📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây:

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 14)

Hữu Ngọc 09:00 | 06/06/2021
Thomas Aquinas là nhà thần học được coi là nhà tư tưởng lớn nhất của Thiên Chúa giáo, Thomasi Giuseppe là nhà văn Italy quý tộc đảo Sicilia.
Thomas Aquinas.

Thomas Aquinas (1225-1274) là nhà thần học được coi là nhà tư tưởng lớn nhất của Thiên Chúa giáo (hòa giải đức tin và lý trí). Tác phẩm chính: Sách tổng lược tri thức về đức tin Thiên Chúa giáo chống những người dị giáo (1255 - 1264), Sách tổng lược trí thức về Thần học (1266 - 1274).

Sách tổng lược tri thức về đức tin Thiên Chúa giáo chống những người dị giáo là tác phẩm viết bằng tiếng Latinh, phân biệt hai lĩnh vực: lý tính và lòng tin. Lý tính tìm tri thức bằng thí nghiệm và logic, còn đức tin thì thông hiểu qua thần khải, nhưng lại dùng tri thức do lý tính cung cấp. Như vậy, hai lĩnh vực này không bao giờ xung đột nhau, vì cả hai đều xuất phát từ Thượng đế và thần khải của Thượng đế, nguồn gốc mọi chân lý.

Sách tổng lược trí thức về Thần học được coi là tác phẩm lớn, được viết kỳ công nhất của Thánh Thomas. Tác phẩm tiếp tục phát triển học thuyết về Thượng đế và người trên cơ sở lý tính và đức tin của cuốn Sách tổng lược tri thức về đức tin Thiên Chúa giáo chống những người dị giáo.

Tác phẩm gồm ba phần: học thuyết về Chúa cứu thế, về những Thánh lễ và về Phục sinh. Phần thứ ba không hoàn thành do tác giả qua đời.

Cho đến nay, tác phẩm này vẫn được xem là cơ sở của tất cả các giáo lý Nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã. Tác giả áp dụng phương pháp luận của logic học Aristotelès và các vấn đề đạo Thiên Chúa, hệ thống hóa và trích dẫn các trước tác của những nhà tư tưởng Ki-tô giáo cổ điển hay thuộc thời kỳ đầu.

Thomas đề cao sự quan trọng của lập luận logic trong lĩnh vực lý tính, nhưng khẳng định Chân lý tối cao của thần khải qua Kinh thánh hay những quyết định của Nhà thờ trong lĩnh vực đức tin.

Chủ nghĩa Thánh Thomas củng cố Nhà thờ Công giáo và nhà nước phong kiến Trung cổ Châu Âu. Trong đạo Thiên Chúa, nó kết hợp lý tính với đức tin lạc quan về con người, do đó đối lập với chủ nghĩa thánh Augustinus đề cao nội quan và trực giác, bi quan về con người.

***

Thomasi Giuseppe.

Thomasi Giuseppe (1896-1957) là nhà văn Italy quý tộc đảo Sicilia, tức Hoàng thân Lampedusa. Ông sống ở nước ngoài, tự tách khỏi chủ nghĩa phát xít. Tác phẩm: Con báo (1958).

Con báo là tiểu thuyết duy nhất của Thomasi. Sau khi ông mất, tác phẩm này mới được xuất bản. Cuốn sách chứng tỏ một lập trường quý tộc tự hào và kiêu kỳ, một vốn hiểu biết uyên thâm, một tài nghệ độc đáo. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử, miêu tả xã hội và quý tộc Sicilia trong thời kỳ phong trào Phục Hưng văn hóa dân tộc và thống nhất đất nước Italy (Risorgimento) cuối thế kỷ XIX.

Tác phẩm miêu tả ảnh hưởng việc chiến sĩ Cộng hòa yêu nước Garibaldi chiếm Sicilia và sự thống nhất nước Italy đối với một gia đình quý tộc Sicilia. Khi sách mới xuất bản, tranh luận nổ ra vì tác giả miêu tả sự thất bại của phong trào Risorgimento. Đến nay, tác phẩm được đánh giá là một bản phân tích tâm lý sâu sắc về một thời đã qua, văn phong vừa hiện thực vừa tượng trưng, mang nhiều chất thơ.

Nhân vật chính là Hoàng thân Salina. Con Báo (vật tượng trưng trên huy hiệu của gia đình), một người to lớn, kiêu kỳ, ông cảm thấy không có chỗ đứng giữa thời cũ và thời mới. Ông sống ẩn dật trong phòng nghiên cứu thiên văn trên mái nhà để theo dõi các vì sao.

Những nhân vật khác cũng đậm đà màu sắc: bà vợ già đồng bóng, các con, người cháu họ đào hoa và tự mãn, ông cố đạo, lũ người hầu…

Cách mạng gõ cửa, nhưng cái xã hội cổ xưa ấy vẫn sống theo nghi lễ huy hoàng cũ kỹ. Ở đảo Sicilia bất di bất dịch, mặt trời nung nấu làm tan tác các ý chí cá nhân, nuôi dưỡng những giấc mơ dữ dội của muôn thủa.