Nguyễn Cơ Thạch: Kiến trúc sư của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Ngoại giao của nước nhà tại những thời điểm quan trọng nhất của đất nước và trong việc xây dựng ngành Ngoại giao. Là người được làm việc bên cạnh Bộ trưởng trong một thời gian dài, tác giả bài viết tóm lược những đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực đối ngoại của đất nước cũng như trong công tác xây dựng ngành Ngoại giao.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Bác Hồ và một số đồng chí lãnh đạo cùng gia đình tại Việt Bắc. (Đ/C Nguyễn Cơ Thạch đứng thứ 3 hàng sau, từ phải sang).

Giai đoạn 1954-1975

Tôi có vinh dự được làm việc dưới sự chỉ đạo của anh Nguyễn Cơ Thạch ngay từ khi mới bước chân vào Bộ Ngoại giao (BNG). Nguyên là năm 1956, sau khi học xong lớp Phiên dịch tiếng Anh của Bộ, tôi cùng anh Nguyễn Dy Niên và anh Đặng Phong Hoàn được cử sang công tác ở Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) nước ta mới mở tại New Delhi, Ấn Độ. Anh Thạch đã sang làm Tổng Lãnh sự ở đó sáu tháng trước. Lúc đầu, tôi được phân công làm thường trực của TLSQ nên cũng có nhiều thì giờ để học thêm tiếng Anh qua giao dịch với khách. Khi không có khách thì đem sách ra học. Thủ trưởng Thạch thấy tôi lúc nào cũng cầm sách học nên luôn thăm hỏi và động viên thêm. TLSQ hồi ấy chỉ khoảng trên dưới 10 người. Ba tháng sau, tôi được phân công làm thư ký riêng cho đồng chí Nguyễn Cơ Thạch. Nhiệm vụ của tôi là báo cáo, nhắc nhở giờ giấc các hoạt động hàng ngày của anh Thạch và phiên dịch cho anh Thạch khi đi dự các cuộc chiêu đãi của Ngoại giao Đoàn. Tôi đã hết sức cố gắng ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ mới. Với cương vị công tác này, tôi đã đi theo phiên dịch cho anh Thạch trên 300 cuộc chiêu đãi. Công việc này là rất khó khăn vì trình độ Anh văn của tôi còn quá non, nhiều khi phải biến báo mới dịch được hết ý. Thấy tôi làm "tốt" như vậy, chẳng bao lâu sau anh Thạch chuyển tôi sang làm công tác báo chí, phụ trách việc xuất bản Bản tin hàng tháng của TLSQ và vận động báo chí để chuẩn bị cho chuyến thăm Ấn Độ của Hồ Chủ tịch (tháng 2/1958).

Anh Thạch rất coi trọng chuyến thăm này của Hồ Chủ tịch vì đây là chuyến thăm đầu tiên của Người sang một nước lớn không phải là XHCN. Hơn nữa, Ấn Độ là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát việc thi hành Hiệp định Geneva về Đông Dương. Cho nên trước chuyến thăm của Hồ Chủ tịch, Ấn Độ đón Ngô Đình Diệm để giữ thế cân bằng. Để chuẩn bị tốt cho chuyến thăm, anh Thạch bảo không những phải tranh thủ Ấn Độ đón tiếp thật trọng thể Hồ Chủ tịch, mà còn phải làm cho chuyến đi trở thành một cột mốc đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới và trở thành nền tảng của tình hữu nghị đời đời giữa hai dân tộc. Với mục đích đó, anh Thạch chủ trương phải đi sâu nghiên cứu quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc và lãnh tụ của hai nước. Do TLSQ ít người, Anh đã cho thuê một người Ấn Độ tiến bộ (do ĐCS Ấn Độ giới thiệu) để sưu tầm tài liệu về quan hệ hai nước. Anh em TLSQ (trong đó có tôi) cũng được phân công đến các thư viện lớn của Ấn Độ để tìm tài liệu. Kết quả là đã sưu tầm được một số lượng lớn tài liệu. Ngày đêm bản thân anh Thạch, anh Lưu Đoàn Huynh (Chánh Văn phòng) và tôi chia nhau đọc.

Kết quả thật khả quan, qua đợt nghiên cứu này, chúng tôi thấy được một số điểm rất hay, thiết thực phục vụ cho chuyến thăm của Hồ Chủ tịch. Một là, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có từ rất lâu đời, có đến 1-2 ngàn năm trước. Hai là, ảnh hưởng của Ấn Độ đối với Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là bằng con đường văn hóa, tôn giáo (đạo Phật). Ba là, bản thân gia đình của Thủ tướng Nehru là một gia đình trí thức tiến bộ. Thân sinh Thủ tướng Nehru là cụ Motilal Nehru, một chiến sĩ chống đế quốc và đã gặp Hồ Chủ tịch tại Brussels (Bỉ) năm 1927 tại Hội nghị Quốc tế đại biểu các dân tộc bị áp bức. Anh Thạch đã báo cáo những chi tiết này về nhà trình Hồ Chủ tịch và được khen ngợi. Mặt khác, TLSQ cũng dùng những mối quan hệ lâu đời để vận động báo chí và các đoàn thể quần chúng trong tuyên truyền chuẩn bị cho chuyến thăm. Kết quả chuyến thăm đã thành công vượt sự mong đợi. Thật tình anh Thạch cũng không biết có phải do báo cáo của TLSQ hay không mà khi gặp Thủ tướng Nehru ra sân bay đón, Bác đã nói với Nehru là Bác có mang theo một vòng hoa để đến viếng mộ cụ Motilal. Việc làm này đã làm cho Thủ tướng Nehru hết sức xúc động và quan hệ giữa hai vị lãnh tụ trở nên hết sức thân mật ngay từ đầu chuyến thăm.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh kỷ niệm với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Ngoại giao Võ Đông Giang, các Đại sứ Mai Văn Bộ, Phạm Bình và một số Đại sứ, Vụ trưởng Bộ Ngoại giao tại Hội nghị Ngoại giao, tháng 4/1985.


Sau khi hết nhiệm kỳ công tác ở Ấn Độ về nước, anh Thạch được đề bạt làm Thứ trưởng BNG. Tình hình ở Lào lúc đó rất phức tạp. Anh được Bộ Chính trị (BCT) cử làm Phó Trưởng đoàn (và sau đó là Quyền Trưởng đoàn) tại Hội nghị Quốc tế Geneva về Lào. Đây là lần đầu tiên anh Thạch dự một hội nghị quốc tế có thành phần đủ cả các nước lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Song với kiến thức về tình hình Lào do anh tự theo dõi nghiên cứu cùng bản lĩnh chính trị vững vàng của mình, với những lập luận sắc bén về luật pháp quốc tế mà anh đã tự học, anh Thạch đã thuyết phục được Hội nghị chấp nhận phương án giải quyết vấn đề Lào do Việt Nam đề xuất. Luật sư Trần Công Tường, một thành viên của Đoàn đã khen: "Qua Hội nghị này, Nguyễn Cơ Thạch đã trở thành một luật sư thực thụ".

Năm 1964, sau khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, anh Thạch được BCT giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh chống Mỹ. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời xem đây là dịp tốt để tổ chức lại bộ máy nghiên cứu của BNG, anh Thạch đã thành lập ba vụ mới trong Bộ: Vụ I chuyên theo dõi động thái hàng ngày của Mỹ, Vụ II chuyên lo đối sách và Vụ Nghiên cứu tư liệu chuyên nghiên cứu cơ bản về Mỹ. Đồng thời, để thu hút các đơn vị trong Bộ tham gia công tác theo dõi âm mưu, ý đồ toàn cầu của Mỹ, anh Thạch đã chỉ thị tất cả các vụ khu vực phải theo dõi hoạt động và ý đồ của Mỹ trong quan hệ song phương với các nước, đặc biệt với các nước lớn. Mặt khác, bản thân anh Thạch cũng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu chiến lược, chiến thuật, thủ đoạn ngoại giao của Mỹ, nhất là đối với Việt Nam. Anh đã chỉ thị cho các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài tìm mua sách báo nói về các vấn đề trên gửi về nước để anh tự nghiên cứu, hoặc phân công cho cán bộ giỏi ngoại ngữ đọc rồi báo cáo lại. Kết quả của công tác nghiên cứu này đã thường xuyên được báo cáo lên BCT, giúp BCT đề ra các bước đi thích hợp trong cuộc đấu tranh với Mỹ. Anh Thạch thường xuyên được trường Nguyễn Ái Quốc và các Học viện khác mời giảng về Mỹ. BCT rất tin tưởng anh và xem anh như là chuyên gia số một về Mỹ. Do đó, trong thời kỳ đầu đàm phán Paris, anh Thạch đã được giữ lại ở nhà để giúp BCT theo dõi Hội nghị, chuyển ý kiến chỉ đạo của BCT đến Đoàn đàm phán.

Sau chiến thắng Xuân - Hè (1972), BCT chủ trương chuyển chiến lược đàm phán từ chiến lược chiến tranh sang chiến lược hòa bình và chỉ thị cho Tiểu ban CP50 (thành lập năm 1971) do anh phụ trách soạn thảo "Dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam". Suốt ba tháng liền dưới sự chỉ đạo của anh Thạch, CP50 đã xây dựng xong dự thảo. Anh làm việc miệt mài suốt ngày đêm, cân nhắc, chỉnh sửa từng chữ, từng điều khoản và cuối cùng đã được BCT thông qua và ngày 8/10/1972 đồng chí Lê Đức Thọ đã chuyển cho phái đoàn Mỹ ở Paris.

Để giúp thực hiện việc chuyển chiến lược này, BCT đồng thời cử anh Thạch sang Paris làm trợ lý cho đồng chí Lê Đức Thọ kiêm Trưởng Đoàn chuyên viên của phái Đoàn ta. Trong buổi thông báo nội bộ của Đoàn, anh Phan Hiền (Sau Hội nghị Paris, là Thứ trưởng Ngoại giao, sau đó làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp) cũng là chuyên viên của Đoàn đã cho anh em biết: "Lần này anh Sáu (Lê Đức Thọ) sang có mang theo cả Pele (huyền thoại bóng đá người Brazil thời đó) để chuyên làm bàn". Anh em phấn khởi vỗ tay ầm lên. Là người chủ trì việc khởi thảo Dự thảo Hiệp định, anh Thạch thuộc lòng từng điều khoản, từng câu, từng chữ của Dự thảo Hiệp định. Anh lại rất thông thạo về luật pháp quốc tế. Kissinger, người đối thoại chính của Cố vấn Lê Đức Thọ rất gờm anh Thạch đến mức Kissinger gợi ý với Lê Đức Thọ là đừng để ông Thạch dự các cuộc họp hẹp vì "cứ mỗi lần chúng ta đi gần đến thỏa thuận thì ông Thạch lại viết giấy đưa cho ông Cố vấn".

Tuy trong đấu tranh trên bàn hội nghị không nhân nhượng và kiên quyết bảo vệ lợi ích của dân tộc, đường lối của Đảng trong quan hệ với Mỹ, nhưng vốn là người có tầm nhìn chiến lược anh Thạch luôn luôn có thái độ thân mật, thậm chí biết hài hước và không làm cho đối phương tự ái mà vẫn đạt được mục đích của mình.

Từ 1975 đến đầu thập kỷ1990

Sau Hội nghị Paris, anh Nguyễn Cơ Thạch được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao. Lúc đó bối cảnh quốc tế của nước ta bị xấu đi nghiêm trọng, nhất là vào cuối những năm 1970. Các thế lực thù địch đã lợi dụng việc ta đưa quân vào Campuchia giúp nhân dân bạn đánh diệt bè lũ diệt chủng Pôn Pốt để tiến hành bao vây cấm vận nhằm cô lập nước ta trên trường quốc tế. Tình hình đó đặt ra cho ngoại giao nước ta nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp.

Việc Trung Quốc (TQ) xua 60 vạn quân tiến đánh nước ta vào tháng 2/1979 dưới danh nghĩa "dạy cho Việt Nam một bài học" đã biến quan hệ hai nước từ đồng minh chuyển sang thù địch. Trong bối cảnh phức tạp đó, anh Nguyễn Cơ Thạch đã chỉ ra cho cán bộ nhân viên BNG thấy rằng "cuộc hành quân xâm lược của TQ chỉ là một cuộc phô trương lực lượng nhằm cổ vũ các nước ASEAN và phương Tây, đặc biệt là Mỹ tiếp tục chống ta về vấn đề Campuchia và sẽ sớm chấm dứt". Trước sau như một, anh Thạch vẫn chủ trương giải quyết những bất đồng với TQ thông qua tiếp xúc và thương lượng hòa bình để bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Do đó, sau khi TQ tuyên bố rút quân khỏi 6 tỉnh biên giới, anh Thạch đã báo cáo với BCT về phương án đề nghị với TQ mở các cuộc đàm phán nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Các cuộc đàm phán với TQ đã được mở ra ở Hà Nội và Bắc Kinh. Tuy chưa đạt được kết quả gì, nhưng các cuộc đàm phán này đã làm cho các nước ASEAN và Mỹ thấy rằng TQ vẫn không có ý cắt đứt quan hệ với VN. Trong lúc chưa có thể nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp và chính thức với TQ, anh Nguyễn Cơ Thạch đã tranh thủ tiếp xúc với Đại sứ của TQ ở Hà Nội và nhất là với Bộ trưởng Ngoại giao TQ trong thời gian dự họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York. Anh Thạch đã hai năm liền đến dự Lễ Quốc khánh của TQ tổ chức tại trụ sở của LHQ, do Bộ trưởng Ngoại giao TQ mời. Mặt khác, để tỏ thiện chí với TQ và thay đổi nhận thức về TQ trong toàn Đảng và toàn dân, anh Thạch đã trình lên BCT (20/5/1987) kiến nghị của BNG bỏ câu "Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất" trong lời nói đầu của Hiến Pháp và Điều lệ Đảng và đã được đồng ý.

Để chống lại âm mưu của các lực lượng thù địch nhằm bao vây cấm vận nước ta, anh Thạch đã nghĩ ngay đến việc làm dịu quan hệ với Mỹ. Với mục đích này, anh Thạch đã đề nghị với BCT từng bước giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh. Đã hai lần ta đón tiếp Tướng Vesey, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về người Mỹ mất tích (MIA - POW). Đồng thời anh Thạch đã kiến nghị BCT hủy bỏ việc đòi Mỹ bồi thường chiến tranh. (Anh đã nghiên cứu lại bức thư của Nixon gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc Mỹ sẽ đóng góp để hàn gắn vết thương chiến tranh và phát hiện ra câu mà Kissinger đã thêm vào ở cuối thư là: "Hai bên sẽ nghiêm chỉnh thực hiện cam kết này theo đúng luật pháp của mỗi nước"). Như vậy là đã rõ. Điều này cho thấy không bao giờ ta có được sự bồi thường của Mỹ. Việc ta cứ tiếp tục đòi Nixon phải thực hiện điều Mỹ đã cam kết chỉ làm cho quan hệ hai nước càng khó được cải thiện. Dù Nixon có "thiện chí" muốn đóng góp thì Quốc hội Mỹ cũng phủ quyết. Mà Nixon thì không bao giờ có thiện chí đó.

Những sáng kiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã thúc đẩy một bước việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Ngày 18/7/1990, Ngoại trưởng Mỹ James Baker tuyên bố Hoa Kỳ không ủng hộ ghế của Campuchia Dân chủ tại LHQ và sẽ đàm phán trực tiếp với VN để tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tiếp đó, ngày 17/10/1990, Ngoại trưởng Mỹ đã chính thức mời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch sang thăm Mỹ.

Qua những sự kiện này có thể thấy hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã giúp khởi động cho quá trình đi đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước diễn ra 5 năm sau đó dưới thời Tổng thống Clinton. Sự chuyển động trong quan hệ giữa ta và Mỹ đã có tác động to lớn góp phần làm sụp đổ hàng rào bao vây cấm vận kéo dài 10 năm do các thế lực thù địch dựng lên chống ta chung quanh vấn đề Campuchia. Do thấy Mỹ liên tục cử đoàn, gồm các quan chức cấp cao của Chính phủ và Quốc hội đến VN, các nước phương Tây khác cũng bắt đầu cải thiện quan hệ với ta. Pháp ký Nghị định thư viện trợ cho VN (1982) và Ngoại trưởng Pháp thăm VN (1983). Tiếp sau đó Ngoại trưởng Phần Lan (1984) và Ngoại trưởng Thụy Điển (1985) thăm VN. Cũng trong thời gian này, Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) nối lại viện trợ lương thực cho ta để khắc phục thiên tai. Ngoại trưởng Tây Đức (1980) và Ngoại trưởng Nhật Bản (1984) đã đón Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Trong cuộc đấu tranh ngoại giao về vấn đề Campuchia, được sự ủy nhiệm của BCT, anh Nguyễn Cơ Thạch hầu như được toàn quyền hoạt động (lúc cần thiết thì trao đổi ý kiến với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đồng chí Lê Đức Thọ). Trước tiên, theo sáng kiến của anh Thạch và được lãnh đạo Lào và Campuchia đồng ý, Hội nghị Ngoại trưởng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã họp 6 tháng một lần, với địa điểm luân phiên giữa ba nước. Sau mỗi lần họp, có một cuộc họp báo quốc tế để công bố những sáng kiến mới của ba nước về giải pháp cho vấn đề Campuchia. Tại các cuộc họp báo này, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch thường phải "đứng mũi chịu sào" và thật thú vị là hầu hết phóng viên các nước ASEAN và phương Tây tác nghiệp ở Thái Lan đã đến tham dự để nghe Bộ trưởng Thạch nói. Anh Thạch là người có tài hùng biện, rất có duyên với báo giới nên các cuộc họp báo này là những dịp rất tốt để giải thích chính sách của ta và qua các phóng viên vốn rất thích thú lắng nghe anh Thạch nói, giúp dư luận dần dần có nhận thức rõ hơn về sự thật cái gọi là "vấn đề Campuchia", nhất là việc ta có quân ở Campuchia chỉ là nhằm giúp nhân dân bạn chống lại nạn diệt chủng Pôn Pốt.

Hai là, anh Thạch với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao VN hàng năm có sang trao đổi với Ngoại trưởng các nước ASEAN về vấn đề Campuchia. Các Ngoại trưởng ASEAN tuy không thể sang VN vì họ đang "bao vây cấm vận" VN, nhưng họ rất muốn biết ý đồ thực sự của VN, do vậy họ đón tiếp Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch rất trọng thị và thân tình. Tuy lúc bấy giờ Thái Lan được các nước ASEAN xem như là "nước tiền tuyến" trong cuộc đối đầu với ba nước Đông Dương, nhưng tại Thái Lan, nguyên Thủ tướng Kriengsak và đương kim Phó Thủ tướng lúc đó là Pichai Ratakul lại nhận anh Thạch làm anh em. Việc này đã ảnh hưởng đến thái độ của đương kim Ngoại trưởng Thái Lan Xa-vet Xila vốn có lập trường cứng rắn trong vấn đề Campuchia. Ở Philippines, Ngoại trưởng Alberto Gatmaitan Romulo, một chính khách nổi tiếng từ thời Thế chiến II đã ra tận sân bay đón anh Thạch. Tổng thống Philippines Ferdinand Macos đã cho máy bay riêng của mình chở Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đi tham quan Viện lúa quốc tế IRRI. Đặc biệt thân tình là các cuộc làm việc ở Indonesia và Malaysia. Ở đây các nhà lãnh đạo đã nói với đoàn VN là họ hoàn toàn hiểu sự lo ngại của ta về các thế lực thù địch, nhất là các lực lượng đứng sau Pôn Pốt. Việc ta đưa quân vào Campuchia để diệt bè lũ Pôn Pốt là đúng, nhưng không nên ở lâu quá gây ra một tiền lệ nguy hiểm ở Đông Nam Á.

Do kết quả của các cuộc đi thăm và trao đổi trực tiếp với Ngoại trưởng của các nước ASEAN (đặc biệt với Ngoại trưởng Indonesia) và nhất là việc VN hoàn thành việc rút quân tình nguyện ở Campuchia về nước tháng 9/1989, (Anh Thạch là người đề xuất với BCT chủ trương này từ năm 1982), quan hệ đối thoại giữa ba nước VN, Lào và Campuchia với các nước ASEAN được chính thức xác lập, tạo điều kiện thuận lợi cho thành công của Hội nghị Paris về Campuchia, thể hiện qua Hiệp định giải quyết vấn đề Campuchia (1991). Tuy rằng lúc này anh Thạch không còn là Ngoại trưởng của VN và Hiệp định Paris không diễn ra theo cách ta mong muốn, nhưng hai điểm cốt lõi của Hiệp định mà anh Thạch luôn giữ vững trong các cuộc đối thoại với các nước ASEAN đã được thực hiện. Đó là (i) loại trừ chủ nghĩa diệt chủng, và (ii) sự liên hiệp giữa chính phủ Hunsen và Sihanouk. (Ít người biết rằng chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã bàn và khuyến khích ông Hunsen sang Pháp gặp Hoàng thân Sihanouk từ năm 1983).

Lãnh đạo các nước rất khâm phục và quý mến anh Nguyễn Cơ Thạch. Anh là Bộ trưởng VN không những được giới học giả, báo chí thế giới yêu mến và kính trọng, mà còn được rất nhiều bạn đồng nghiệp ở các nước ASEAN, các nước XHCN và một số nước phương Tây khâm phục.

Xây dựng ngành Ngoại giao

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến công lao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nếu không đề cập đến đóng góp của anh trong việc xây dựng BNG trưởng thành như ngày nay. Sau khi đất nước được thống nhất và BNG của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được sáp nhập vào BNG của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhận thấy cần phải tổ chức lại BNG cả về cơ cấu tổ chức bộ máy lãnh đạo lẫn nội dung hoạt động và công tác đào tạo cán bộ. Anh Thạch coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng phải làm với phương châm là "tiến hành từng bước và việc gì cần làm trước thì làm trước".

Chủ tịch Trường Chinh tiếp Đoàn cán bộ ngoại giao dự Hội nghị Ngoại giao do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch dẫn đầu đến chào Chủ tịch Trường Chinh (Hà Nội, 1983).


Việc đầu tiên mà Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch triển khai ngay sau năm 1975 là tổ chức lại công tác nghiên cứu của Bộ. Dưới sự chỉ đạo của anh Thạch, công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược của Bộ đã được đầu tư thích đáng cả về trí tuệ lẫn vật chất, từ đó BNG đã làm tốt chức năng tham mưu cho Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, góp phần đề xuất nhiều chủ trương đường lối cũng như biện pháp cụ thể trong việc triển khai đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới. Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu của toàn Ngành, nhằm nắm vững tình hình thế giới, về mặt tổ chức anh Thạch đã quyết định: (i) đưa tổ Động thái thuộc Vụ I lên Văn phòng Bộ để ra Bản tin A và thông báo tin tức cho toàn Bộ mỗi buổi sáng; (ii) thành lập Vụ Bắc Mỹ trên cơ sở sáp nhập Vụ I và Vụ II; và (iii) thành lập Viện Quan hệ Quốc tế trên cơ sở sáp nhập Trường Đại học Ngoại giao và Vụ Nghiên cứu tư liệu. Đồng thời, anh Thạch chỉ thị tất cả các Vụ trong Bộ phải có các công trình nghiên cứu cấp Vụ về các vấn đề cơ bản liên quan đến nước hoặc khu vực mình phụ trách. Trong phạm vi Bộ, hàng tháng, 6 tháng và hàng năm phải có sơ kết, tổng kết tình hình thế giới và khu vực, công tác đối ngoại của ta trong thời gian đó. Hàng ngày vào đầu giờ làm việc, Bộ đã thực hiện đều đặn họp giao ban và cập nhật thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo của Bộ từ cấp Phòng trở lên.

Để giúp anh em có thể làm tốt công tác nghiên cứu, anh Thạch đã đích thân giảng về phương pháp nghiên cứu ngoại giao, kết hợp phân tích chi tiết và đánh giá tổng hợp để tìm ra chân lý và rút ra kết luận cần thiết về các vấn đề nghiên cứu. Công tác nghiên cứu của Bộ có nề nếp như hiện nay là nhờ sự khởi động này của Bộ trưởng Thạch. Anh Thạch còn trực tiếp chỉ đạo nhóm xây dựng chiến lược về Mỹ, Trung Quốc, Liên Xô, Nhật Bản, Tây Âu. Nhóm này gồm các đồng chí Vụ trưởng, chuyên gia lão thành của Bộ được tập trung thời gian ba năm để xây dựng các chiến lược nhằm tham mưu cho BCT đưa ra các quyết sách đúng đắn với các nước lớn nói trên.

Việc thứ hai mà anh Thạch khởi xướng là công tác ngoại giao kinh tế. Đây là công việc rất mới mẻ đối với nước ta, nên thời gian đầu khi triển khai đã gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhất là về quan điểm BNG có nên làm nhiệm vụ ngoại giao kinh tế hay không. Nhiều người, trong đó có cả những cán bộ được điều động tham gia không tán thành quan điểm của anh Thạch với lý do là sẽ chồng chéo lên nhiệm vụ của các Bộ, ngành kinh tế khác. Để vượt qua khó khăn này, bản thân anh Thạch đã ngày đêm nghiên cứu qua sách vở, qua các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài để có cơ sở lập luận, thuyết phục mọi người. Đồng thời với việc truyền đạt các kiến thức thu thập được cho anh em cán bộ, anh Thạch còn chỉ đạo dịch các tài liệu và sách giáo khoa về kinh tế học của các chuyên gia tầm cỡ quốc tế người Mỹ, Anh, Pháp… và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới để cán bộ nghiên cứu trong Bộ tham khảo. Về mặt tổ chức, anh Thạch đã cho thành lập Vụ chuyên trách gọi là Vụ Tổng hợp Kinh tế - Văn hóa. Về sau nhiều cán bộ của Vụ này đã trở thành các cán bộ lãnh đạo của nhiều cơ quan kinh tế trong nước như Văn phòng Thủ tướng, Bộ Thương mại, Tổng cục Du lịch…

Việc thứ ba anh Thạch thực hiện là cải tổ cách quản lý của Lãnh đạo BNG. Trước đó mỗi thành viên Lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách một khu vực hoặc lĩnh vực. Tình hình này làm cho Lãnh đạo Bộ không có được cái nhìn tổng thể, ảnh hưởng đến công tác chung của Bộ, nảy sinh tư tưởng "cục bộ", không ai muốn bị người khác lấn sân trong phạm vi khu vực mình phụ trách. Để khắc phục tình trạng này và giúp Lãnh đạo Bộ có cái nhìn bao quát chung về nội bộ cũng như đối ngoại, anh Thạch đã cho thành lập hai đơn vị mới là Vụ Tổng hợp đối ngoại và Vụ Tổng hợp đối nội. Thực tiễn cho thấy đây là một chủ trương hết sức đúng đắn. Một mặt giúp cho Lãnh đạo Bộ có thời gian tập trung vào các vấn đề lớn hơn của Bộ mà vẫn nắm được diễn biến hàng ngày do có hai trợ thủ đắc lực là hai Vụ nêu trên, mặt khác, thông qua hai Vụ này như là một nơi thích hợp nhất để lựa chọn, rèn luyện và bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo kế cận của Bộ.

Công việc thứ tư mà anh Thạch quan tâm thực hiện là công tác đào tạo cán bộ và xây dựng bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Cán bộ là khâu quyết định nhất trong việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao phó. Do đó, anh Thạch trăn trở rất nhiều về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ khi tiếp nhận quyền lãnh đạo BNG. Đội ngũ cán bộ ngoại giao lúc đó là đội ngũ cán bộ thuộc thế hệ trước, bên cạnh các thế mạnh như lập trường vững vàng, kinh nghiệm thực tiễn, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao... cũng có những hạn chế nhất định về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Ngoài việc khuyến khích cán bộ học ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, anh Thạch thấy cần phải cách mạng hóa khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chính trong công việc này, anh Thạch đã có nhiều sáng kiến, đổi mới nhất:

Một là, về việc đào tạo cán bộ ngoại giao trẻ, anh Thạch đã đề nghị và được Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Đại học ưu tiên cho BNG tuyển chọn những học sinh thi đại học đỗ điểm cao nhất, có đạo đức tốt và quan điểm chính trị vững vàng vào học Ngành Ngoại giao ở trường Đại học Ngoại giao trong nước trực thuộc BNG và ở các trường Đại học nước ngoài.

Hai là, đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy của trường Đại học Ngoại giao. Trước đó giáo trình giảng dạy tại trường được biên soạn chủ yếu dựa vào tài liệu của Liên Xô và Trung Quốc. Anh Thạch đã chỉ đạo các giáo viên của trường viết lại giáo trình, trước hết là giáo trình về lịch sử quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Việt Nam… theo quan điểm của Đảng và Nhà nước ta.

Ba là, về công tác lựa chọn, bồi dưỡng và đề bạt cán bộ quản lý trong Bộ. Thay vì chế độ "sống lâu lên lão làng", đồng chí cho thi hành chế độ "tập sự cấp Vụ". Theo Quy chế này, các đơn vị trong Bộ lựa chọn những cán bộ trẻ và có năng lực theo tiêu chí đề ra của Bộ, có tính cả kết quả học tập chính trị, chuyên môn và bỏ phiếu tín nhiệm ở đơn vị để Lãnh đạo Bộ xem xét đưa vào danh sách "thực tập cấp Vụ". Thời kỳ đầu, Bộ đã mở lớp "Bồi dưỡng tập sự cấp Vụ" tập trung có thi cử hẳn hoi để lấy kết quả trình Lãnh đạo Bộ xét duyệt đề bạt cán bộ, về sau khi công tác bồi dưỡng cán bộ trở thành nhiệm vụ thường xuyên, Bộ chủ trương cho cán bộ được lựa chọn dự lớp bồi dưỡng viết chuyên đề và tập sự cấp Vụ trong hai năm tại đơn vị mình công tác. Hết thời hạn tập sự, Lãnh đạo Bộ căn cứ vào nhận xét và bỏ phiếu của đơn vị chủ quản để quyết định việc đề bạt. Nếu được đề bạt, sẽ giữ chức Phó Vụ trưởng. Chế độ này đã giúp Bộ tuyển chọn được một đội ngũ cán bộ quản lý cấp Vụ trẻ dưới 40 tuổi, có năng lực, trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, và có tư cách đạo đức, năng nổ trong công tác. Cách lựa chọn và đào tạo cán bộ quản lý này đã thành nếp của BNG. Rất lý thú là nhiều Bộ, ngành khác cũng học tập và vận dụng cách làm này của BNG.

Bốn là, sau thành công của việc bồi dưỡng cán bộ cấp Vụ trẻ, anh Thạch đã chỉ đạo cho thi hành chế độ "Tập sự cấp Bộ" nhằm xây dựng đội ngũ lãnh đạo Bộ kế cận, vừa trẻ, có năng lực, vừa được đào tạo một cách cơ bản. Số cán bộ tập sự cấp Bộ được lựa chọn từ các Vụ trưởng của Bộ, thông qua việc bỏ phiếu tín nhiệm của tất cả cán bộ cấp Vụ, phòng và chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính trong Bộ, sau đó trình Lãnh đạo Bộ xem xét. Các cán bộ tập sự cấp Bộ, về đối ngoại được mang chức danh Trợ lý Bộ trưởng và điều hành công việc của Bộ như một Thứ trưởng. Sau hai năm tập sự sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm để trình lên Thủ tướng xem xét đề bạt Thứ trưởng.

Năm là, tổ chức các lớp học tập nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ cho cán bộ. Theo đó, sau một thời gian công tác nhất định, tất cả cán bộ, bao gồm cả cấp Vụ đều phải tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại giao của Bộ. Kết thúc các lớp học này, nếu cán bộ nào không đạt yêu cầu thì phải học lại và không được xét đi công tác luân chuyển nước ngoài.

Sáu là, chú trọng học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong thời gian anh Thạch làm Bộ trưởng, Bộ đã áp dụng nhiều biện pháp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, như cử đi học ở nước ngoài, mở lớp học trong nước, quy định biết ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để tuyển chọn, bồi dưỡng và đề bạt cũng như xét đi công tác luân chuyển nước ngoài và khen thưởng đối với cán bộ... Đặc biệt, Anh Thạch đã cho ban hành Quy chế đi công tác luân chuyển nước ngoài, trong đó quy định trình độ ngoại ngữ mà mỗi loại cán bộ phải đáp ứng (thông qua các đợt kiểm tra do trường Đại học Ngoại giao, sau đó là Viện Quan hệ Quốc tế, đến nay là Học viện Ngoại giao Việt Nam tổ chức). Nếu không đạt thì không được đi công tác.

Bảy là, anh Thạch luôn luôn nhắc nhở cán bộ ngoại giao phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất chính trị đạo đức và rèn luyện sức khỏe. Anh thường nói với mọi người muốn làm tốt công tác trong Ngành, mỗi cán bộ ngoài phẩm chất chính trị vững vàng ra phải có sức khỏe tốt. Anh rất quan tâm chỉ đạo Đảng ủy Bộ, Công đoàn, Ban Nữ công chú ý chăm lo sức khỏe cho anh chị em.

Anh Nguyễn Cơ Thạch thôi giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đã hơn 20 năm, nhưng Bộ máy Bộ Ngoại giao do anh thiết lập đến nay vẫn vận hành tốt, giúp hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chính trị mà trên giao phó cho Bộ. Đội ngũ cán bộ của Bộ ngày càng trưởng thành và chuyên nghiệp hơn, vững vàng về chính trị, kiên định về lập trường, có trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ, đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi ngày càng phức tạp đang đặt ra đối với ngành Ngoại giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Một phần lớn công lao này thuộc về cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch với tư cách là kiến trúc sư của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Phan Doãn Nam
Nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao

Ông Nguyễn Cơ Thạch (15/5/1921-10/4/1998) là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ 2/1980 đến 7/1991

Là nhà ngoại giao tài ba, sáng tạo và có tầm nhìn chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết và thực hiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Trước cục diện chính trị thế giới năm 1989-1991 có bước ngoặt cơ bản, chiến tranh lạnh kết thúc, các thiết chế XHCN ở Đông Âu lần lượt sụp đổ, trật tự thế giới hai cực chấm dứt, các nước lớn chuyển hướng hoặc điều chỉnh chiến lược, tăng cường cạnh tranh và chạy đua kinh tế. Với sự nhạy bén và sắc sảo của một chính khách tầm cỡ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khôn khéo chèo lái quan hệ quốc tế của Việt Nam vượt qua những thử thách và biến động trên thế giới, tạo ra những đột phá để triển khai chính sách đối ngoại trong thời kỳ đổi mới.

Trên cơ sở tư duy đổi mới, ông đã đóng góp tích cực và có hiệu quả bằng việc kiến nghị và góp phần chỉ đạo thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược về đường lối, chính sách đối ngoại, đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập; tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước trong đó có những nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng.

Ông là người khởi xướng việc đổi mới công tác xây dựng ngành Ngoại giao, coi công tác xây dựng Ngành có tầm quan trọng ngang với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Dưới sự lãnh đạo của ông, bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ của Bộ có bước phát triển mạnh mẽ. Tên tuổi Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch gắn liền với sự trưởng thành và lớn mạnh của Bộ Ngoại giao.

Xem nhiều

Đọc thêm

Tử vi 12 cung hoàng đạo Thứ Hai ngày 23/12/2024: Xử Nữ cẩn thận bị lừa

Tử vi 12 cung hoàng đạo Thứ Hai ngày 23/12/2024: Xử Nữ cẩn thận bị lừa

Tử vi hôm nay 23/12/2024 của 12 cung hoàng đạo - Ma Kết, Bảo Bình, Song Ngư, Bạch Dương, Kim Ngưu, Song Tử, Cự Giải, Sư Tử, Xử Nữ, Thiên ...
Lịch âm hôm nay 2024: Xem lịch âm 23/12/2024, Lịch vạn niên ngày 23 tháng 12 năm 2024

Lịch âm hôm nay 2024: Xem lịch âm 23/12/2024, Lịch vạn niên ngày 23 tháng 12 năm 2024

Lịch âm 23/12. Lịch âm 23/12/2024? Âm lịch hôm nay 23/12. Lịch vạn niên 23/12/2024. Ngày hôm nay tốt hay xấu? Xem ngày giờ, hướng tốt xấu...
C asean Vietnam tổ chức thành công Buổi chia sẻ 'Việt Nam trong ASEAN'

C asean Vietnam tổ chức thành công Buổi chia sẻ 'Việt Nam trong ASEAN'

Sự kiện diễn ra vào ngày 20/12 có sự tham dự và chia sẻ của các diễn giả đã và đang công tác tại Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, ...
Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm Quốc phòng giúp người dân tin tưởng vào sức mạnh Quân đội

Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến: Triển lãm Quốc phòng giúp người dân tin tưởng vào sức mạnh Quân đội

Thông qua Triển lãm Quốc phòng, người dân có thêm hiểu biết về nền công nghiệp quốc phòng quốc gia, tin tưởng vào sức mạnh của Quân đội.
Giá tiêu hôm nay 23/12/2024: Tiếp đà giảm, thị trường bị ảnh hưởng bởi đồng USD và dòng tiền đổ về cà phê

Giá tiêu hôm nay 23/12/2024: Tiếp đà giảm, thị trường bị ảnh hưởng bởi đồng USD và dòng tiền đổ về cà phê

Giá tiêu hôm nay 23/12/2024 tại thị trường trong nước tiếp tục giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 144.000 - 145.500 đồng/kg.
Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, thận trọng với 'điểm rơi' của giá Bitcoin trong năm 2025?

Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, thận trọng với 'điểm rơi' của giá Bitcoin trong năm 2025?

Giá vàng hôm nay 23/12/2024: Giá vàng 'chao đảo', kim loại quý chuẩn bị vào đợt tăng mới, 'điểm rơi' của Bitcoin là năm 2025?
Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Những con bài nặng ký của Thổ Nhĩ Kỳ

Chuyến thăm của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tới Ankara là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm ảnh hưởng và mở thêm cơ hội gia nhập EU.
Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Nga-Ấn Độ: Chiều sâu của quan hệ đối tác

Chuyến thăm Nga của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ một lần nữa cho thấy chiều sâu của mối quan hệ đối tác quân sự truyền thống giữa New Dehli và Moscow.
Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah: Con đường dài hòa giải

Việc Israel và Hezbollah chấp thuận thỏa thuận ngừng bắn làm dấy lên hy vọng có thể tạo hiệu ứng hòa giải cho các 'điểm nóng' xung đột dai dẳng khác.
Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Xung đột Nga-Ukraine: Tình thế 'bên miệng hố chiến tranh', nguy cơ Thế chiến III và kịch bản đàm phán

Những ngày gần đây, xung đột Nga-Ukraine có bước leo thang mới khó lường, cuộc chiến tên lửa căng thẳng, rộ lên cảnh báo nguy cơ Thế chiến III.
Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Bắc Âu-Baltic: Nỗ lực hợp tác hay chia rẽ?

Tăng cường hợp tác an ninh giữa các nước láng giềng trong khu vực là chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh các nước Bắc Âu và Baltic...
Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

Kiến tạo lòng tin, thúc đẩy đối thoại

ADMM+ ngày càng thể hiện vai trò là nền tảng cho hợp tác trên thực tế và có ý nghĩa giữa ASEAN với các nước bên ngoài khu vực trong lĩnh vực an ninh.
Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Truyền thông quốc tế đưa tin đậm nét về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đã thu hút sự chú ý lớn từ truyền thông quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong hợp tác quốc phòng toàn cầu.
Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Ukraine tăng gia sản xuất vũ khí tầm xa 'cây nhà lá vườn' để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga

Để giảm phụ thuộc viện trợ quân sự phương Tây và tăng khả năng phản công, Ukraine đang mở rộng kho vũ khí tầm xa có thể tấn công lãnh thổ Nga.
Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Ấn Độ-Indonesia: Làm sâu sắc nền tảng của tầm nhìn chung về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Khi Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nổi lên như tâm chấn địa chính trị của thế kỷ XXI, Ấn Độ và Indonesia thúc đẩy quan hệ đối tác hàng hải chiến lược.
Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Nga và 'biến cố' Syria: Chấp nhận tổn thất lớn, bước lùi tạm thời vì đại cục

Mặc dù sự sụp đổ của chính quyền đồng minh ở Syria là tổn thất khó bù đắp đối với Nga nhưng Moscow có thể không còn lựa chọn nào khác.
Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Bất định đối thoại hạt nhân Iran dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump 2.0

Với màn “tái xuất” của ông Donald Trump trong nhiệm kỳ mới, quan hệ Mỹ-Iran sẽ chứng kiến nhiều biến động trong đối thoại hạt nhân, góp phần định hình nên tác động lâu dài ...
Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Tình hình Syria: Một bàn tay không vỗ lên thành tiếng, vén màn người đứng sau

Những toan tính về Syria chưa khi nào nguôi trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Cân đối tình hình, Ankara có những hành động táo bạo hơn.
Phiên bản di động