Nhà báo Hoàng Minh Trí cho rằng, thời đại số, nhà báo có nhiều đất diễn hơn nhưng cũng nhiều rào cản hơn. |
Là một nhà báo nổi tiếng, cũng là một trong những nhân vật gây chú ý trên mạng xã hội Việt Nam từ khi các nền tảng mạng xã hội còn sơ khai. Hẳn là anh có nhiều trải nghiệm đặc biệt trong nghề báo?
Việc sử dụng mạng xã hội từ lúc sơ khai thật ra đối với tôi là một "phản xạ" tự nhiên đối với xu thế, thay đổi của Internet.
Có lẽ không riêng tôi, cũng như nhiều người sử dụng mạng xã hội khác với những ngành nghề khác nhau thời điểm ấy đều không thể nghĩ rằng sau này mạng xã hội lại ảnh hưởng, làm thay đổi nhận thức, cũng như giao tiếp của con người như hiện nay.
Đối với tôi, mạng xã hội và nghề nghiệp lúc ban đầu thực sự là hai thế giới tách biệt, mạng là nơi để tiếp cận, giao thoa cùng bạn bè trên thế giới mạng. Mọi thứ thay đổi từ năm 2014, khi đó với vai trò vừa là người dùng mạng, là nhà báo nên cách sử dụng nó đòi hỏi sự cẩn trọng hơn rất nhiều.
Cẩn trọng từng lời bình luận cho đến thông tin chia sẻ trên mạng. Một phát ngôn sai lệch, thông tin không chuẩn xác có thể ảnh hưởng đến xã hội, đến nghề nghiệp. Đối với tôi, đây có lẽ là một thiệt thòi so với những người dùng khác.
"Đối với kỷ nguyên số, ai không cập nhật thông tin, công nghệ sẽ bỗng dưng lạc hậu ngay khi ngủ dậy vào buổi sáng ngày hôm sau". |
Đã có lúc một số người dân bức xúc vì thông tin trên tờ báo nơi tôi công tác, họ cho rằng nó không chuẩn xác, một đám đông kéo tới cơ quan. Tôi đứng trước cổng, một anh hét to tên tôi và hô hào đám đông "Tìm Facebook vợ con thằng này", đó là một khoảnh khắc rất khó quên, bởi giữa thế giới ảo và thật không còn lằn ranh nào cả.
Người dùng mạng xã hội sẽ dùng nó để tấn công ngay cả người thân của mình dù không liên quan. Hôm sau tờ báo tôi công tác đăng tải đầy đủ thông tin, chứng cứ về vụ việc minh bạch hơn nữa. Không có chuyện gì xảy ra tiếp theo.
Có khi nào anh sợ mình bị “cũ” đi trong một cuộc rượt đuổi đa chiều của làng báo?
Có chứ, thời đại công nghệ làm thay đổi quá nhiều đối với nhiều ngành nghề, nhất là nghề báo. Tôi tham gia rất nhiều diễn đàn nghề nghiệp, đọc và mày mò với những công nghệ mới, xu thế mới của thông tin. So với thế hệ các bạn trẻ bây giờ, tôi thấy mình vô cùng lạc hậu. Các bạn ấy làm việc vô cùng máu lửa, sáng tạo cũng như ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho nghề báo. Dù nỗ lực đến mấy tôi vẫn tự nhận thấy mình lạc hậu từng ngày.
Góc nhìn của anh về những đổi thay của người làm báo trong kỷ nguyên số ở Việt Nam? Anh có nghĩ rằng, những người làm báo của kỷ nguyên thông tin sẽ có nhiều “đất” để “diễn” hơn?
Đối với kỷ nguyên số, ai không cập nhật thông tin, công nghệ sẽ bỗng dưng lạc hậu ngay khi ngủ dậy vào buổi sáng ngày hôm sau. Đó là nói quá một chút nhưng mà thực tế là như vậy. Kỷ nguyên số, thông tin đến với người đọc theo một cách riêng biệt, trên nhiều nền tảng mạng khác nhau.
"So với thế hệ các bạn trẻ bây giờ, tôi thấy mình vô cùng lạc hậu. Các bạn ấy làm việc vô cùng máu lửa, sáng tạo cũng như ứng dụng công nghệ hỗ trợ cho nghề báo. Dù nỗ lực đến mấy tôi vẫn tự nhận thấy mình lạc hậu từng ngày". |
Ví dụ, Facebook đã có một thời "làm mưa làm gió" nhưng giờ đây những thuật toán của họ trở nên khó hiểu, có lẽ bởi nền tảng này ưu ái hơn cho người dùng trả tiền để quảng cáo bán hàng. Những thông tin hữu ích từ người tạo nội dung uy tín lại bị siết chặt tương tác, ít người tiếp cận hơn.
Nhiều đất diễn nhưng mà kỹ năng, thích nghi ngay lại là một rào cản tương đối. Không phải ai cũng có thể tỏa sáng ngay được, nhất là đối với nghề báo. Chúng ta lẫn lộn trong một đám đông, một biển thông tin khổng lồ hấp dẫn và cả nhảm nhí...
Sự phát triển của công nghệ, Internet đã và đang tạo ra một thế hệ làm báo khác như thế nào, theo anh?
Công nghệ cũng như Internet đã giúp cho nhà báo nhàn hạ hơn, đồng nghĩa lười nhác hơn rất nhiều. Tôi nhận thấy điều đó ngay từ bản thân, đôi khi tôi đổ lỗi cho tuổi tác, nhưng cuối cùng nhận ra là do lười. Mạng quá nhanh, thông tin quá nhiều, tìm kiếm quá dễ. Sự tìm tòi, lang bạt, thực tế ít hơn hẳn bởi mọi thông tin cần tìm hiểu để có thể tìm kiếm trên mạng.
Những người làm báo chân chính hẳn là đang phải cạnh tranh khốc liệt với những “nhà báo mạng xã hội”?
Tôi đồng ý như vậy, sự cạnh tranh thông tin báo chí với người làm báo trên mạng bây giờ khoảng cách rất hẹp. Đôi khi sự vất vả, lăn lộn cuối cùng cũng chỉ nhanh hơn nhà báo "đút chân gầm bàn" vài phút. Đó là sự thật.
Theo anh, người làm báo thời nay phải chuyển mình ra sao để không bị lỗi nhịp?
Tôi nghĩ cần tốt ngoại ngữ, để có thể tham khảo, cũng như tìm đọc thêm những thông tin hữu ích khác trên mạng. Cập nhật công nghệ, đôi khi không cần phải quá sâu nhưng ít nhất cũng phải hiểu cơ cấu, cách vận hành của thế giới thông tin. Và đừng ngại học hỏi từ các bạn trẻ, bởi sự hiểu biết là vô hạn.
Cảm ơn anh!
| Nhà báo Ngô Bá Lục: Người làm báo cần cái đầu lạnh để không bị Internet cuốn đi… Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, báo chí thời kinh tế thị trường phải cung cấp cho độc giả cái họ cần chứ không ... |
| Trách nhiệm của báo chí với tương lai của trẻ em gái dân tộc thiểu số Hướng đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tọa đàm “Báo chí vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” như một ... |