Tóc được coi là trang sức trời phú cho phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. |
Năm chín mười tuổi, đọc Tam Quốc, tôi nhớ nhất đoạn Hạ Hầu Đôn đánh thành bị Tào Tính bắn tên trúng mắt. Đôn rút tên ra, nuốt con ngươi rồi nói "Tinh cha huyết mẹ không nên bỏ!" rồi tiếp tục xông lên giết được tướng địch.
Lời nói của Hạ Hầu Đôn phản ánh quan niệm chữ Hiếu của Khổng học: Tất cả những gì thuộc thân thể do cha mẹ ban cho đều phải giữ nguyên. Dĩ nhiên, điều này áp dụng cho cả tóc, khiến cho trong văn hóa của ta chịu ảnh hưởng Khổng học, tóc có một giá trị thiêng liêng.
Người Pháp hoàn thành việc chiếm đóng Việt Nam vào năm 1883. Suốt thập niên đầu thế kỷ XX, đàn ông vẫn để tóc dài, quấn thành búi tó. Cắt tóc ngắn là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng cách mạng trong quá trình tiếp biến văn hóa với phương Tây. Sự thay đổi này được thực hiện qua phong trào cải cách của các nhà nho tiến bộ (Đông Kinh nghĩa thục và Duy Tân) vào thập niên đầu của thế kỷ XX, sự bắt buộc học sinh các trường cắt tóc ngắn (từ thập niên thứ hai), dư luận báo chí (nhất là trong những năm 1920–30). Lúc đầu, cắt tóc gây ra đau khổ tinh thần, vì tội bất hiếu. Theo Nguyễn Minh Vỹ kể lại: Năm 1911, có ông bố phải làm lễ cúng xôi gà để xin ông bà ông vải tha tội vì phải cho con cắt tóc để được vào trường tiểu học. Đến những năm 1930, hầu như cắt tóc đã phổ biến đến cả nông thôn. Vậy mà vẫn có nhà nho tân học như cụ Nguyễn Văn Tố mãi đến 1939 mới chịu cắt búi tó, sau khi bị báo Phong Hóa giễu cợt. Phụ nữ không phải là đối tượng phong trào cắt tóc, mặc dù lý do phong trào là “văn minh hóa” và vệ sinh.
Đối với mọi nền văn hóa, tóc mang tính chất thiêng liêng. Ở Thái Lan, điều cấm kỵ là xoa đầu trẻ em, dù là để tỏ lòng âu yếm, Kinh thánh còn ghi lại chuyện Samson có sức khỏe vô địch nhờ bộ tóc. Ông bị cô gái giang hồ Delilah phản bội, cắt mất tóc trong khi ngủ. Tỉnh dậy khi bị trói, ông lại có sức khỏe do tóc mọc lại. Ông lay các cột ngôi đền, khiến ngôi đền đổ sập.
Tóc coi như kết tinh tâm linh, nên có tục thờ tóc làm thánh tích. Tóc là một biểu tượng của nhân vị xã hội, dài ngắn hay cắt đi đều mang ý nghĩa tư cách xã hội. Người da đỏ có tục lột da đầu cả tóc của kẻ thù để giữ làm chiến tích. Ngày nay, ở Âu Mỹ, bọn quá khích bài ngoại cạo trọc đầu (Skinbead) để thể hiện sự phản kháng xã hội. Trong nhiều tôn giáo, cạo trọc đầu hay một phần tóc để quyết định cắt đứt với thế tục. Tù nhân bị cạo trọc đầu, tức là bị đẩy ra khỏi xã hội có kỷ cương. Người để tóc dài hoặc rối là có ý xa lánh xã hội (ẩn sĩ) hoặc tang tóc, buồn thảm (Dãi dầu tóc rối da chì quản bao – Truyện Kiều).
Để tóc cũng liên quan tới đẳng cấp xã hội: đẳng cấp võ sĩ đạo Nhật rất coi trọng kiểu để tóc. Ở Pháp, khi bắt đầu cắt tóc, chỉ vua và hoàng thân có quyền để tóc dài. Mãn Thanh đô hộ Trung Quốc bắt người Hoa tết bím tóc. Tóc mọc quanh đầu cũng biểu hiện tia sáng mặt trời, thần linh. Do đó, có chùm tóc thóp đầu của thần linh Ấn Độ giáo.
Tóc được coi là trang sức trời phú cho phụ nữ trong văn hóa của ta. Tóc hay gắn với cái đẹp của đàn bà, tình duyên (Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da – Truyện Kiều). Vì tóc đẹp mà lại thiêng liêng, nên có tục cắt tóc thề yêu nhau mãi mãi (Tóc mây một món dao vàng chia đôi, Tóc thề đã chấm ngang vai - Truyện Kiều). Hôn nhân dùng cụm từ “Kết tóc xe tơ”.
Trước đây, cái đẹp của phụ nữ Nam Kỳ là cái búi tóc, của phụ nữ Bắc Kỳ là cái đuôi gà (Một thương tóc bỏ đuôi gà – Ca dao). Tóc dày thì mới đẹp, vì vậy trước cách mạng 1945, ở Hà Nội (cả một số tỉnh nhỏ như Nam Định), có những người gánh thùng đựng hũ kẹo mạch nha và que tre đi đổi kẹo lấy tóc (tóc rối đổi kẹo). Phụ nữ khi chải đầu hàng ngày nhét những sợi tóc rụng vào khe cửa cho trẻ con đổi lấy que kẹo. Nguyên liệu tóc cũng có nhiều nguồn khác: đàn bà tóc rậm quá cắt bớt đi bán, phụ nữ ngoại tình phải cạo trọc đầu bôi vôi...
Phụ nữ ít tóc mua tóc độn hoặc tóc làm đuôi gà (giải tóc để thòng xuống bên má sau khi cuốn trong khăn). Tôi còn nhớ ở chợ Đồng Xuân Hà Nội, có mấy bà ngồi bán tóc. Những người đi các làng các phố mua tóc là người làng Triều Khúc (huyện Thanh Oai, Hà Đông), cách Hà Nội độ 7km. Tại sao vậy? Theo nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế Đặng Phong, thì trong Thế chiến I và kéo dài đến giữa những năm 1930, ở Pháp và châu Âu có “mốt” phụ nữ dùng lưới đan bằng sợi để bọc tóc cho khỏi lòa xòa. Nhân cuộc đấu xảo thuộc địa Pháp ở Marseille, một người thợ thủ công ở Triều Khúc được phép gửi sang trưng bày một cái lưới bọc tóc bằng tóc người. Hãng Manufrance có sáng kiến đặt mua tóc ở Việt Nam để dệt thành lưới tóc bán ở Pháp. Từ 1923–1932, hãng đã sản xuất được 10 vạn chiếc lưới bằng tóc, bán được 2 triệu franc. Sau đó, lưới bọc tóc chấm dứt. Dân Triều Khúc tiếp tục lùng mua tóc, nhưng cái chính là mua lông gà lông vịt cũng để xuất khẩu.
Từ tóc cũng khá phổ biến trong ngôn ngữ văn học ta: tóc mây, tóc xanh biểu hiện tuổi thanh xuân của phụ nữ, tóc bạc tóc sương, tóc hạc ngụ ý cái gì nhỏ bé (Tóc tơ chưa đền, kẽ tóc chân tơ - Truyện Kiều). Dân gian tin là phụ nữ có mang ba tháng mới mọc tóc.