Điều đặc biệt trong bộ sưu tập áo dài mới này là sự tham gia của ba thế hệ trong gia đình, đó là NTK Xuân Thu, mẹ chị và con gái – NTK trẻ Nguyên Khanh. Bộ sưu tập chính là những nhân vật mẹ con ngoài đời thực nhằm tôn vinh vẻ đẹp của áo dài trong các nét sinh hoạt đời thường…
Các thiết kế trong bộ sưu tập “Đôi tay mẹ”. |
Ý tưởng về sự trao quyền
Với ý tưởng về sự trao truyền, tình yêu thương và gắn kết của các thế hệ, ba người phụ nữ trong gia đình NTK Xuân Thu đã cùng nhau thực hiện bộ sưu tập áo dài mới thể hiện sự kết nối, sẻ chia của những người phụ nữ khi có cùng đam mê, đó là khâu những tấm áo lụa thời trang.
NTK Xuân Thu chia sẻ, chị và các thành viên trong gia đình đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu, bởi thời trang tơ lụa là niềm đam mê, tình yêu của những người phụ nữ trong gia đình chị.
Chị chia sẻ: “Tôi thừa hưởng đam mê khâu vá trang phục từ mẹ. Khi còn nhỏ, tôi đã thấy mẹ thường xuyên dùng kim chỉ, thêu thùa may vá, nên từ khi rất nhỏ đã biết cầm kim rất khéo.
Khi trở thành nhà thiết kế, những kinh nghiệm tôi học được từ mẹ là nguồn gốc giúp tôi có nhiều sáng tạo trong các thiết kế và những yếu tố đó chính là sự khác biệt. Thật mừng, tình yêu với thời trang không dừng lại mà sự bất ngờ là điều ấy còn truyền nối cho con gái tôi.
Nguyên Khanh có sở thích với vải và màu sắc đến kỳ lạ, có thể ngồi hàng giờ để khâu, vá, thêu và đan như tôi ngày nhỏ. Tôi tự hào vì tình yêu và niềm đam mê sáng tạo nên những sản phẩm thời trang thủ công tỉ mỉ của các thế hệ vẫn đang được trao truyền một cách tự nhiên”.
Nói về ý tưởng lấy tên gọi cho bộ sưu tập “Đôi tay mẹ”, NTK Xuân Thu cho biết mỗi người khi sinh ra đều được nuôi nấng, vỗ về từ đôi tay mẹ.
Chị bộc bạch: “Đôi tay ấy là cả bầu trời rộng lớn nâng bước con trưởng thành. Cứ như thế, dù ở đâu, người mẹ nào cũng thật vĩ đại. Mẹ nấu cho con những bữa cơm ngon nhất, khâu tấm áo ấm nhất để con diện. Mẹ dạy con gái cách may vá thêu thùa.
Ở Việt Nam, ở một số dân tộc ít người, con gái khi lấy chồng của hồi môn là chăn, gối, váy áo, mũ được may từ vải tự dệt, tự khâu. Cứ như thế, “đôi tay mẹ” từ đời này sang đời khác sẽ đón những đứa con chào đời, chăm con, thêu thùa, may vá, dạy dỗ con cách trở thành người phụ nữ hoàn hảo.
“Đôi tay mẹ” không chỉ mang nội hàm về sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ bao đời nay mà còn thể hiện cả tình yêu thương, đùm bọc, che chở, vai trò của người phụ nữ trong gìn giữ tổ ấm của gia đình”.
NTK Xuân Thu với thiết kế trong bộ sưu tập. |
Kết nối ba thế hệ
Bộ sưu tập “Đôi tay mẹ” gồm 12 mẫu áo dài được thiết kế bằng chất liệu tơ tằm truyền thống như silk, taffta, organza cao cấp cùng nhiều họa tiết làm bằng tay cầu kỳ, tinh tế.
NTK Xuân Thu giữ vai trò nhóm lửa về câu chuyện lụa là gấm vóc cho người Kinh Kỳ, đó là các thiết kế tạo nên phong cách ở bộ sưu tập. NTK trẻ Nguyên Khanh đã mạnh dạn làm đồng nghiệp với mẹ Xuân Thu trong bốn mẫu thiết kế.
Nếu như những mẫu thiết kế của NTK Xuân Thu mang thiên hướng sang trọng, cầu kỳ, sử dụng gam màu nổi bật là cam, đỏ, thì những mẫu thiết kế của Nguyên Khanh lại mang tinh thần của người trẻ đầy cá tính nhưng tối giản cùng gam màu tươi trẻ là vàng và xanh lá cây.
Bộ sưu tập có tính chất đối lập, tương phản về màu sắc nhưng lại có sự liên kết mang tính đồng bộ về ý tưởng. Đó chính là điều đặc biệt, thể hiện được sự trao truyền qua các thế hệ.
Theo NTK Xuân Thu, bốn mẫu thiết kế của Nguyên Khanh cũng có câu chuyện riêng của thế hệ GenZ.
Các mẫu áo của Nguyên Khanh mang màu sắc tươi sáng, trẻ trung với kiểu dáng dễ mặc trong hoạt động môi trường hội nhập, nhưng táo bạo và ngây thơ, đúng phong cách của thế hệ trẻ.
Điều này được thể hiện rõ nhất qua các chi tiết “rất thơ” như những chiếc nơ xinh xắn tạo ấn tượng về những bông hoa, nốt nhạc điểm xuyết làm nên điểm nhấn trên chiếc áo…
Nguyên Khanh năm nay mới 15 tuổi, là nhà thiết kế trẻ nhất khi tham gia Lễ hội áo dài du lịch năm 2022 với bộ sưu tập “Begin” (Bắt đầu), gồm chín mẫu áo dài được phác thảo chỉ trong một đêm.
Tại chương trình này, chín mẫu thiết kế của Nguyên Khanh mang đến một sắc thái mới cho áo dài, đó là sự trẻ trung từ thiết kế mảng màu bất đối xứng được sắp đặt khéo léo với những hình vẽ cá tính.
Trong bộ sưu tập “Đôi tay mẹ”, mẹ NTK Xuân Thu – bà Bình Sinh, cũng tham gia như một công đoạn trong bộ sưu tập.
Tất cả các chi tiết như làm nơ trang trí và các đường khâu đột được bà chăm chút rất tỉ mỉ trên từng mẫu áo, tạo nên sự kết nối hoàn thiện một cách hoàn hảo với chất liệu khó tính là tơ lụa của bộ sưu tập.
Mặc dù đã 76 tuổi, nhưng với niềm đam mê kim chỉ, bà như nguồn khởi thủy về một nghề, giúp cháu con chăm chút từng đường khâu, nâng niu tà áo do con gái, cháu gái thiết kế bằng những kỹ năng lão luyện.
“Mẹ tôi đã già như sợi chỉ mỏng nhưng xuyên suốt câu chuyện về trang phục ở gia đình, mỗi mũi chỉ đường kim của mẹ là cả tình yêu mà bà dành cho con cháu. Những sáng tạo của tôi và Nguyên Khanh đều có dấu ấn của mẹ”, NTK Xuân Thu cho biết.
NTK Nguyên Khanh với thiết kế trong bộ sưu tập. |
Lan tỏa giá trị văn hóa Việt
Chính mối duyên giữa các thế hệ đã gắn kết NTK Xuân Thu với thời trang. Ngay từ nhỏ, chị đã sớm được làm quen với may vá, khi ông nội là cửa hàng trưởng một cửa hàng may, mẹ giỏi thêu thùa, đan móc và bố là kỹ sư chế tạo máy nhưng lại biết cắt may. Như một cách rất tự nhiên, chị trở thành một người hiểu về may vá, vải vóc và kim chỉ.
Hơn 20 năm trong nghề thiết kế thời trang, từng cho ra mắt nhiều bộ sưu tập trong các tuần lễ thời trang và show diễn riêng, NTK Xuân Thu đã định vị được thương hiệu và tên tuổi trong làng thời trang cao cấp.
Dấu ấn để nhận ra phong cách của chị đó là các yếu tố handmake, họa tiết thêu lấy từ vốn cổ và màu sắc truyền thống.
Từ những bộ sưu tập trước đó như “Cổng làng”, “Duyên”, “Son” đến “Trang phục mời trầu” và giờ là “Đôi tay mẹ”, có thể nhận thấy văn hóa luôn là yếu tố xuyên suốt trên hành trình thiết kế của tên tuổi Xuân Thu. Chị đã luôn tìm tòi, chắt lọc và đưa vào thiết kế của mình giá trị truyền thống và nỗ lực để mỗi thiết kế của mình đều mang giá trị độc bản.
NTK Xuân Thu hy vọng, thông qua trang phục, mỗi người sẽ hiểu thêm về văn hóa dân tộc, để từ đó thêm yêu, thêm tự hào và gìn giữ giá trị ấy.
Chị cũng mong muốn các nhà thiết kế trẻ hãy cố gắng mang những giá trị văn hóa của Việt Nam lan tỏa mạnh hơn nữa, cũng như thể hiện “cái tôi văn hóa” trong những trang phục của người Việt.
Một số hình ảnh trong Bộ sưu tập áo dài