📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về các dân tộc thuộc địa cũ và toàn cầu hóa

Hữu Ngọc 09:00 | 10/05/2020
TGVN. Những xung đột ở nhiều nơi khác trên thế giới là hậu quả tham vọng của các công ty siêu quốc gia muốn nắm các nguồn lợi của địa phương, dù phải tiêu diệt thường dân vô tội và các dân tộc thuộc địa cũ
Những nước nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu.

Với hiện tượng toàn cầu hóa, chủ nghĩa tư bản xuất phát từ phương Tây đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng toàn cầu và toàn diện: khủng hoảng lương thực, tài chính, kinh tế, khí hậu, năng lượng, địa lý – chính trị, di dân, một cuộc khủng hoảng của nền văn minh nhân loại.

Thế giới cần tìm ra một phương thức phát triển khác, có trách nhiệm về mặt xã hội, có cơ sở đạo lý đúng và lành mạnh về mặt môi trường. Những phần tử tiến bộ trong nhân dân các nước cần ý thức được điều này, tự động đóng góp xây dựng một xã hội dân sự theo hướng này để tạo nên một thế lực nhân dân hữu hiệu trong mối quan hệ Nhà nước và thị trường tự do. Vì lẽ đó mà Diễn đàn Xã hội thế giới (Forum Social Mondial - FSM) đã ra đời ở Porto Alegre (Brazil) năm 2001.

FSM, cuộc tập hợp lớn nhất của nhân dân thế giới chống toàn cầu hóa, đã trở thành truyền thống. Cuộc họp lần thứ chín ở Belem (Brazil) vào đầu năm 2009 có tới 133.000 người dự, từ 142 nước đến, đông nhất từ Mỹ Latinh. Không khí rất trẻ trung hăng hái, vai trò nữ rõ rệt. Trong sáu ngày, đã tổ chức đến 2.000 nhóm thảo luận chuyên đề.

Diễn đàn đã kêu gọi thế giới tập hợp để đối phó với cuộc khủng hoảng thế giới: “Cần phải xây dựng một xã hội đặt trên cơ sở thỏa mãn mọi nhu cầu xã hội, sự tôn trọng các quyền của thiên nhiên, cũng như sự hưởng ứng tham gia của nhân dân trong bối cảnh tự do chính trị toàn vẹn. Cần đảm bảo thực hiện tất cả những hiệp ước quốc tế và quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa (cá nhân và tập thể) không thể tách rời nhau”.

Diễn đàn Xã hội thế giới Belem đã nhấn mạnh cần đưa ra một mô hình mới cho phát triển, chú trọng đến sự tôn trọng thiên nhiên và sự đóng góp của những dân tộc thuộc địa cũ (peuples indigènes) vào một khuôn mẫu sống khác, sống tốt hơn... Ở Belem, tiếng nói đại diện các dân tộc thuộc địa cũ cũng vang lên. Nữ đại diện Philippines J.Pesons đặc biệt chú ý đến “những vấn đề môi trường”, như sự thay đổi khí hậu đe dọa tất cả mọi loài trên trái đất. Như vậy có nghĩa là khi ta đấu tranh bảo vệ các quyền con người, rất cần thiết phải bàn đến cách chúng ta quan niệm các vấn đề môi trường dưới góc độ chúng ảnh hưởng thế nào đến điều kiện sinh sống của mỗi cá nhân. Làm thế nào có thể có được thức ăn nếu nhà nông không cấy gặt được do những điều kiện khí hậu không tính được, hạn hán, mưa lũ?

Làm thế nào ta có thể uống được nước sạch nếu tất cả các nguồn đều cạn hay bị ô nhiễm? Theo một báo cáo mới của diễn đàn, chính các nước nhiệt đới, thường gọi là các nước thế giới thứ ba hay nước nghèo, chịu hậu quả nhiều nhất về khí hậu thay đổi... ''Các công ty siêu quốc gia phải chịu trách nhiệm chính về ô nhiễm này, nhưng chính dân chúng ta cũng có phần trách nhiệm phá hoại môi trường do cách làm ăn của chúng ta”.

Bà L. Razafimbelo, người Madagasca, đại diện cho tổ chức VMLF, nhắc lại vụ tàn sát 100 người do các phe phái chính trị tranh chấp. Bà kêu gọi: "Không phải là lúc phe nọ, phe kia tranh hơn thua, mà phải đặt quyền lợi quốc gia lên trên. Đồng thời, phải đề cao vai trò phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề mâu thuẫn".

R.Saliga, người Philippines do tham gia Diễn đàn nên giác ngộ về sự liên quan giữa quyền lợi các nước thuộc địa cũ đến các vấn đề thế giới. Ông lên án sự phá hoại của các công ty tư bản siêu quốc gia: "Tôi hiểu ra rằng sự thiếu ranh giới rõ ràng của đất đai tổ tiên của thổ dân Mindanao là do nơi đó có kim loại quý nên bị nhượng cho các công ty siêu quốc gia. Giờ thì tôi nhận thức được là những đất trồng trọt lấn vào đất đai tổ tiên của dân và những rừng nhượng cho khai thác ở vùng Upi nhằm thỏa mãn nhu cầu không ngừng tăng về thức ăn và gỗ của các nước tư bản. Giờ thì tôi hiểu có những xung đột ở Mindanao và ở nhiều nơi khác trên thế giới là hậu quả tham vọng của các công ty siêu quốc gia muốn nắm các nguồn lợi của địa phương, dù phải tiêu diệt thường dân vô tội và các dân tộc thuộc địa cũ".