📞

'Nhà giàu' Qatar chi 200 tỷ Euro, World Cup 2022 trở thành giải đấu đắt nhất lịch sử

16:20 | 20/11/2022
Hôm nay World Cup 2022 chính thức khai mạc và giải vô địch thế giới lần thứ 22 tại Qatar là sự kiện thể thao đắt đỏ nhất trong lịch sử.
'Nhà giàu' Qatar chi 200 tỷ Euro, World Cup 2022 trở thành giải đấu đắt nhất lịch sử. (Nguồn: Reuters)

Trong bóng đá hiện đại, World Cup là sự kiện vượt ra ngoài phạm vi thể thao, liên quan đến thương mại và chính trị được duy trì bởi những cảm xúc mà các cầu thủ theo đuổi trong một thế kỷ.

Uruguay, quốc gia nhỏ bé với diện tích 176.000 km2, 3,4 triệu dân và có niềm đam mê bóng đá cháy bỏng, tổ chức World Cup đầu tiên vào năm 1930.

Qatar, quốc gia rộng 11.500 km2, nhỏ hơn 15 lần so với Uruguay, dân số 3 triệu người và không có hứng thú với bóng đá cho đến gần đây, tổ chức phiên bản thứ 22 của giải đấu.

Không khó để dự đoán rằng Uruguay sẽ không bao giờ một mình đăng cai World Cup nữa.

Ngược lại, dễ dàng hơn khi giả định rằng tại một thời điểm nào đó, không biết khi nào và trong hoàn cảnh nào, một Qatar khác sẽ tổ chức World Cup. Sự khác biệt nằm ở kinh tế.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và suy giảm năng lượng từ xung đột Nga - Ukraine, sức mạnh kinh tế của Qatar vẫn được đảm bảo nhờ những mỏ khí đốt không đáy.

Với sức mạnh tài chính, World Cup 2022 trong mắt bất kỳ ai đều là giải đấu xa hoa. Cuộc tranh tài ở Qatar, khai mạc trong ngày hôm nay 20/11, trở thành kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử.

Thậm chí, chưa từng có sự kiện thể thao nào tốn kém như kỳ World Cup đầu tiên tổ chức vào mùa Đông.

Khoản đầu tư mà nhà nước Qatar dành cho giải đấu ước tính vào khoảng 200 tỷ Euro.

Số tiền này nói lên điều gì? Chi phí cho giải VĐTG đầu tiên mà một quốc gia Ả Rập đăng cai cao gấp 17 lần so với sự kiện gần nhất mà Nga đăng cai, mùa hè 2018.

Khoản phí 200 tỷ Euro được dành cho việc xây dựng 8 sân vận động (ban đầu dự kiến 12 sân), cùng với các cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho cuộc thi.

Đây là dự án mở cửa quốc tế lớn nhất ở Qatar, quốc gia kiểm soát trữ lượng khí đốt lớn thứ ba trên thế giới.

Con số cụ thể tổng đầu tư rất khó xác định. Phần lớn các cải cách và xây dựng - bao gồm việc tu sửa sân bay hoặc xây dựng tàu điện ngầm ở thủ đô Doha -là một phần của dự án Tầm nhìn Quốc gia Qatar 2030.

Theo chính phủ Qatar, dự án này với mục tiêu biến đất nước thành một "xã hội tiên tiến có khả năng duy trì sự phát triển và cung cấp mức sống cao cho người dân".

Bản thân ban tổ chức World Cup khẳng định rằng nếu giải đấu không được tổ chức ở Qatar thì dù sao các khoản đầu tư vẫn được thực hiện.

Đại sứ Qatar tại Nga, trong bài phát biểu công khai hồi năm ngoái, cho biết chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của World Cup này đã lên tới 200 tỷ USD.

Như vậy, phí đầu tư cao hơn gần 50 tỷ Euro so với GDP Qatar vào năm 2021. Chắc chắn, trong vòng một năm nay, có rất nhiều khoản chi mới được thực hiện.

Để thu lại vốn đầu tư, Qatar tìm cách chuyển đổi nền kinh tế và cải thiện hình ảnh quốc tế. Việc khấu hao không rẻ và không thể làm trong ngắn hạn.

Nam Phi (2010), Brazil (2014) hoặc Nga (2018) có sự tăng trưởng GDP khá lớn vào năm họ tổ chức World Cup, nhưng điều này không được duy trì theo thời gian. Qatar tự tin có thể giải quyết vấn đề này, với việc trở thành loại hình kinh tế khác, ngoài dầu mỏ, trong khoảng 15 năm tới.

(theo Vietnamnet)