm vụ quan trọng của đối ngoại.
Thế và lực của đất nước hiện tại rất thuận lợi cho đối ngoại.
Đối ngoại là cánh tay nối dài của đối nội. Đây là một cánh tay rất cần chủ động và để chủ động được thì đối ngoại phải phối hợp được với thực lực trong nước như kinh tế vững mạnh, an ninh vững vàng. Đối ngoại không được đứng ngoài mà phải góp phần vào những nỗ lực chung của đất nước.
Phải có thế và lực thì ngoại giao mới có thể phát triển. Hiện nay, bối cảnh quốc tế vô cùng thuận lợi cho Việt Nam. Đây là lúc Việt Nam có thể phát huy tốt vai trò và vị thế của mình.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã mở rộng cánh cửa cho ngoại giao có thể tiến nhanh, vững vàng hơn trước. Rõ ràng, những tiềm năng cho ngoại giao Việt Nam, nhất là tiềm năng về con người, vị trí địa chính trị vô cùng to lớn.
Thêm nữa, cán bộ ngoại giao Việt Nam ngày nay được đào tạo bài bản, kế thừa bài học kinh nghiệm của nhiều thế hệ đi trước, nếu có được bản lĩnh vững vàng thì hoàn toàn có thể khai phá những cánh cửa mới.
Tư duy về đối ngoại song phương và đa phương theo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có những bước phát triển mới. Theo đó, Việt Nam về song phương cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”; về đa phương cần “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò". Ông nhìn nhận những bước phát triển này như thế nào?
Đối với ngoại giao đa phương, sự chủ động, tích cực tham gia và đưa ra các sáng kiến của Việt Nam tại các tổ chức đa phương rất quan trọng. Việt Nam đã và đang làm rất tốt điều này, thể hiện qua những đóng góp tại các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… Việt Nam cũng đã tham gia rất tích cực vào Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Về song phương, đúng là chúng ta chủ trương đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, đồng thời cần “tạo thế đan xen lợi ích” và “tăng độ tin cậy”.
Việc xây dựng lòng tin này phải tạo dựng từ những việc làm cụ thể. Những cam kết hợp tác phải hiện thực hóa để đối tác không hoài nghi mà tin tưởng hoàn toàn vào Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!