Sinh con trai hơn con gái qua mấy chục năm kế hoạch hóa gia đình cũng đã bớt dần. |
Ở ta, theo Luật Hôn nhân và Gia đình, và dân luật nói chung không phân biệt nam nữ. Tập quán thích sinh con trai hơn con gái qua mấy chục năm kế hoạch hóa gia đình cũng đã bớt dần, nhất là ở thành thị. Nhưng ở nông thôn, gia đình nào cũng tha thiết có con trai.
Ở Trung Quốc, một nước cải cách rất mạnh và tiến bộ vượt mức, vẫn lưu truyền câu “ngũ nam nhị nữ” (mỗi gia đình nên có 5 trai, 2 gái), ở miền Bắc: truyền thống nhiều trai hơn là do cần nhiều lao động cho gia đình, là do gia đình muốn mạnh thế, đỡ bị bắt nạt. Muốn có con trai nên đẻ nhiều. Dân số Trung Quốc chiếm 1/4 thế giới, những năm 1960, tăng đến 400 triệu người. Giữa thập kỉ 70 của thế kỉ trước, tỷ lệ sinh cả nước tăng lên tới 25%. Đến nay, kế hoạch hóa sinh đẻ rất chặt, nhưng việc vi phạm không ít.
Ở các nước phương Tây, muốn sinh con trai hay gái là do sở thích bố mẹ và người ta tìm mọi cách để sinh trai hay gái theo ước vọng. Có nhiều truyền thuyết về cách sinh được trai hay gái theo ý muốn. Có truyền thuyết cho là muốn sinh con gái thì nữ phải khởi đầu giao hợp, xong thì ngủ bên trái nam. Có truyền thuyết khác cho là nếu muốn có con trai thì cả đôi nam nữ phải thường xuyên ăn “thức ăn mang tính nam tử” nghĩa là thức ăn mặn và các chất có cafeine.
Chị J.Walker ở Crystal City đang định dựa vào chế độ ăn để có con gái vì hai vợ chồng đã có đến ba con trai. Có thêm đứa con trai nữa cũng không sao, nhưng vì chỉ muốn đẻ bốn con, nên cũng muốn "có nếp, có tẻ". Do đó, chị theo chế độ ăn kết hợp nhiều thức ăn có chất calcium và potassium là những chất nghe đồn là dễ sinh con gái. Chị cũng dựa vào tuần trăng sau khi qua Internet được biết là mặt trăng tác động đến thân thể phụ nữ. Vì vậy chị quyết định quan hệ với chồng vào ngày rằm. Kể cũng chẳng có lý do gì xác đáng, nhưng chị tin như thế.
Cũng có phụ nữ tin là ăn nhiều của ngọt thì sinh con gái.
Khoa học có giải quyết được vấn đề này chăng? Vẫn còn lúng túng. Bà L.Riley, chuyên gia y học về bà mẹ và thai nhi ở Boston (Mỹ) nói: “Không có một kỹ thuật nào hoàn toàn bảo đảm. Không thể nào có phương pháp 100% chọn được con trai hay con gái”.
Bác sĩ L.Mastroiami, giáo sư sản khoa và phụ khoa trường Đại học Pennsylvania (Mỹ) còn khẳng định mạnh hơn nữa. Ông cho là tất cả các kỹ thuật đều là vô nghĩa: “Tôi nghĩ là chỉ lãng phí thì giờ. Không có chứng cớ nào là ta có thể tác động đến giới của cái thai qua các kỹ thuật ấy”.
Một số cặp nhờ đến sự giúp đỡ của Viện Di truyền và IVF ở Fairfax. Gần đây, viện này dùng phương pháp “vi phân loại” (Microsort) phát triển để phân lọc tinh trùng nam và nữ. Tinh trùng ấy được sử dụng vào thụ thai nhân tạo. Phải cần trung bình 3 lần thử, mỗi lần 2.500 USD để có thai. Kết quả có thai con gái độ 50-90%, thai con trai khoảng 50-70%.
Hai vợ chồng C.Elias thử phương pháp này, tin là có hiệu quả. Bà muốn có một đứa con gái. Hai ông bà tốn bao nhiêu tiền của, đi lại mà sau bốn lần thử vẫn không có thai. Bà nhớ lại: “Tôi chỉ còn biết khóc. Tôi không ngờ là việc không thành”. Bà giáo sư Riley kết luận: “Với những phương pháp ấy, cũng chỉ có 50% là sinh đúng trai hay gái. Người ta nên quan tâm đến việc sinh một đứa trẻ khỏe mạnh hơn là sinh trai hay gái”. Khi người ta đến hỏi bà về một phương pháp khác, thì bà bao giờ cũng mỉm cười mà bảo họ cứ việc thử miễn là không nguy hiểm.
Các chuyên gia cũng đề cập tác động của môi trường đến việc sinh con trai hay con gái. Thí dụ: các nhà khoa học nhận thấy là các cặp hút thuốc lá trong thời gian nữ có thai thường sinh con gái hơn là những cặp không hút. Trong mấy thập kỉ qua, tỷ lệ sinh trai so với gái giảm đi đáng kể. Đó phải chăng là do chất độc toxin ô nhiễm môi trường khiến cho sinh con trai kém đi.