Ảnh minh họa |
Theo khảo sát của quỹ Merrill Lynch, chỉ có 5% số người được hỏi tiếp tục đầu tư vào các thị trường mới nổi (EM), trong khi đó, 34% chuyển sang Mỹ và 11% chọn châu Âu. Điều này có đồng nghĩa với sự bùng nổ của các EM đã qua?
Theo tạp chí Money Week, đây là thời điểm bất thường đối với các EM. Từ đầu năm 2011, lợi nhuận của các EM đã giảm đáng kể so với các thị trường phát triển. Mối quan ngại đầu tiên là rủi ro về chính trị. Và tiếp đến là lạm phát. Hiện tại, lạm phát thực phẩm đang là một vấn đề lớn, gây ra nhiều rủi ro và bất ổn. Nó phản ánh mức cầu tăng - dân số tăng, thực phẩm tiêu tốn nhiều hơn - buộc phải có đột biến nguồn cung.
Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh đột biến về nguồn cung, dòng vốn đầu tư vào các thị trường hàng hóa cũng góp phần đẩy giá thực phẩm tăng cao. Và quan trọng, theo Money Week, giá cả ở nhiều nước châu Á sẽ giảm trở lại sau khi tăng trong vài tháng đầu năm âm lịch do nhu cầu tăng vọt trong kỳ nghỉ này.
Thực tế, vấn đề lạm phát giá thực phẩm không thể giải quyết trong một sớm một chiều (ngoài những biện pháp nhằm hạn chế đầu tư, mà sau này có thể trở thành vấn đề chính trị nếu giá hiện tại vẫn tiếp tục tăng). Giá cao, đến một thời điểm thích hợp, tự thân nó sẽ là một giải pháp khắc phục. Nó sẽ khuyến khích người nông dân sử dụng đất đai nhiều hơn và tăng sản lượng trên diện tích trồng.
Theo Money Week, hiện điều kiện đầu tư tại hầu hết các EM vẫn tốt hơn nhiều so với phương Tây nếu xét về mặt tăng trưởng, đầu tư, đòn bẩy tài chính, sự sẵn sàng cho vay của các ngân hàng và nhiều nhân tố khác nữa, kể cả những nhân tố vô hình như cảm tính. Và đây là thực tế mà hầu hết các thị trường (ngoại trừ thị trường cổ phiếu) đã minh chứng cho điều này. Chính vì vậy, nếu lạm phát giảm xuống vào cuối năm nay và các loại cổ phiếu tại thị trường mới nổi có sức hấp dẫn hơn, thì dòng vốn đầu tư sẽ nhanh chóng quay trở lại. Vậy nên, không có lý do gì để các nhà đầu tư dài hạn rút khỏi các EM vào lúc này.
Tuy nhiên, họ cũng rất băn khoăn làm thế nào để ngăn chặn các rủi ro, đặc biệt là những rủi ro về lạm phát lương thực. Và giải pháp đầu tiên họ làm là "rót" vốn đầu tư vào các loại hàng hóa thông qua các hệ thống theo dõi hoạt động trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ đây có phải là biện pháp tốt nhất hay không. Thời gian vừa qua, giá cả hàng hóa nông nghiệp trên thế giới đã bị đẩy lên do biến động nguồn cung và sự gia tăng về cầu và đầu cơ. Nhưng có lẽ những nhân tố này sẽ không đủ để có thể gây ra một sự tăng giá khác tương tự như vừa rồi. Nếu giá thực phẩm tăng thêm 50% hoặc nhiều hơn, thì ắt hẳn nó sẽ liên quan đến sự gia tăng của chi phí đầu vào như phân bón. Tim Price của tờ Money week gần đây đã giới thiệu về quỹ đầu tư Market Vectors Agribusiness của Mỹ (MOO). Đây là một quỹ hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Hiện quỹ này đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của các công ty phân bón, dụng cụ tưới tiêu và hạt giống như Potash, Monsanto, Mosaic, Syngenta, Yara và Agrium. Tất cả các công ty này đều đang thu được lợi nhuận lớn từ việc giá đầu vào tăng cao. Và tất nhiên, khoản lợi nhuận này đều từ lạm phát mà ra. Quỹ MOO đã bắt đầu vươn lên kể từ nửa đầu năm 2008, trong khi, vào thời điểm đó, các quỹ đầu tư khác trên thị trường đang suy yếu, và dần phá sản. Do đó, giá cả không còn là mối quan ngại hàng đầu của giới đầu tư nữa.
Phương Linh