📞

Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về trí thức Việt Nam và hội nhập quốc tế

QT 09:00 | 23/02/2020
TGVN. Trao đổi với PV, nhà văn hóa Hữu Ngọc cho rằng: Giai đoạn hội nhập quốc tế trước, trí thức Việt Nam góp phần quan trọng, đẩy lùi các ảnh hưởng phương Tây vào Việt Nam, nhưng đồng thời biết thu nhập những yếu tố tích cực góp phần tạo nên những giá trị cho đất nước.
Tranh vẽ nhà văn hóa Hữu Ngọc. (nguồn: Nhân vật cung cấp)

Thưa ông, hội nhập quốc tế có phải là cơ hội đổi mới với trí thức Việt Nam không?

Có người cho rằng, từ năm 1986 đến nay là lần đầu tiên ta hội nhập quốc tế. Theo tôi, nói là lần đầu tiên hội nhập quốc tế chưa hoàn toàn đúng. Chúng ta cần phân biệt hai khái niệm: “quốc tế hóa” và “toàn cầu hóa”. Thế nào là quốc tế? Quốc nghĩa là quốc gia, là nước; tế nghĩa là giao thiệp, quan hệ quốc tế là quan hệ giữa các quốc gia. Chữ quốc tế hóa ta dịch từ tiếng Anh và tiếng Pháp Internationalisation. Chữ “toàn cầu hóa” dịch từ tiếng Anh: globalisation và từ tiếng Pháp mondialisation (từ này có ở Pháp từ năm 1995 cũng dịch từ tiếng Anh globalisation có trước). Toàn cầu hóa không chỉ là bang giao giữa các quốc gia mà là toàn cầu, vượt qua biên giới quốc gia, không chỉ về lĩnh vực chính trị, quân sự mà là tất cả các lĩnh vực.

Xuất phát từ kinh tế, có sự phân biệt giữa “kinh tế quốc tế” và “kinh tế toàn cầu”. Theo định nghĩa của từ điển Dictionnaire Universel Francophone thì “nền kinh tế quốc tế” đặt quan hệ giao tiếp giữa các quốc gia trong không gian kinh tế mang tính quốc gia, bằng cách trao đổi và đầu tư trực tiếp ra ngoài quốc gia. Còn toàn cầu hóa là sự biến chuyển từ một nền kinh tế quốc tế sang một nền kinh tế toàn cầu hóa được đặc trưng bởi sự cạnh tranh phổ biến, đối với tất cả các quốc gia, trên cơ sở tư nhân chứ không mang tính chính trị trong không gian kinh tế toàn cầu, mà phần nào các quốc gia không kiểm soát nổi. Trước đã có các công ty siêu quốc gia, nay mọi thứ trở thành toàn cầu: thị trường tài chính, ẩm thực, âm nhạc, internet, khí hậu, môi trường, thời trang… Thí dụ: Chẳng cần có sự can thiệp của quốc gia nào, một bài hát hay một bản nhạc tung ra tại một địa điểm nào đó thì lập tức đã phổ biến qua internet khắp mọi nơi (toàn cầu hóa).

Tóm lại, quốc tế hóa hàm ý giao tế giữa các quốc gia. Toàn cầu hóa hàm ý vượt ra khỏi ranh giới quốc gia.

Những bài học về vai trò trí thức Việt Nam qua các lần hội nhập quốc tế trước đây được rút ra?

Qua những lần hội nhập quốc tế trong lịch sử, vai trò trí thức Việt Nam có hai mặt: vừa có đủ bản lĩnh để đẩy lùi cái tiêu cực của văn hóa nước ngoài. Đồng thời, chấp nhận cái tích cực của bên ngoài nhào nặn thành yếu tố mới cho văn hóa Việt Nam. Thời kỳ hội nhập với khối Đông Á, ta học chữ Hán, dựa vào Khổng học mà nâng cao tinh thần dân tộc, võ trang cho toàn dân để chiến thắng ngoại xâm. Ta dựa vào chữ Hán để sáng tạo ra chữ Nôm, góp phần làm nên nền văn học Việt.

Giai đoạn hội nhập quốc tế phương Tây trong tám mươi năm, cũng như giai đoạn hội nhập quốc tế trước, trí thức Việt Nam góp phần quan trọng, đẩy lùi các ảnh hưởng phương Tây trái với đạo lý Việt Nam, nhưng đồng thời cũng biết thu nhập những yếu tố tích cực cho khoa học kỹ thuật, văn nghệ tiên tiến, đội ngũ trí thức… Sử dụng những kiến thức khoa học của Pháp để đánh thắng Pháp, đánh thắng Mỹ. Nhiều nhà khoa học như Trần Đại Nghĩa, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Khắc Viện… được Pháp đào tạo trở thành những nhà khoa học lớn, góp phần vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, nhờ học Pháp mà ta sáng tạo nên những giá trị cho đất nước về hội họa, kiến trúc, khảo cổ.

Theo ông, từ năm 1986, nhất là từ năm 1990 đến nay, nhiệm vụ của giới trí thức là gì?

Từ hội nhập quốc tế sang toàn cầu hóa thì vấn đề lớn nhất đặt ra là gì? Theo tôi, từ năm 1975 đến nay có hai vấn đề lớn: Thứ nhất, sau 30 năm chiến tranh, hậu quả là nền kinh tế của ta nghèo so với các nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia…), làm sao phải đuổi kịp họ. Nhờ áp dụng kinh tế thị trường và mở cửa, đổi mới đã thành công (bước đầu năm 1989, ta đã xuất khẩu 2 triệu tấn lương thực và 1 triệu tấn dầu thô). Nhưng những yếu tố trên cũng có những mặt tiêu cực. Những yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau tạo nên bộ mặt mới của Việt Nam – tôi ví nó như một cái cân. Một bên đĩa cân là phát triển kinh tế còn đĩa cân bên kia là phát triển văn hóa.

Thứ hai, do thị trường tự do và mở cửa ta bị ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân phương Tây, văn hóa tiêu thụ và những ảnh hưởng văn hóa không lành mạnh khác đối với đạo đức truyền thống của ta. Văn hóa truyền thống của ta không giống văn hóa phương Tây dựa vào cá thể, ta dựa trên tinh thần cộng đồng. Cho nên, nếu không cẩn thận thì phát triển kinh tế có thể phá hoại bản sắc truyền thống. Vấn đề đặt ra đối với trí thức hiện nay là làm sao vẫn tạo điều kiện phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc.