Lễ khánh thành nhà máy Thép Sông Hồng. |
Khởi động đầu năm
Ngay khi những cánh hoa đào vẫn thắm sắc Xuân, các CBCNV của Công ty Thép Sông Hồng đã cho ra lò những mẻ thép thanh trơn và thanh vằn đường kính từ D10 đến D40, thép cuộn đường kính từ phi 5,5 đến phi 12 theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6285-1997, TCVN 1651-1985, và các bộ tiêu chuẩn JIS G3112-1997 (Nhật), BS 4449-1988 (Anh), ASTM A615/A615M-00 (Mỹ).
Tổng Giám đốc Công ty CP Thép Sông Hồng, ông Nguyễn Việt Cường bộc bạch: Công ty CP Thép Sông Hồng có tiền thân là Nhà máy cán thép Sông Hồng với cổ phần chi phối 85% của Tổng Công ty Sông Hồng. Trong năm 2008, Dự án Nhà máy Thép Sông Hồng được Công ty CP Thép Sông Hồng tiếp nhận với tổng mức đầu tư hơn 220 tỉ đồng, công suất thiết kế là 180.000 tấn/năm bằng thiết bị và công nghệ của Đài Loan và Nhật Bản.
Sau khi chính thức đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp khoảng từ 150 đến 180 ngàn tấn thép mỗi năm cho ngành xây dựng nước nhà, thu hút khoảng 220 lao động với mức lương trung bình dự kiến khoảng 2,9 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước khoảng 86 tỉ đồng/ năm (chưa kể thuế xuất nhập khẩu). Trong thời gian đầu hoạt động, nguyên liệu phôi sử dụng cho sản xuất của Nhà máy chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Sau này, Nhà máy sẽ sử dụng phôi sản xuất trong nước.
Hiện tại, Tổng Công ty Sông Hồng đang tham gia đầu tư vào dự án Khu liên hiệp sản xuất phôi thép từ quặng sắt Cao Bằng. Khi dự án này đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp cho Nhà máy nguồn nguyên liệu phôi ổn định với chi phí đầu vào thấp hơn so với việc phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Đón đầu thị trường
Để định danh được thương hiệu “Thép Sông Hồng - Sức mạnh Lạc Hồng” - mang nhãn hiệu SHS ngày nay, Nhà máy Thép Sông Hồng đã được “thai nghén” từ 7 năm qua.
Trong làn hơi nước trắng mờ toả ra từ những mẻ thép còn đang đỏ lửa, ông Lê Văn Chuyên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trầm tư nhớ lại những ngày gian khó. Do điều kiện khách quan cũng như chủ quan, Dự án Nhà máy Thép đã gặp nhiều khó khăn từ ngày đầu xây dựng hạ tầng đến việc thu xếp vốn cho đầu tư sản xuất. Mãi đến ngày 30/7/2008, khi Tổng Công ty Sông Hồng chính thức tiếp nhận Nhà máy với vai trò là chủ đầu tư, thì Dự án mới ra đời.
Đến nay, Công ty CP thép Sông Hồng đã tập hợp được một đội ngũ chuyên gia đầu ngành về công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng thép xây dựng. Cùng đó, là một dây chuyền sản xuất thép hiện đại. Sau thời gian hiệu chỉnh và chạy thử, đến nay hệ thống lò nung của SHS đã hoạt động an toàn và ổn định. Đây là loại lò đốt triệt để vì thế không có khói, không gây ô nhiễm môi trường, ông Tô Hán Hoà – chuyên gia cán thép Đài Loan cho biết thêm. Đội ngũ kỹ sư Việt Nam tham gia vào quá trình vận hành nhà máy đều được đào tạo bài bản và rất thông minh, nên đã nắm bắt được tất cả các vấn đề về công nghệ. Đến nay, các kỹ sư Việt Nam đã có thể tự vận hành toàn bộ nhà máy.
Ngày Xuân, thêm những tin mừng đến với tập thể CBCNV Công ty CP Thép Sông Hồng. Theo Bộ Công Thương, tháng 1/2009, mức tiêu thụ thép đã tăng gấp 3 lần so với quý IV năm 2008, ước đạt khoảng 310.000- 320.000 tấn. Đây một phần do nhu cầu xây dựng và thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, một phần từ các tác động của những chính sách từ Chính phủ như hạ lãi suất cho vay và giãn nợ… Điều này một lần nữa cho thấy khả năng đón đầu thị trường và tầm nhìn định hướng của Ban lãnh đạo Tổng Công ty Sông Hồng.
Chia tay với CBCNV Nhà máy thép của Công ty Cp Thép Sông Hồng, bên tai tôi còn văng vẳng lời ông Nguyễn Quang Mẫn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Sông Hồng, trong buổi gặp mặt đầu Xuân: “Chúng ta hãy cùng nhau vượt qua những khó khăn bước đầu, ắt sẽ thành công! “
Minh Hoà