Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam. |
Dư luận và báo chí Nhật Bản: Việt Nam hành xử đúng mực trong vụ việc này
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam mở cuộc họp báo quốc tế tại Hà Nội ngày 7/5, nhiều hãng tin và báo chí lớn ở Nhật tham gia đưa tin về sự kiện này như Kyodo, Jiji, Yomiuri, Asahi, Sankei, Nikkei…
Bản tin của "Yomiuri" đặt dòng tít mô tả rõ hành động: “Tàu Trung Quốc uy hiếp, phun vòi rồng và đâm vào tàu Việt Nam”. "Yomiuri" dẫn nguồn tin Chính phủ Việt Nam cho biết nhiều tàu Trung Quốc tiếp cận, uy hiếp, phun vòi rồng và đâm thẳng vào một tàu tuần tra Việt Nam khiến 6 người bị thương.
Trong khi đó, “Sankei” dẫn nguồn hãng tin AP của Mỹ cho biết tàu Trung Quốc đã đâm vào tàu cảnh sát biển Việt Nam. Theo báo này, Trung Quốc thông báo khoanh vùng bán kính 3 dặm (4,8km) xung quanh giàn khoan, cấm tàu bè nước ngoài đi vào. Hành động này của Trung Quốc lập tức bị phía Việt Nam phản đối vì vùng biển trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Báo này cũng cho biết ngay sau khi Việt Nam cử 30 tàu đến vùng biển trên, Trung Quốc cũng phái số lượng tàu lớn hơn nhiều so với Việt Nam để bảo vệ giàn khoan trên. “Sankei” còn cho biết Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã né tránh xác nhận việc phát sinh va chạm giữa tàu của hai bên. Phía Việt Nam khẳng định không có nổ súng nhưng tàu Trung Quốc cố ý đâm hỏng tàu Việt Nam và phun vòi rồng.
Cùng ngày, nhiều kênh truyền hình của Nhật Bản như NHK, NNN, ANN, TBS... cũng phát tin và cho đăng tải video clip tàu Trung Quốc có các hành vi manh động như phun vòi rồng và đâm thẳng vào tàu kiểm ngư Việt Nam. Đoạn video clip được các hãng truyền hình Nhật Bản sử dụng với thời lượng dài hơn 1 phút với đầy đủ các hành vi mô tả như phun vòi rồng, rượt đuổi, đâm hỏng tàu.
“Yomiuri” chiều 8/5 cho biết hai nước vẫn đang tiếp tục duy trì tình trạng đối đầu trên biển. Tờ báo cho rằng với tình trạng căng thẳng hiện nay, vấn đề Biển Đông sẽ là trọng tâm chính trong các cuộc bàn thảo của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại Myanmar từ ngày 10/5. Báo này cho biết số lượng tàu Trung Quốc phái đến vùng biển trên hiện đã lên tới 80 tàu, bao gồm cả tàu chiến của hải quân. Tờ báo cũng dẫn lời Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam Ngô Ngọc Thu cho biết “tình thế hiện nay đang hết sức cấp bách”.
Dư luận Nhật Bản đều đồng loạt phản đối thái độ hung hăng và trắng trợn của Trung Quốc và cho rằng phía Việt Nam đã hành xử đúng mực trong vụ việc này. Sau khi truyền hình Nhật Bản cho đăng clip bản tin lên youtube, các cư dân mạng và diễn đàn ở Nhật như 2channel, ameblo, 2chradio… đều trích dẫn lại và bình luận sôi nổi. Nhìn chung, dư luận Nhật Bản lên án hành động đơn phương của Trung Quốc.
Truyền thông Ấn Độ: Hành động của Trung Quốc đi ngược Luật pháp Quốc tế
Báo “The Economic Times” ngày 7/5 đăng bài viết của nhà báo Ấn Độ Dipanjan Roy Chaudhury, trong đó cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào vùng gần Hoàng Sa là nhằm tăng cường yêu sách về lãnh thổ. Theo tác giả, Trung Quốc cho rằng tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại biển Đông là ‘cố hữu” và “không thể tranh cãi”, song rõ ràng Bắc Kinh thiếu chứng cứ pháp lý quốc tế và đã vi phạm luật quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển UNCLOS 1982. Tuyên bố của Trung Quốc đã gặp sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế và là một trở ngại lớn đối với nỗ lực giải quyết tranh chấp trong khu vực…
Ngày 8/5, báo trên tiếp tục đăng bài viết cho rằng việc Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam cũng như tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng và đâm vào tàu Việt Nam đã làm tình hình căng thẳng giữa hai nước tăng lên mức cao nhất trong những năm qua. Hành động của Trung Quốc ngược với tinh thần UNCLOS 1982 và những thỏa thuận mà Bắc Kinh đã ký với các nước Đông Nam Á, theo đó kêu gọi các quốc gia không đơn phương tiến hành họat động làm leo thang căng thẳng.
Mạng tin của “Nhóm phân tích Nam Á” (SAAG) chiều 8/5 cũng đăng bài viết của Tiến sĩ Subhash Kapila, trong đó nhận định rằng hành động của Trung Quốc đe dọa đến an ninh và ổn định hàng hải tại Biển Đông. Khu vực Trung Quốc muốn đặt giàn khoan chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý và như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định “nằm trong Khu vực kinh tế đặc quyền và thềm lục địa không thể chối cãi của Việt Nam” do vậy, tàu Cảnh sát biển và các cơ quan chức năng khác của Việt Nam đã tới khu vực và cố gắng ngăn chặn. Theo Tiến sĩ Kapila, những động thái của Trung Quốc được coi là một phần của một chiến lược có tính toán và dự báo những diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục nảy sinh trong thời gian tới.
Cùng ngày, báo “The Indian Express” đưa tin, Việt Nam ngày 7/5 đã khuyến cáo Trung Quốc rằng sẽ tiến hành mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình tại Biển Đông, nếu Bắc Kinh không rút giàn khoan khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Trong khi đó, báo “The Time of India” đăng bài viết của tiến sĩ S.D. Pradhan nhận định chính sách của Trung Quốc đối với các nước láng giềng được cho là đã làm gia tăng các nguy cơ nghiêm trọng của các cuộc xung đột trên Biển Đông.
Gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu việc xây dựng các công trình, ban hành lệnh cấm đánh bắt trên Biển Đông,tiến hành việc khoan, khai thác dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ hành động của Trung Quốc, tuyên bố rằng mọi hoạt động thăm dò dầu khí tiến hành trong vùng biển Việt Nam nếu không được phép của nước này là hoàn toàn bất hợp pháp.
Hải Đăng