Các ứng dụng OTT đang thu hút một lượng lớn người dùng. (Ảnh minh họa) |
Đây là một cuộc tọa đàm "mở" nhằm tìm ra một tiếng nói chung giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động (Telco) và các nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng trên nền tảng Mobile Internet (OTT); đồng thời, đề xuất những chính sách quản lý phù hợp nhằm phát triển loại hình dịch vụ mới đang có xu thế phát triển rất mạnh mẽ này, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp và người dùng.
Hiện nay, dịch vụ hay các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí thông qua kết nối 3G/Internet (Over The Top - OTT) đang ngày càng phát triển và được nhiều người dùng hưởng ứng. Dịch vụ OTT phát triển qua hai thế hệ: Thế hệ đầu là các dịch vụ Skype, Yahoo và Facebook xuất phát từ máy tính cá nhân, đến nay chuyển sang các ứng dụng liên lạc di động hoạt động trên nền băng thông rộng (tức Mobile Internet). Hiện có thể phân loại OTT thành các nhóm khác nhau: Tiện ích (Google; Yahoo); mạng xã hội (Facebook; Twitter); giải trí (Youtube); viễn thông cơ bản (Kakaotalk, Line, Viber).
Theo ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG, Những ứng dụng OTT đã xuất hiện từ lâu như Skype, Yahoo, Facebook, ban đầu xuất phát từ PC, sau chuyển mạnh sang mobile. Tuy nhiên, chỉ đến khi Viber, Zalo, Skype xuất hiện..."lợi dụng" dịch vụ data giá rẻ để cung cấp dịch vụ thoại miễn phí thì các nhà mạng mới thực sự lo lắng.
Bắt đầu phát triển từ năm 2011, các ứng dụng tiện ích này nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người dùng viễn thông nhờ tính thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Bằng nhiều phương thức như tin nhắn, gọi điện, gửi kèm giọng nói, hình ảnh, người dùng cũng chia sẻ được được nhiều nội dung hơn. Riêng Zalo, từ cuối năm 2012 đến cuối tháng 8/2013 đã đạt mức 4 triệu người dùng. Zalo là thành công của VNG, đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, Hàn Quốc, Úc, Ý và 1 số nước Đông Âu và có ở khắp 5 châu lục.
Trước mối đe dọa từ phía các công ty cung cấp ứng dụng OTT, đại diện nhà mạng ,ông Nguyễn Mạnh Hùng Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel lại cho rằng OTT chính là thách thức tạo ra cơ hội, để các nhà mạng 100 năm nay mới có 1 lần tái sinh. Đây là cuôc tái sinh của nhà mạng. "Telsta của Úc có 5.000 người chuyên sáng tạo ra các dịch vụ, trước không có bộ phận này vì các dịch vụ còn ít. Nay có những sản phẩm rất kinh khủng, ví dụ đồng hồ có sim 3G đo được máu, nhịp tim, cuối ngày nhắn thông báo cho người dùng về tình trạng sức khỏe, mỗi tháng phí dịch vụ 100 USD. Bản chất không phải thoại nhưng vẫn là ứng dụng CNTT, viễn thông. Viettel chúng tôi hiện có gần 1.500 người chuyên sáng tạo ra các dịch vụ", ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Hùng, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Tổng giám đốc Mobifone cũng nhận định, OTT là cơ hội và cũng là thách thức. Ông Chiến cũng chỉ rõ, nếu muốn phát triển lâu dài thì phải theo hướng win-win, đôi bên cùng có lợi. Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng thì sẽ khó có cạnh tranh, hợp tác cùng phát triển.
Bà Nguyễn Thị Mơ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn Thông (Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ quản lý OTT là việc phải làm, tuy nhiên không nên và cũng không thể ngăn cấm vì đây là sự phát triển tất yếu. "Vấn đề là phát triển sao cho bền vững vì nếu nhà mạng suy yếu thì OTT cũng không có nơi để tồn tại", bà nói.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, hiện các cơ quan chức năng đang xây dựng văn bản pháp lý về vấn đề này, tuy nhiên, trước mắt, Bộ Thông tin và Truyền thôngkhuyến khích các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT ngồi lại với nhau, để hợp tác kinh doanh các dịch vụ thoại và phi thoại, qua đó đem đến lợi ích tối đa cho người tiêu dùng và giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững.
Diễn Tú