Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 15 (5/1982). (Ảnh tư liệu) |
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà lãnh đạo có tư duy sáng tạo, có tầm nhìn đột phá, bản lĩnh kiên cường.
Là người trực tiếp tham gia vào việc hoạch định chính sách, đề ra các biện pháp, đối sách và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đường lối đối ngoại, cả trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phá thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ quốc tế, tái thiết đất nước và trong công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn chú trọng vai trò của đối ngoại nhân dân, dành nhiều công sức, tâm huyết cho hoạt động đối ngoại nhân dân (ĐNND), và trực tiếp tham gia, phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân để hỗ trợ hiệu quả cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, hoàn thành sứ mệnh cao cả của đối ngoại Việt Nam.
Cống hiến của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch trong công tác ĐNND thể hiện đậm nét trong tư duy, tầm nhìn, trong hoạt động thực tiễn và phong cách ngoại giao của ông.
Đường lối độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại hoà bình
Là người học trò trung thành và vận dụng xuất sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch chính là sự thể hiện một cách nhất quán và kiên định nguyên tắc bất di bất dịch, đó là đối với dân tộc Việt Nam, yêu nước, yêu hoà bình và độc lập dân tộc gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời.
Trong giai đoạn đầy biến động phức tạp từ sau chiến tranh đến đầu thập kỷ 90, phải ứng phó với những thách thức hậu chiến tranh chống Mỹ, các vấn đề trong quan hệ Việt - Trung, Việt - Xô, vấn đề Campuchia, vấn đề Biển Đông…, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch luôn kiên định đường lối độc lập tự chủ, chính sách đối ngoại hoà bình của Việt Nam.
Tháng 6/1984, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà báo Đan Mạch Thomas Bo Pedersen (Báo Land Og Folk của Đảng Cộng sản Đan Mạch), Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã nêu rõ: “Bạn sẽ thấy tại sao Việt Nam trân trọng hoà bình hơn bất cứ điều gì. Ở đất nước này, mọi gia đình đều trải qua mất mát chiến tranh. Chúng tôi sẵn sàng đứng lên bất cứ lúc nào chống quân xâm lược, nhưng chúng tôi không phải là người khơi mào cho bất kỳ cuộc xung đột nào”.
Bộ trưởng khẳng định: “Nếu chúng tôi không duy trì đấu tranh vì tự do và độc lập, chúng tôi sẽ phải trả giá đắt hơn nhiều trong tương lai. Ít có quốc gia nào chịu nhiều âm mưu đô hộ của ngoại bang như Việt Nam. Lần nào cũng vậy, chúng tôi xác định hy sinh chiến đấu. Với lịch sử đất nước của chúng tôi như vậy, làm sao bạn có thể nghĩ rằng Việt Nam sẽ chịu khuất phục dưới sự thống trị của bất cứ thế lực ngoại bang nào".
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch nhận thức sâu sắc và đã phát huy rất hiệu quả sức mạnh của nhân dân, của đoàn kết quốc tế và kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Tham gia hội nghị Paris về Việt Nam với vai trò cố vấn cho trưởng đoàn Lê Đức Thọ, ông đã góp phần tích cực vào việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, thúc đẩy hình thành mặt trận rộng rãi của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, tác động phân hóa nội bộ Mỹ, tạo nên cuộc chiến ngay trong lòng nước Mỹ với phong trào phản chiến mạnh mẽ của nhân dân Mỹ.
Khai thác lợi thế của thông tin báo chí, một trong những vũ khí sắc bén, mạnh mẽ, hiệu quả của hoạt động ĐNND, ông đã dành nhiều thời gian trực tiếp tiếp xúc, đối thoại, trả lời phỏng vấn các phóng viên, báo chí quốc tế với các lập luận sắc bén, lập trường mạnh mẽ khẳng định tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, đường lối chính sách đúng đắn và thiện chí hòa bình hữu nghị của nhà nước và nhân dân ta.
Đảm nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Ngoại giao khi đất nước ta ở trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, bị bao vây, cấm vận, cô lập về chính trị, khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng, trên thế giới các nước xã hội chủ nghĩa rơi vào khủng hoảng, tan rã và sụp đổ, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã khôn khéo chèo lái ngoại giao Việt Nam vượt qua những thử thách và biến động trên thế giới, tạo ra đột phá, thực hiện những điều chỉnh có ý nghĩa chiến lược, tìm giải pháp cho vấn đề Campuchia, đưa nước ta thoát khỏi thế bị bao vây, cô lập; tiến hành bình thường hóa và mở rộng quan hệ với các nước, trong đó có những nước lớn và tổ chức quốc tế quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã sử dụng lợi thế đi trước, khai phá, mở đường của đối ngoại nhân dân để phá bao vây cấm vận và kiến thiết nền tảng cho hợp tác Việt - Mỹ. Trong bối cảnh quan hệ đối ngoại trên kênh nhà nước còn nhiều trở ngại, nghi kỵ và thù địch, ông đã có những bước đi táo bạo và chủ động tranh thủ tất cả các kênh từ chính quyền, Quốc hội, các cựu chiến binh, doanh nghiệp, học giả, báo chí, các tổ chức nhân dân của Mỹ… cho đến Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế cũng như đồng bào Việt Nam ở nước ngoài để cùng góp sức, nỗ lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã phát huy mạnh mẽ hoạt động đấu tranh dư luận, vận động quốc tế trên các kênh nhân dân, qua các kênh thông tin báo chí, học giả, doanh nghiệp, đặc biệt tranh thủ các dịp tham dự Diễn đàn Liên hợp quốc, để thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả chiến tranh, về những khó khăn mà bao vây cấm vận phi nghĩa gây ra cho nhân dân ta, làm rõ lập trường, tính chính nghĩa của Việt Nam trong các vấn đề Campuchia, quan hệ Việt - Trung, biên giới lãnh thổ, biển đảo, qua đó nhân rộng tiếng nói ủng hộ chấm dứt bao vây cấm vận chống Việt Nam.
Có thể nói đối với quan hệ Việt - Mỹ, ông là một trong những người đã đi đầu và cùng với các thế hệ lãnh đạo, nghị sĩ, nhân sĩ của hai nước đóng góp quan trọng vào việc phá băng quan hệ, xóa bỏ sự nghị kỵ, thù địch, thúc đẩy bình thường hoá và mở ra giai đoạn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác, đưa những cựu thù trở thành bạn và đối tác.
Ông đã sớm nhìn nhận việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích (MIA) chính là cầu nối để mở lại đối thoại, tiến đến bình thường hoá.
Trong khi chính phủ Mỹ không muốn trao đổi, ông đã mời các cựu chiến binh Mỹ thăm Việt Nam để thảo luận về vấn đề MIA.
Ông Robert Muller - người sáng lập Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (Hà Nội, 1981) đã nói: “Chính Bộ trưởng Thạch là người quyết định chấp nhận đón các cựu chiến binh Mỹ trở lại thăm Việt Nam, bắt đầu quá trình trao đổi và hòa giải”.
Ông đã tiếp xúc với các cựu chiến binh thuộc cả đảng Dân chủ và Cộng hòa như các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Bob Kerrey và Chuck Hagel..., cũng như các cá nhân có tầm ảnh hưởng thuộc nhiều nhóm lợi ích của nước Mỹ. Các cuộc trao đổi chủ yếu tập trung vào vấn đề POW/MIA, nhưng cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Với doanh nghiệp Mỹ, ông nói đến tầm nhìn của Việt Nam về phát triển kinh tế trong tương lai và điều này rất có ý nghĩa bởi giới doanh nghiệp Mỹ thấy Việt Nam đã xác định rất rõ mục đích của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch phát biểu trong buổi dạ hội nhân dịp Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận thương mại kéo dài 19 năm đối với Việt Nam, tối 4/2/1994, tại khách sạn Thắng Lợi (Hà Nội). (Nguồn: TTXVN) |
Vừa là một chính trị gia, vừa là nhà ngoại giao nhân dân
Phong cách ngoại giao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là sự kết hợp hài hoà giữa một chính trị gia lão luyện với một nhà ngoại giao nhân dân đích thực. Ông thực sự là người kế tục xuất sắc nghệ thuật và phong cách ngoại giao nhân dân Hồ Chí Minh.
Ông đã đi xa nhiều năm nhưng tới nay bạn bè quốc tế vẫn nhớ và nhắc đến ông như một nhà ngoại giao xuất sắc, có trí tuệ sâu sắc uyên bác, kiên định, cứng rắn, kiên trì, ứng xử linh hoạt, khôn khéo đồng thời lại rất gần gũi, đời thường, một người bạn thân thiết, chân thành, cởi mở, bình dị và dí dỏm, có sức cuốn hút, thuyết phục lớn và tạo ấn tượng sâu sắc.
Ông đã để lại dấu ấn cá nhân đậm nét, là một hình ảnh đại diện cho lãnh đạo Việt Nam, đất nước và con người Việt Nam.
Ông không ngại tiếp xúc, hết sức chú trọng đến việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân, sẵn sàng kết bạn với những người trước kia ở phía bên kia chiến tuyến, tranh thủ mọi cơ hội để trao đổi quan điểm, học hỏi, tìm hiểu kinh nghiệm, sẵn sàng thảo luận về mọi vấn đề, kể cả các vấn đề cá nhân như kinh nghiệm thời chiến, về gia đình và sức khỏe để hiểu thêm về nhau.
Ông John McAuliff, điều phối viên của Ủy ban kỷ niệm hoà bình Việt Nam đã kể lại rằng năm 1990, ông Thạch cùng nhiều người bạn Việt Nam khác vẫn đến dự buổi tiệc đính hôn của ông và vợ ngay cả khi vào thời điểm đó, tổ chức của ông được cho là có lỗi trong việc giáo viên Mennonites bị trục xuất khỏi Việt Nam vì đã sử dụng các bài từ một tờ báo của Thái Lan khi dạy tiếng Anh ở trường Đại học, và theo ông McAuliff, đây là hành động dũng cảm.
Những người bạn Mỹ đã nói rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã “chạm đến trái tim những người bạn Mỹ”. Và đó chính là mục đích mà ngoại giao nhân dân hướng tới mà không phải nhà lãnh đạo, nhà ngoại giao nào cũng có thể làm được.
Ôn lại những kỷ niệm, những bài học kinh nghiệm mà ông để lại hôm nay, chúng ta càng trân trọng di sản của ông và càng nhận thấy phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa, học tập ông để phát huy hơn nữa vai trò của đối ngoại nhân dân, để đối ngoại nhân dân thực sự là một trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại trong bối cảnh hiện nay, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đối ngoại Việt Nam, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
| Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và câu chuyện đổi mới tư duy, phương pháp làm việc Không chỉ tham gia cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ ... |
| Bài học cho thanh niên: Ba chữ “Nhân” của nền ngoại giao Việt Nam Ba giá trị “nhân nghĩa – nhân cách – nhân tài”, gắn liền với chủ trương, con người và bộ máy của ngành ngoại giao, ... |