Kỷ nguyên số "thổi" sinh khí mới giúp thông tin bùng nổ
Tại Hội báo Toàn quốc năm nay, diễn đàn đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số là một điểm nhấn quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, người làm báo và công chúng báo chí.
Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, truyền thông Internet kỹ thuật số vào nước ta từ năm 1998 và đây có thể nói là sự tiến bộ vượt bậc của nhân loại. Việt Nam là quốc gia ứng dụng nhanh. Những năm gần đây báo chí phát triển theo hướng hội nhập, mạng xã hội (MXH) đóng góp vai trò to lớn trong truyền thông. Bốn loại hình báo chí (in, phát thanh, truyền hình, điện tử) có đủ và phát triển cực mạnh. Việc ra đời của MXH với các ứng dụng vô cùng nhanh nhạy và linh hoạt đã là thách thức lớn cho báo chí chuyên nghiệp.
Ông Mai Đức Lộc – Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: YN) |
Theo ông Phan Hữu Minh, cùng với Luật Báo chí, đạo đức có vai trò to lớn trong hoạt động báo chí, tác nghiệp của từng nhà báo, từng hội viên Hội Nhà báo. Bởi lẽ bắt tay vào hoạt động tác nghiệp, hàng trăm thứ cám dỗ: “Câu” lượt xem bằng đặt tít để trục lợi; ăn cắp bản quyền qua mạng; bất chấp tổn hại đưa thông tin nhằm có lợi cho nhóm hoặc cá nhân; xa rời mục đích tôn chỉ; không quan tâm đến chữ tâm, đến thuần phong mỹ tục, lợi ích của cộng đồng, quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, mỗi người làm báo cần cẩn trọng.
Phản ánh thực trạng những thông tin không đúng sự thật, có động cơ, mục đích xấu trên mạng xã hội (MXH) trong những năm vừa qua, ông Minh Nam (Tạp chí Người làm báo) cho rằng: “Hậu quả tiêu cực từ việc khai thác thông tin bừa bãi, thiếu kiểm soát từ MXH đang trở thành nỗi quan ngại lớn của làng báo Việt Nam. Áp lực cạnh tranh thông tin, sự dễ dãi về nghiệp vụ, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để câu khách, đã dẫn đến tình trạng lạm dụng MXH, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng”.
Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây đã xuất hiện xu hướng làm báo hành xử như một cá nhân trên MXH, thay vì thực hiện chức năng của báo chí là phát hiện, xử lý thông tin, định hướng dư luận... Những bài báo kiểu này có thể thu hút sự tò mò, hiếu kỳ của một số độc giả nào đó, song rõ ràng sẽ làm dài thêm danh sách những sản phẩm báo chí kém chất lượng, làm giảm sút lòng tin của bạn đọc, tự đánh mất vai trò định hướng dư luận của báo chí trước công luận.
Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Dương) |
Trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt với MXH, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. “Dẫu thế nào công chúng vẫn luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu chúng ta nỗ lực hơn đem lại thông tin hữu ích nhiều chiều thì không lo ngại quyền năng báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại” - ông Minh Nam nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Uyển, nguyên Trưởng Ban Công tác Hội, Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định kỷ nguyên số đã thổi sinh khí mới giúp cho thông tin bùng nổ. Công nghệ thông tin giúp chúng ta xử lý thông tin nhanh hơn (viết trên máy tính), chính xác hơn (ghi âm, chụp hình), truyền thông tin nhanh hơn (qua internet), đo chất lượng và giá trị thông tin cũng nhanh và rõ hơn (qua phản hồi của bạn đọc). Kỷ nguyên số đòi hỏi những người làm báo phải nhanh chóng thay đổi phương cách tác nghiệp để thích ứng, theo kịp sự biến đổi và phát triển của công nghệ thông tin thời hội nhập.
Bên cạnh đó, nhà báo Nguyễn Uyển cũng nhận định, nhờ kỷ nguyên số người ta có thể ngồi một chỗ kết nối thông tin để tham khảo, khai thác. Tuy nhiên, tiếp nhận thông tin nhanh từ mạng nhiều khi không rõ nguồn, chưa kiểm chứng, chưa rõ bản chất thật của sự vụ, sự việc. Nếu thông tin nhận được không chính xác, thiệt hại gây ra trong kỷ nguyên số là vô cùng lớn và rất khó khăn, mất nhiều thời gian cho việc sửa sai, đính chính…
Bản lĩnh người làm báo
Nhà báo Đào Phương Thảo - Phó trưởng ban Báo điện tử Đài PT-TH Hà Nội chia sẻ, tin tức của báo chí có nội dung tốt, cập nhật các vấn đề thời sự nóng được công chúng đón nhận một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, những tin tức, vụ việc đăng tải chưa được kiểm chứng rõ ràng, không đúng sự thật sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
“Thực tế cho thấy, có những thông tin, bài báo, phóng sự truyền hình chưa phản ánh đúng sự thật gây phương hại tới lợi ích quốc gia, doanh nghiệp, tập thể, khiến có doanh nghiệp đã bị phá sản trước khi được minh oan. Cũng có những hành động vi phạm đời tư, xúc phạm nhân phẩm và danh dự của công dân, khiến cho một số người bị áp lực, bức bách về tinh thần” - nhà báo Đào Phương Thảo băn khoăn.
Đại tá Trần Trọng Dũng, TBT Báo Công an TPHCM. (Ảnh: YN) |
Ông Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên bày tỏ quan điểm: "Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, khi mà một thông tin trên báo chí có sức lan tỏa cực kỳ nhanh chóng. Quy định đạo đức người làm báo có vai trò quan trọng giúp nhà báo hành xử khi tác nghiệp. Đây thực chất là “ba rem” về thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, là tiêu chí để soi chiếu một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức và hoạt động chuyên môn của một nhà báo. Quy định đạo đức người làm báo là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo".
Tiến sĩ Phạm Bình Dương, Khoa Phát thanh – Truyền hình – Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho hay, sự tin tưởng nơi các nhà báo luôn được bồi đắp thông qua việc cung cấp thông tin thường xuyên, đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nhà báo cũng cần chú ý tới sự kết nối không thể tách rời của ba yếu tố: vai trò, giá trị và nội dung.
“Nhà báo phải tìm ra cách tốt nhất để thích ứng với môi trường truyền thông mới. Tuy nhiên, các hình thức và chức năng truyền thống của báo chí vẫn giữ nguyên giá trị với khán giả, họ không chỉ cần thông tin mà phải là thông tin đáng tin cậy. Điều này phụ thuộc vào các nhà báo và các cơ quan báo chí để trở nên năng động và sáng suốt hơn trong môi trường truyền thông ngày càng phát triển” – Tiến sĩ Phạm Bình Dương nói.
Trong tham luận của mình, bà Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập - Báo Nhà báo & Công luận đặt câu hỏi: “Nhà báo trước khi phóng chiếu cho xã hội thấy về một vấn đề, có khi nào tự hỏi liệu mình đã cố gắng đến gần nhất sự thật chưa? Và có cần chỉ “quăng” cho bạn đọc thật nhiều những sự thật đen tối trần trụi để gây sốc, mà lãng quên, cắt bỏ đi nhiều mảng sáng quanh nó?”.
Mang tới cho độc giả những gì họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp mà mỗi người làm báo phải nằm lòng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người. Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh” vẫn phải giữ được một trái tim “nóng” để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật.
Đại diện của Báo Vietnamnet cho rằng, một trong những sứ mệnh quan trọng của báo chí là định hướng dư luận, tạo niềm tin cho công chúng và hướng công chúng đến những giá trị chân thiện mỹ. Trong những lúc người dân chưa biết tin vào đâu, thông tin nào là chính xác, vai trò của báo chí là phải lấp đầy khoảng trống nghiêm trọng này, ngay lập tức cung cấp cho công chúng thông tin chính xác từ nguồn tin cậy, được kiểm chứng một cách khách quan.
Điều đó đòi hỏi người làm báo phải có một trái tim nóng để có thể xông pha vào những điểm nóng, đề tài khó, những nơi nguy hiểm nhưng cũng cần có một cái đầu lạnh, đủ tỉnh táo để nhận ra những phần “chìm” ở đằng sau mỗi một thông tin “nổi”.
Ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, hơn lúc nào hết, đạo đức của nghề báo lại càng phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay. Bên cạnh các chuẩn mực về độ chính xác, về tính khách quan thì một điều không thể thiếu là tin đó có ích gì cho bạn đọc không.