Nhà văn hóa Hữu Ngọc. |
Vững vàng trước tiếp biến
Nhà văn hóa Hữu Ngọc nói: Điều đầu tiên khi nói chuyện với người nước ngoài, tôi luôn khẳng định rằng: văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa độc đáo, không giống với các nền văn hóa khác. Đặc biệt không phải là bản sắc của văn hoá Trung Quốc, của Pháp... Và hiện nay vẫn mở cửa để đón những cái hay phương Tây chứ không phải một nền văn hóa đóng cửa.
Tôi thường thấy hình ảnh cây đa, một loại cây thân thuộc ở Việt Nam để tượng trưng cho nền văn hóa Việt. Gốc là Đông Nam Á với bản sắc độc đáo là nền văn minh lúa nước đã có từ 1.000 năm trước Công nguyên với những đặc điểm như xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, sử dụng nước mắm, ở nhà sàn, dùng ngôn ngữ tiếng Việt... Những điều mà văn hóa Trung Quốc không có. Từ gốc này, trong tiến trình lịch sử, Việt Nam đã có mấy lần tiếp biến văn hóa. Mỗi lần tiếp biến, từ cái gốc đó lại sinh ra một nhánh mới. Đó là tiếp biến với văn hóa Trung Quốc qua 1.000 năm đô hộ và hơn 900 năm bang giao giữa hai nền độc lập. Đây là một quá trình dài, nhưng Việt Nam vẫn giữ được cái gốc của mình. Nó sinh ra những giá trị văn hóa mới như Khổng học, chữ Nôm, đạo Phật... mang đặc điểm văn hóa cổ truyền của Việt Nam, chứ không phải sao chép nguyên xi của người Trung Quốc. Tiếp đó là tiếp biến văn hóa với Pháp trong 80 năm. Chúng ta vẫn giữ được cái gốc của mình, truyền thống của mình trong quá trình “Tây hóa” do người Pháp thực hiện ở Việt Nam. Ví dụ điển hình là chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam hiện nay, chúng ta “Tây hóa” chiếc áo dài từ chiếc áo tứ thân truyền thống và đã tạo ra một giá trị mới, hiện đại nhưng vẫn mang bản sắc Việt Nam. Đó là điều mà bản thân người Pháp cũng như cả thế giới thừa nhận.
Tiếp thu văn hóa và phát huy truyền thống
Từ năm 1986 đến giờ, chúng ta mở cửa và Việt Nam tiếp tục tiếp biến văn hóa với cả thế giới. Điều này luôn có những mặt tích cực nhưng cũng có những mặt tiêu cực. Theo nhà văn hóa Hữu Ngọc, vấn đề giao lưu, tiếp biến đó, được nhiều hay ít hơn (tức là mất nhiều hơn) là do ý thức của toàn dân. Mà muốn có được ý thức đó, cần có sự nuôi dưỡng của Nhà nước. Cần có chính quyền thông minh và cương quyết. Điều đó đồng nghĩa với việc cần có những chính sách phù hợp để làm điều này, từ đầu tư kinh phí đến hoạt động ngoại giao văn hóa... Muốn giữ được những cái tốt, cái hay của mình trong quá trình hội nhập, bất kỳ nước nào cũng đặt vấn đề giáo dục lên hàng đầu. Ở nước ta, mấy chục năm qua, liên tục kêu gọi, rồi cải cách giáo dục, nhưng tiếc là kết quả thì như chúng ta thấy, nền giáo dục Việt Nam vẫn còn yếu kém và chưa làm được điều đó.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc băn khoăn: chúng ta đang nói nhiều về việc hội nhập kinh tế toàn cầu mà quên rằng muốn có được thành công trong quá trình hội nhập, muốn phát triển kinh tế được thì yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc mang yếu tố quyết định. Hiện nay Việt Nam vẫn đang trong quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là một khái niệm mà các nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra. Tức là khi hai nền văn hóa gặp nhau thì mỗi bên mất đi một ít, đồng thời nhận được mỗi bên kia một ít. Từ đó tạo ra một yếu tố văn hóa mới. Nếu A và B gặp nhau, cùng ngang sức nhau thì mỗi bên đều mất một ít và nhận về bằng nhau. Nhưng nếu một bên yếu quá thì bị bên kia lấn át, thôn tính. Trường hợp một số nước châu Phi khi giao lưu tiếp xúc với văn hóa Anh và Pháp trong thời kỳ thuộc địa là ví dụ điển hình. Ở đây, văn hóa châu Phi do yếu hơn nên đã bị lấn lướt hoàn toàn, mất đi bản sắc của mình. Trường hợp Việt Nam thì khác. Chúng ta giao lưu gặp văn hóa Trung Quốc gần 2.000 năm nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình. Trong 80 năm thuộc địa của Pháp, chúng ta bị “Pháp hóa” một số từ ngữ, sinh hoạt văn hóa nhưng không như một số nước châu Phi, chúng ta vẫn sử dụng ngôn ngữ Tiếng Việt, giữ được những điều cơ bản về truyền thống văn hóa dân tộc. Có thể nói quá trình tiếp biến văn hóa của Việt Nam rất đặc biệt và có tính đặc sắc so với thế giới.
“Trong quá trình hội nhập mọi mặt với thế giới, chủ nghĩa tiêu thụ của phương Tây giờ tràn ngập ở các nước mới phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó đang chèn ép, làm mất dần những giá trí đạo đức truyền thống, nhất là ở lớp trẻ. Bên cạnh việc phòng ngừa, hạn chế tiêu cực, nên đẩy mạnh giáo dục toàn diện mới có thể giữ gìn được những giá trị cổ truyền trong quá trình hội nhập. Khi mình tham gia bản nhạc giao hưởng toàn cầu mà không có một cây đàn hay điệu nhạc đặc biệt thì người ta cũng không cần mình và mình chỉ là số 0. Vì thế bản sắc dân tộc là điều quan trọng nhất, chứ không phải là chuyện giàu có, kinh tế phát triển”.