📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một thoáng văn học Italy (Kỳ 8)

Hữu Ngọc 09:00 | 18/04/2021
Fogazzaro Aantonio là nhà viết tiểu thuyết theo khuynh hướng Thiên chúa giáo tự do; Goldoni Carlo làm thơ và viết hài kịch; Gadda Carlo là nhà viết luận văn và tiểu thuyết độc đáo, có tính chất thể nghiệm.
Fogazzaro Aantonio là nhà viết tiểu thuyết theo khuynh hướng Thiên chúa giáo tự do.

Fogazzaro Aantonio (1842-1911) là nhà viết tiểu thuyết theo khuynh hướng Thiên chúa giáo tự do. Tác phẩm chính: Thế giới nhỏ bé của ngày xưa (1895).

Thế giới nhỏ bé của ngày xưa là tiểu thuyết điển hình nhất của Fogazzaro. Các tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng chủ nghĩa duy thực (verismo) và khuynh hướng suy biến. Fogazzaro ngả về Thiên chúa giáo tự do, tức là cố gắng hòa giải giáo lý cổ truyền với khoa học hiện đại (đặc biệt với Tiến hóa luận của Darwin).

Những nhân vật bị day dứt giữa đức tin và tình yêu say đắm, tình dục, do đó nảy ra hoài nghi về tôn giáo và tình cảm. Thế giới nhỏ bé ngày xưa trình bày thái độ đối lập của hai nhân vật đối với tôn giáo. Franco, một nhà quý tộc theo đạo rất khắt khe, lấy Lucia, một thiếu nữ có tư tưởng phóng túng, thiên về lý tính.

Bà của Franco không tán thành cuộc hôn nhân này. May mà bác của Lucia nhượng cho vợ chồng trẻ căn nhà của mình. Không may, sau đó đứa con gái yêu dấu của họ chết đuối ở hồ trước nhà, Lucia rất hoang mang, oán Chúa. Franco do đức tin, vượt được sự thử thách và vươn lên, lao vào hoạt động vì Tổ quốc.

Gadda Carlo Emilio (1893-1973) là nhà viết luận văn và tiểu thuyết độc đáo, có tính chất thể nghiệm: chữ viết sai chính tả, ngôn ngữ hồ đồ, câu tối nghĩa để gây cảm giác hiện thực và sâu sắc, mỉa mai. Tác phẩm chính: Ý thức đau khổ (1938-1941), Vụ rối beng ở phố Con sáo (1957).

Vụ rối beng ở phố Con sáo là tiểu thuyết quan trọng của không chỉ tác giả mà còn của cả nền văn học hiện đại Italy. Tác giả mượn hình thức “truyện trinh thám” để đi sâu vào hiện thực và tâm lý tầng lớp tiểu tư sản, dân tứ chiếng thành phố Rome và cả tầng lớp trên. Thanh tra mật thám Don Ciccio là người hoài nghi, kiên trì, có lòng tốt, thỉnh thoảng nổi cáu.

Câu chuyện (như một trò hề cười ra nước mắt) lên án chế độ phát-xít. Gadda đã tạo ra một ngôn ngữ đặc biệt (pha trộn ngôn ngữ dân gian Italy với thổ ngữ Rome) và viết với ngòi bút mỉa mai. Do đó tiểu thuyết luôn luôn ở hai bình diện: hiện thực và biểu tượng.

Ở con phố Con sáo, xảy ra một vụ ăn trộm đồ kim hoàn và vụ giết thiếu phụ Liliane. Hai vụ này có liên quan gì với nhau không? Don Ciccio trước đó có quen Liliane, vợ một người bạn, ông luôn đinh ninh rằng chị ta là một người phụ nữ hiền dịu, gương mẫu. Qua các cuộc điều tra, cuối cùng ông ta phát hiện ra Liliane là một trùm gái đĩ trộm cắp.

Goldoni Carlo (1707-1793) làm thơ và viết hài kịch (nâng cao kịch cương dân gian). Ông là ông tổ của kịch phong tục và kịch tính cách Italy, là người có công nâng “kịch cương dân gian” lên theo cách của Molière (Pháp), nhưng không tập trung vào một nhân vật đại diện cho một tính cách. Tác phẩm nối tiếng nhất của ông là Cô chủ quán (1753), Căn nhà mới (1761) và Mấy bà cả ghen (1752).

Cô chủ quán là vở kịch hài kịch dí dỏm nhất của Goldoni. Kể về cô chủ quán xinh đẹp là Mirandoline. Một bá tước và một hầu tước dùng của cải và quyền thế để chinh phục trái tim cô. Cô lại bày mưu chinh phục một hiệp sĩ ghét phụ nữ và tính hâm hâm, và lẽ dĩ nhiên cô đã thành công. Ba vị quý tộc ghen nhau sinh cãi vã. Nhưng cuối cùng, cô lật ván bài: cô lấy một người hầu cũng tầng lớp với mình làm chồng.

Căn nhà mới là vở hài kịch Italy phản ánh trung thực đời sống của một tầng lớp nhân dân, những nỗi khổ, ước mơ, những va chạm hàng ngày. Vở kịch đề cập một chủ đề mà Goldoni ưa thích: sự xung đột giữa hai thế hệ cũ và mới. Trong này, thế hệ cũ “thắng”: cặp vợ chồng trẻ Anzoletto và Cecilia chuẩn bị nhà mới ra ở riêng.

Vợ thích ở sang trọng, chồng chiều vợ, phải vay nợ. Ông bác có tiền không tán thành cháu lấy vợ hoang phí. Một hôm, thợ làm nhà và những người trang trí tịch thu đồ đạc vì Anzoletto không có tiền trả, anh có thể bị đi tù. Cô vợ tỉnh ra bèn đến xin lỗi ông bác chồng. Ông bác đồng ý trả giúp nợ, nhưng với điều kiện vợ chồng phải tiết kiệm chi phí cho căn nhà mới.

Mấy bà cả ghen là vở hài kịch chế giễu thói ngồi lê đôi mách (chủ đề ưa thích của Goldoni) trong bối cảnh ghen tuông. Hai bà Giulia và Tonia rất sợ Lucrezia, gái góa tinh ma, cướp mất hai ông chồng là Boldo và Toredo, Ngày hội Carnavan, có trò hóa trang.

Boldo vay ít tiền của Todero. Todero lại hỏi vay người đàn bà góa và đưa đồ cược của Boldo. Do đó, có sự hiểu nhầm lung tung, ghen bóng ghen gió. Cuối cùng, họ gặp nhau ở bàn tiệc và mọi việc đều ổn cả.