TIN LIÊN QUAN | |
Nhà văn Hữu Ngọc: Học tiếng Tây để đánh Tây | |
Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Họa sư Nam Sơn và Hội ngộ văn hóa Đông - Tây |
Cộng đồng Pháp ngữ gồm 88 quốc gia thành viên và quan sát viên, là tổ chức quốc tế có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. |
Cho đến hết thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Việt Nam thuộc khối các nước xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã, với thế cờ mới trên bản đồ thế giới, ta gia nhập ASEAN và Khối Pháp ngữ (Francophonie), nói đúng hơn là khối các nước có sử dụng tiếng Pháp.
Có một thực tế là trên phạm vi thế giới, tiếng Anh phát triển át tiếng Pháp, thứ tiếng đã có thời trở thành tiếng quốc tế vào thế kỷ XVIII-XIX.
Vậy việc Việt Nam gia nhập Khối Pháp ngữ phải chăng có ý nghĩa tượng trưng, trong khi dân ta ít sử dụng tiếng Pháp, giỏi tiếng Pháp chỉ có lớp người lớn tuổi 70 trở lên đang ra đi dần? Thực ra không hẳn thế! Khi nói Khối Pháp ngữ, điều quan trọng nhất đối với Việt Nam không phải là ngôn ngữ mà là văn hóa. Văn hóa Việt Nam có cái gốc là văn hóa lúa nước Đông Sơn, chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất là văn hóa Trung Quốc và văn hóa Pháp (phương Tây).
Qua tiếp biến văn hóa, nhiều yếu tố văn hóa Hán (Khổng học, Phật học, chữ nho, thi cử…) và Pháp (quốc ngữ, khái niệm cá thể, óc khoa học, văn nghệ…) đã Việt hóa thành những giá trị văn hóa và truyền thống Việt Nam, tạo thành một phần bản sắc văn hóa dân tộc ngày nay.
Ngoài lý do ta có truyền thống văn hóa Pháp, việc ta gia nhập Khối Pháp ngữ còn có những lợi ích cụ thể về mọi mặt chính trị và kinh tế.
Cuốn Những trao đổi về Cộng đồng Pháp ngữ 2004-2005 của trường Đại học Lyon (Viện nghiên cứu Khối Pháp ngữ và Toàn cầu hóa) xuất bản năm 2006 cho ta thấy những tiềm năng và triển vọng đối với các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.
Narang Nouth, Chủ tịch Trung tâm Tư liệu và Nghiên cứu về văn minh Khmer bàn về bản sắc Pháp ngữ trong ASEAN, ở Đông Nam Á: “Chúng ta đang sống trong một sự đảo lộn nguy hiểm về đạo đức, hướng đến loại bỏ những giá trị đã được xây dựng trong thời gian lâu dài, mà do ảnh hưởng của Ấn Độ giáo và đạo Phật, hoặc trong khung cảnh nền văn minh Khổng học và Lão học, đã hình thành những lý tưởng ngày nay tập hợp dưới những danh từ: Tính cách châu Á hay các giá trị châu Á. Toàn cầu hóa với sự chi phối của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do sức mạnh của kỹ thuật và đồng tiền của các công ty siêu quốc gia, đang phá văn hóa truyền thống, nhất là đang đồng hóa văn hóa. Ứng xử con người ngày càng “rô bốt hóa”, có khuynh hướng bạo lực, phá hoại mỹ tục.
“Đối đầu với sự dâng lên của những thứ khủng bố trên phạm vi quốc tế, Khối Pháp ngữ, do luôn tôn trọng các nền văn hóa và sự đa dạng, do tính chất hòa giải, bổ sung và khoan dung, tinh thần tương thân và bình đẳng, có thể coi là một ranh giới chung mềm dẻo hơn và nhân tính hơn, có thể áp dụng cho ASEAN, vì nó cũng chứa đựng những giá trị đạo đức như “tính chất Á”.
C. Valantin, Giám đốc Hội đồng tối cao Khối Pháp ngữ, nhấn mạnh về khía cạnh thiết thực, tức là kinh tế, chiến địa mới để bảo tồn tính dân tộc. Ông lấy thí dụ châu Phi: “Những nền công nghiệp văn hóa là cơ may cho châu Phi, đặc biệt cho châu Phi Pháp ngữ, có thể khai thác tiềm lực văn hóa lớn của mình, nguyên liệu phi thường. Có thể biến nó thành một sản phẩm văn hóa thực sự có khả năng được chấp nhận về mặt văn hóa, cả về mặt kinh tế”.
Công nghệ văn hóa có hai mặt: mặt văn hóa là giới thiệu bản sắc dân tộc mình và mặt kinh tế rất quan trọng vì nếu biết khai thác, sẽ đem đến lợi nhuận lớn. Thí dụ ở Mỹ, công nghệ văn hóa (phim, TV...) đóng góp 7,75% tổng sản lượng quốc gia; tạo ra ở Liên minh châu Âu hơn 7 triệu công việc. Nên sớm tiến hành một quỹ của Khối Pháp ngữ khuyến khích công nghiệp văn hóa.
K.Haddad, Giáo sư Đại học ở Lebanon nhìn vấn đề từ góc độ ngôn ngữ học: “Ngôn ngữ Pháp cho chúng ta một cái nhìn thế giới với một bộ phận chung. Người ta thường nói đến khái niệm Pháp ngữ chuyển tải những giá trị, đặc biệt là những giá trị Cách mạng Pháp, những giá trị ấy đã trở thành phổ biến, và theo tôi, không thể lạm dụng cho rằng ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ duy nhất chuyển tải chúng. Nhưng có thể nói là, những cấu trúc của nó ít ra cũng tạo nên một điển hình đặc biệt về mối quan hệ đối với thời gian và thế giới, một điển hình đặc biệt về sự phát triển tư duy. Và chính cái đó đã kéo chúng ta lại gần nhau, mặc dầu có sự đa dạng văn hóa”.
Và như vậy thì “ta có thể bình thản mà nhận xét sự phổ biến của ngôn ngữ Anh, Mỹ với tính chất một ngôn ngữ giao tiếp và hạn chế nó trong vai trò ấy"... Nhiều nước trong Khối Pháp ngữ đang tiến tới tình trạng đa ngữ: tiếng mẹ đẻ, tiếng Pháp là ngôn ngữ văn hóa và yếu tố bản sắc, tiếng Anh là ngôn ngữ cần thiết.
Theo Giáo sư Guillou, toàn cầu hóa có nguy cơ đồng hóa các ngôn ngữ và văn hóa, xóa bỏ mọi đạo đức xã hội vì một nền văn hóa cuồng nhiệt, chạy theo lợi nhuận. Cùng với những khuynh hướng muốn tạo cho toàn cầu hóa một bộ mặt nhân văn, Khối Pháp ngữ chủ trương đề cao “các giá trị” đoàn kết đa dạng đối thoại, nhất là trong những quan hệ quốc tế.
| Học giả Hoàng Xuân Hãn: Nỗi niềm một trí thức lớn TGVN.Mấy năm sau chiến tranh Mỹ - Việt, tôi đi Pháp theo lời mời của Hội Pháp - Việt hữu nghị. Trước khi đi, anh ... |
| Đôi điều về nghệ thuật ý niệm TGVN.Nghệ thuật ý niệm là gì? Định nghĩa đơn giản, đó là nghệ thuật mà mục đích của nghệ sĩ là nêu rõ một ý ... |
| Phim hoạt hình Nhật Bản đang tràn ngập hành tinh TGVN.Phim hoạt hình Nhật Bản phát triển nhanh trong bối cảnh điện ảnh thế giới phát triển, các trò chơi điện tử và vô tuyến, ... |