Nhà báo Phạm Khuê |
Là một trong 6 nhà báo Đức tham gia Đối thoại truyền thông Đức - Việt lần thứ hai (7-9/10) tại Hà Nội, Phạm Khuê dễ bị lẫn vào nhóm nhà báo Việt Nam bởi vóc dáng nhỏ bé, mái tóc đen…
Tại sao lại là "Phạm Khuê" chứ không phải một cái tên Đức?
Tại sao phải là một cái tên Đức? Tôi thích tên Việt Nam hơn nhiều.
Có nhiều người gốc Việt làm báo ở Đức không?
Có lẽ tôi là nhà báo nữ gốc Việt đầu tiên làm việc cho một tờ báo quốc gia. Tôi đọc rất nhiều tờ báo Đức và chưa thấy nhà báo gốc Việt nào. Phần lớn người gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai như tôi thường theo đuổi những công việc như kinh doanh, bác sĩ, luật sư… Còn nghề báo thì không phổ biến lắm.
Tại sao vậy?
Có lẽ giống như bố mẹ tôi, bố mẹ của họ sinh ra ở Việt Nam và đến Đức cách đây 30-40 năm. Họ có phần "truyền thống" nên muốn các con mình có công việc ổn định, kiếm nhiều tiền. Còn nghề báo thì khắc nghiệt hơn nhiều. Bạn không dễ dàng ký được hợp đồng, rất căng thẳng, thu nhập thì ở mức trung bình thôi.
Làm việc cho tờ báo có 2 triệu độc giả, chị có gặp áp lực về thời gian?
Tôi không phải viết bài hàng ngày. Để hoàn thành một bài báo chuyên sâu (feature), thường tôi phải mất vài tuần để nghiên cứu, gặp gỡ mọi người, phỏng vấn rồi viết bài. Có khi trong cả tháng tôi chẳng viết bài nào (cười).
Một ngày làm việc điển hình của chị?
Tôi đến cơ quan tầm 9.30 sáng, đọc các báo in, báo mạng, twitter… bằng tiếng Đức và tiếng Anh.
Không có báo tiếng Việt nào?
Tiếng Việt của tôi vẫn chưa đủ để đọc báo tiếng Việt được (cười). Sau đó, khoảng 10.30, nhóm làm chính trị có cuộc họp để trao đổi thông tin, thảo luận các vấn đề quốc tế và Đức rồi quyết định xem sẽ viết về những chủ đề nào. Khi có chủ đề, chúng tôi gọi điện để đặt lịch phỏng vấn, đi công tác… Thường mỗi tháng tôi đi làm nghiên cứu một lần ở đâu đó, London, Đông Đức hay Việt Nam.
Vào thứ Ba hàng tuần, tất cả bài báo phải hoàn thành và chúng tôi tiến hành biên tập. Thường đến 1h sáng mới xong. Rất mệt mỏi!
Thế còn tin tức về Việt Nam trên Die Zeit, tờ báo có 2 triệu độc giả?
Không nhiều lắm.
Hy vọng chị sẽ là cầu nối để có nhiều bài viết hơn về Việt Nam…
Năm ngoái, tôi đã viết bài về Việt Nam khi tôi tham gia chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng Philipp Rosler. Ông ấy sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Đức nhưng chưa hề gặp bố mẹ mình. Tôi thấy rằng người Việt Nam rất tự hào có Phó Thủ tướng gốc Việt…
Sau thất bại của đảng Dân chủ Tự do (FDP) tại cuộc bầu cử Quốc hội ngày 22/9, ông Philipp Roesler đã từ chức Chủ tịch. Bây giờ ông ấy làm gì?
Đức chưa có chính phủ mới cho nên ông Roesler sẽ vẫn giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế liên bang. Tuy nhiên, ông ấy không còn ở trong Quốc hội nữa. Tôi nghĩ là ông ấy đang tìm kiếm công việc mới, có lẽ là bác sĩ nhưng ông ấy lại chưa hoàn thành bằng cấp bác sĩ…
Có thể ông ấy sẽ trở lại Việt Nam?
Có thể, ông ấy mới sang Việt Nam hai lần và chưa đến nơi mình sinh ra…
Lần này chị định viết gì về Việt Nam không?
Tôi định viết về những cô dâu Việt Nam ở Hàn Quốc. Tôi đã đến Hải Phòng và sau đó sẽ bay sang Hàn Quốc. Cách đây hai năm, dì của tôi nói với tôi rằng rất nhiều cô gái Việt Nam muốn kết hôn với người nước ngoài. Đề tài thật thú vị…
Đến giờ chị vẫn hài lòng với lựa chọn nghề nghiệp của mình chứ?
Tôi tương đối trẻ trong nhóm nhà báo chính trị. Khi tôi gặp các chính trị gia, họ rất ngạc nhiên vì cứ nghĩ là sẽ gặp ai đó tầm 40-50 tuổi, tóc hoa râm, đeo kính. Tôi thì hoàn toàn đối lập với hình ảnh đó. Mọi người còn nghĩ tôi là sinh viên…
Tôi biết nhiều hơn về chính trường và chính mình. Nghề báo cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người, viết về rất nhiều đề tài khác nhau, đi đến nhiều nơi, hiểu về nhiều đất nước. Đồng thời, tôi cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều người khác…
Tuy nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Nghề báo cũng có nghĩa là sống chung với áp lực, căng thẳng và không hoàn hảo cho cuộc sống riêng tư. Bạn trai cũ của tôi cũng là nhà báo và cũng phải đi nhiều. Hai chúng tôi chẳng có nhiều thời gian dành cho nhau. Thế nhưng tôi không thể nghĩ đến công việc nào khác cả…
Xin cảm ơn chị!
Phạm Khuê sinh năm 1982 ở Berlin, cử nhân truyền thông ở trường Goldsmiths College London (2002-2005), thạc sĩ xã hội học ở trường London School of Economics (2006). Sau khóa học báo chí ở trường Henri Nannen School ở Hamburg, cô đã làm việc cho Die Zeit ở Hamburg từ năm 2010. |
Hạnh Diễm (thực hiện)