Nhà báo Ngô Bá Lục: Đừng để chuyện học hành trở thành gánh nặng đối với trẻ. (Ảnh: NVCC) |
Ông nghĩ gì về áp lực học tập của trẻ những năm gần đây?
Tôi nghĩ, thời nào học sinh cũng sẽ có những áp lực trong học tập, vì phải có áp lực thì các em mới trưởng thành. Nhưng nếu áp lực trở thành gánh nặng khiến các em mệt mỏi, stress thì chúng ta cần phải xem lại để điều chỉnh.
Nhiều năm trở lại đây, học sinh gặp rất nhiều áp lực trong học tập, bởi lượng kiến thức quá nhiều, lịch học dày đặc khiến các em không còn thời gian vui chơi giải trí, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của các em.
Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ việc đau lòng có phải vì áp lực học tập, vì các em thiếu kỹ năng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hay còn lý do nào khác?
Gần đây, có nhiều vụ việc học sinh tự tử khiến xã hội rung động, đau lòng. Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến các em bị trầm cảm, bế tắc dẫn đến hành động dại dột.
Thứ nhất, lượng kiến thức quá nhiều, lịch học dày đặc, sự ganh đua về vị trí, danh hiệu trong lớp, trong trường khiến các em lúc nào cũng giống như những “chú ngựa chiến” chỉ biết chạy và chạy.
Thứ hai, sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ khiến các em luôn cảm giác mình phải giỏi nhất, nổi bật nhất. Bên cạnh đó, việc bố mẹ không quan tâm, gần gũi để lắng nghe tâm tư, động viên, khích lệ hoặc chia sẻ, giúp các con giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Từ đó, dẫn đến sự xa cách giữa bố mẹ và con cái, khiến các con trở nên cô độc trong chính ngôi nhà của mình và không biết chia sẻ cùng ai.
Thứ ba, học kiến thức quá nhiều mà không chú trọng đến việc phát triển, rèn luyện kỹ năng mềm khiến học sinh trở nên thiếu hiểu biết thực tế, không có dũng khí để đương đầu với khó khăn, không biết cách giải quyết các vấn đề khúc mắc từ việc nhỏ đến việc lớn, dễ bị rơi vào trạng thái thất vọng và có những hành động tiêu cực.
Vậy có phải trẻ em đang phải học quá nhiều thứ?
Hiện tại, trẻ em học rất nhiều nhưng vẫn thiếu. Chúng ta vẫn chú trọng nhiều vào việc giảng dạy lý thuyết mà thiếu những hoạt động trải nghiệm, thực tế để học sinh tích lũy những kinh nghiệm, những bài học mà các em được trải qua chứ không chỉ bằng hình thức nghe lời thầy cô giảng.
Trẻ em, lứa tuổi chơi là chính thì lại bị cắm đầu vào sách vở quá nhiều. Thực ra, từ 6-10 tuổi, các em sẽ phát triển kỹ năng từ các hoạt động vui chơi, việc giảng dạy kiến thức chỉ là những thứ cơ bản, nhẹ nhàng, đơn giản…
Tuy nhiên, giáo dục ở ta hiện tại, ngay từ lớp một đã bắt các con học quá nhiều thứ, tôi nghĩ không cần thiết vì nó vừa lãng phí thời gian và tiền của, vừa gây cho các con áp lực nặng nề, vượt quá lứa tuổi của chúng.
Theo ông, nền móng vững chắc để đứa trẻ lớn lên trở thành người tử tế là gì?
Tôi nghĩ, ở thời nào thì một đứa trẻ sinh ra, lớn lên cần phải được dạy kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, học hỏi kiến thức, bồi đắp tâm hồn và nhân cách. Chúng cần phải được cân bằng giữa học tập lý thuyết - trải nghiệm thực tế - vui chơi giải trí.
Trong đó, việc bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn là điều cực kỳ quan trọng ở lứa tuổi từ 6-14. Chỉ khi các con có một tâm hồn trong sáng, biết yêu thương chia sẻ, biết phân biệt đúng sai, thành thạo các kỹ năng mềm, kiến thức được tích lũy từ những bài học thực tế thì chúng mới có thể trở thành những người tử tế sau này.
Nuôi một đứa trẻ thời nay khó khăn hơn thời xưa, ông có nghĩ vậy? Và vấn đề nằm ở việc cha mẹ chưa hiểu con, chưa làm bạn của con, chưa thực sự bình đẳng trong tranh luận?
Tôi nghĩ nuôi một đứa trẻ ở thời nào cũng thế, luôn có những khó khăn và những áp lực. Tâm lý bố mẹ luôn kỳ vọng vào sự khôn lớn và trưởng thành của con cái, tôi cho là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng kỳ vọng ở mức độ nào, biến cái kỳ vọng đó thành hành động ra sao để tác động lên con cái mới là điều quan trọng.
Việc cha mẹ không gần gũi với con, luôn áp đặt và tạo áp lực cho con còn khủng khiếp hơn việc phải đi học quá nhiều. Bởi cho dù thế nào, thì gia đình - bố mẹ vẫn là nơi mọi đứa trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng nhất.
Do đó, nếu để chúng cảm thấy mất an toàn khi ở chính ngôi nhà của mình, không còn niềm tin vào bố mẹ mình… chúng sẽ thu mình lại, tự tìm cách giải quyết mọi việc dẫn đến nhiều hành động sai trái, dại dột.
Vì thế, cha mẹ luôn phải lưu ý trong việc đối xử và tương tác với con cái. Hãy làm bạn với chúng, gần gũi và lắng nghe, tôn trọng ý kiến và cùng nhau bàn bạc, giải quyết mọi việc từ những khúc mắc trong sinh hoạt ở lớp, việc học tập, đến các mối quan hệ và cảm xúc của các con.
Chỉ khi bố mẹ trở thành những người bạn của con, chúng ta mới xóa bỏ được rào chắn ngăn cách, và khi ấy, bố mẹ mới hiểu được con và có những chia sẻ, định hướng đúng đắn cho con.
Nhiều năm trở lại đây, học sinh gặp rất nhiều áp lực trong học tập. (Nguồn: Internet) |
Vấn đề là làm sao để đứa trẻ lớn lên trở thành người hạnh phúc?
Muốn con cái hạnh phúc, bố mẹ phải tạo ra được một môi trường sống hạnh phúc. Bố mẹ là tấm gương phản chiếu của các con nên việc bố mẹ sống như thế nào, ứng xử ra sao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của con cái.
Một đứa trẻ chỉ cảm thấy hạnh phúc khi nó cảm nhận được tình yêu của bố mẹ dành cho mình. Sự cảm nhận ấy bắt nguồn từ cách bố mẹ đố xử, tương tác với chúng hằng ngày, từ những lời nói đến hành động.
Một khi con cảm nhận được bố mẹ thực sự yêu thương mình, hiểu mình, tôn trọng mình, lắng nghe mình thì con mới có cảm giác hạnh phúc khi sống trong chính ngôi nhà của mình.
Có phải để giảm áp lực học tập cho trẻ, cần chữa ngay từ bố mẹ? Nên làm thế nào để người lớn thay đổi, theo ông?
Tôi nghĩ rằng, thứ nhất, ngành giáo dục cần phải có một cuộc cánh mạng trong việc cải cách. Chúng ta cần cải cách từ việc thay đổi tư duy của lãnh đạo Bộ rồi mới đến việc khác. Nếu không thay đổi tư duy, quan điểm giáo dục thì mãi mãi những cải cách khác đều không có tác dụng nhiều.
Thứ hai là về phía gia đình, cần phải thay đổi tư duy, nhìn nhận về việc đặt ra các mục tiêu, kỳ vọng đối với con cái. Đừng nghĩ cứ trẻ con thì nhiệm vụ chính là học mà phải quan tâm các vấn đề phát triển kỹ năng, khám phá bản thân và bồi dưỡng tâm hồn nhân cách cho các con.
Nên nhớ, người lớn cũng đã từng là trẻ con, hãy ôn lại lúc bé mình suy nghĩ gì, gặp những áp lực nào, mong muốn bố mẹ đối xử với mình ra sao…
Vì thế, hãy đặt mình vào vị trí của con thì mới hiểu được chúng và có những ứng xử phù hợp. Việc tạo cho con một tinh thần thoải mái, một môi trường sống an toàn hạnh phúc trong ngôi nhà của mình, đừng quá kỳ vọng và đặt gánh nặng lên đôi vai bé bỏng của con, hãy trở thành người bạn thân của con.
Chỉ có như thế các con mới có thể phát triển đầy đủ mọi mặt và có một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
Xin cảm ơn ông!
| TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: 'Tôi cũng từng rơi vào trầm cảm...' TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh chia sẻ, 'thứ cứu vớt tôi vào những thời điểm mong manh và đen tối, đó là suy nghĩ: tôi ... |
| Giới trẻ 'phải lòng' mạng xã hội, trách nhiệm của cha mẹ đến đâu? Đam mê mạng xã hội là một hiện tượng có thực ở giới trẻ. Vì quá đam mê mạng xã hội, người trẻ dành phần ... |